Định hướng vùng sản xuất gắn với nuôi trồng cây con cụ thể, không để nông dân tự “bơi”

Nông dân đang gặp khó trong khâu kết nối tiêu thụ sản phẩm; tập huấn khoa học công nghệ chưa được hiệu quả; diện tích lớn đất nông nghiệp bỏ hoang; cần vốn để tái cơ cấu sản xuất nuôi trồng; cần được phép xây dựng, sửa chữa công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp và mong các cấp chính quyền định hướng vùng sản xuất gắn với nuôi trồng cây con cụ thể, không để nông dân tự bơi -  là phản ánh của đại diện các hợp tác xã (HTX), nhiều hộ nông dân tại Hội nghị “Gặp gỡ các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn các xã: Qui Đức, Hưng Long, Đa Phước do UBND huyện Bình Chánh tổ chức tại Hội trường UBND xã Qui Đức chiều 23/3. Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Lũy chủ trì Hội nghị.

Ông Phạm Thanh Minh - hộ nuôi tôm ở ấp 2, xã Đa Phước, cho rằng: “Việc kết nối, liên kết tiêu thụ sản phẩm có làm nhưng hiệu quả gần như không có. Tổ nuôi tôm xã Đa Phước chúng tôi  tự nuôi và tự tiêu thụ sản phẩm. Liên kết tiêu thụ sản phẩm chúng tôi chưa chịu. Vì “giá thị trường 10 đồng, đơn vị mua 8 đồng, nông dân tất nhiên không chịu bán”.

“Được hỗ trợ tập huấn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ nông dân rất mừng. Tuy nhiên, nông dân chưa tiếp cận hiệu quả. Chuyển giao công nghệ hiện chỉ nói trên giấy phần nhiều chứ chưa áp dụng hiệu quả trong thực tế. 600ha đất nông nghiệp tại xã Đa Phước chưa sử dụng hết, cỏ mọc um tùm. Nông dân hiện chỉ sống bằng tiền bán đất. Nhà nước cần có cơ chế, định hướng trong thực hiện sử dụng đất, thu hút doanh nghiệp về đầu tư. Như vậy địa phương mới phát triển, nông dân sở tại mới có công ăn việc làm” - ông Phạm Thanh Minh cho biết.

Ông Trần Văn Cho - nông dân ấp 3, xã Qui Đức đề xuất: “Với một vùng đất cụ thể, Nhà nước phải định hướng nông dân nên trồng trọt hoặc chăn nuôi loại nào phù hợp thổ nhưỡng và vừa phù hợp cung cầu hiện tại của thị trường. Đừng để nông dân tự “bơi”, tự trồng, tự bán”.

“Rủ nhau nuôi trồng ào ào mà không có nơi tiêu thụ, rớt giá thì cũng như không. Nếu vận động nông dân vào tổ hợp phải đảm bảo số lượng, giá thu mua. Người đứng đầu tổ hợp tác phải có người đủ trình độ, năng lực để điều hành” - ông Trần Văn Cho cho biết thêm.

Trước những khó khăn của nông dân địa phương, Chủ tịch hội Nông dân các xã: Đa Phước, Hưng Long, Qui Đức kiến nghị chính quyền cần quy hoạch sản xuất vùng tại từng địa phương. Từ đó tạo thuận lợi hơn cho nông dân, nhất là các chi phí trong chăn nuôi, sản xuất.

Đồng thời, huyện nên thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất, cung cấp các sản phẩm, phân bón hữu cơ trực tiếp trên địa bàn. Vì “hiện tại phân bón mua bán phải qua trung gian nên giá thành cao, ảnh hưởng đến giá bán của nông dân.

“Phân trước đây 80 ngàn đồng nay lên giá 170 ngàn đồng” - ông Lưu Cẩm Hùng - Chủ vườn lan Sơn Hà (xã Đa Phước) cho hay.

“Chính quyền các cấp cần mở các đợt kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các loại rau đang bày bán trên các kệ để bảo vệ các nông hộ trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Rau VietGAP trên thị trường hiện chưa tới 10%. Phần đông, rau không an toàn, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Lũy cho biết, nông nghiệp đô thị gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng phát triển trong thời gian tới. Vì vậy, đòi hỏi chính quyền địa phương, các HTX và nông dân cần có sự tính toán, trong đó sắp xếp lại từ khâu tổ chức cho đến khâu vận chuyển, tiêu thụ,…

Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo phòng ban chuyên môn phối hợp HTX tháo gỡ khó khăn cho nông dân trong khả năng, thẩm quyền. Riêng UBND huyện sẽ liên kết với các sở, ngành thành phố nhằm tìm đầu ra cho nông sản, sản phẩm của nông dân.

“Về kiến nghị xây dựng, sửa chữa chuồng trại, chúng ta cần linh hoạt đưa ra các giải pháp hỗ trợ nông dân trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Tất cả đều nhằm mục đích chung, đem lại lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân. Các hộ nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, sản phẩm OCOP cần tiếp tục duy trì sản xuất. Mình có sản phẩm 3 sao, 4 sao hay 5 sao thì không chỉ huyện, thành phố mà cả nước và nước ngoài có thể biết đến. Từ đó, nông sản tại Bình Chánh sẽ có thị trường tiêu thụ rộng, xa hơn” - Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Văn Lũy cho biết thêm.

                                                                                                                                                                                                                            Mộng Tuyền

Lượt xem trong ngày: 1 Bản in

Ý kiến bạn đọc

(*)
Hãy để gửi bình luận

TIN MỚI NHẤT

TIN NỔI BẬT

Tin tức đọc nhiều
  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH