Đại hội XII của Đảng khẳng định: Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, địa phương, đơn vị. Lần đầu tiên, phong cách Hồ Chí Minh được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng.
 Phong cách quần chúng cùng với phong cách dân chủ và phong cách nêu gương được thể hiện xuyên suốt mọi hành động trong cả cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa MácLênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Người có lòng tin vô tận đối với quần chúng, luôn luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
 Bác Hồ là tấm gương mẫu mực về phong cách sâu sát với quần chúng. Chỉ tính trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện trên dưới 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội,… từ miền núi đến hải đảo để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Người yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải đi đúng đường lối quần chúng, đồng thời bản thân Người nêu cao tấm gương về lòng yêu mến và tin tưởng rất mực vào khả năng và sức mạnh của nhân dân.
 Hôm ấy, một buổi chiều cuối hè năm 1958. Sau cơn mưa giông ngày hôm trước còn để lại những vũng lầy lội. Một chiếc ô tô xám nhạt đi rất êm nhẹ, dừng lại bên hàng rào nứa cạnh chiếc quán lá bán quà sáng cho công nhân. Bác đến! Lúc đó, nhiều anh chị em công nhân trông thấy Bác reo ầm lên, đổ xô cả lại. Vẫn bộ ka ki bạc màu, đôi dép cao su đen, quai to bản, đế mỏng, Bác nhanh nhẹn bước vào khu tập thể. Anh chị em công nhân theo Bác rất đông, trong đó có một số đồng chí lãnh đạo nhà máy. Khi sắp đến một vũng nước ngay giữa lối đi, đồng chí thư ký công đoàn nhà máy vội vàng đi lấy một tấm ván kê vào chỗ lội để Bác bước lên thềm hội trường. Bác xua tay, vén quần và cứ thế lội xuống nước cùng anh chị em công nhân bước lên thềm nhà. Sau đó, Bác dừng lại quay về phía anh em công nhân, rồi nói với đồng chí thư ký công đoàn nhà máy: “Các chú là người phụ trách, các chú cần phải để ý đến nơi ăn, chốn ở của công nhân hơn nữa. Không phải bắc ván chỉ cốt để Bác đi, mà phải làm sao đường sá sạch sẽ, để khi anh chị em công nhân đi làm về phải qua chỗ lầy lội, bẩn thỉu…”.
 Trong đời sống hằng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ chiến sĩ và đồng bào các địa phương để nắm tình hình và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đau với nỗi đau của nhân dân.
 Tối 30 Tết Nhâm Dần (1962), Bác đến thăm một gia đình nghèo ở trong ngõ cụt phố Lý Thái Tổ (Hà Nội), đó là nhà chị Tín. Nhà chị Tín chỉ có một gian nhỏ, lợp lá cọ, vách đất. Giữa nhà là một cái giường cũ. Quần áo không có chỗ treo, để cả ở một góc giường. Trên bàn thờ nhỏ, chỉ thấy có một nãi chuối xanh và mấy nén hương đang tỏa khói. Nhìn thấy cảnh sống của gia đình chị, Bác Hồ lặng đi.
 Nghe Bác hỏi về việc ăn tết, chị Tín vẫn đứng im. Mãi sau chị mới thưa: “Thưa Bác mẹ con cháu có gì đâu mà ăn Tết ạ! Ngày mai, chỉ còn một lon gạo. Đến giờ này, cháu vẫn phải đi gánh nước để đổi lấy gạo cho các cháu”.
 Bác đi quanh căn nhà một vòng, rồi lấy chiếc bánh chưng đặt lên bàn thờ, cho quà các cháu, rồi nói với chị Tín: “Hôm nay, Bác đến thăm, chúc sức khỏe cô và các cháu. Cô cố gắng nuôi các cháu mạnh khỏe và cho các cháu đi học”.
 Đêm ấy, trên đường về, ngồi trên xe Bác không nói gì, vẻ mặt đượm buồn. Bác về đến nhà, cũng là lúc giao thừa. Các đồng chí trong Bộ Chính trị ra tận xe đón Bác. Bác mời mọi người vào nhà và câu chuyện đầu tiên Bác kể với các đồng chí trong Bộ Chính trị là cảnh nhà chị Tín. Bác nói: “Ta đã có chính quyền trong tay, nhưng một số lãnh đạo địa phương còn chưa gần dân, nên phục vụ nhân dân chưa tốt”.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên “phải từ nơi quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Người đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt “làm quan cách mạng”, không thấy mình là đầy tớ, người học trò của nhân dân. Bác đã nêu ra một quan điểm rất rõ: không phải cứ viết lên trán hai chữ “Cộng sản” thì đương nhiên sẽ được mọi người quý trọng. Quần chúng nhân dân chỉ quý trọng những người có đức, có tài, hết lòng phụng sự nhân dân. Phải yêu dân, kính dân thì dân mới dành sự yêu kính cho mình.
 Phong cách quần chúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa khẳng định tư tưởng, tấm gương đạo đức “suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”. Yêu nước, thương dân, suốt đời vì dân, vì nước là suy nghĩ nhất quán, thường trực trong con người của Bác. Chính nhân cách bên trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện, bộc lộ ra bên ngoài bằng phong cách quần chúng ở Người mà mọi người, nhất là cán bộ, đảng viên hiện nay cần học tập, rèn luyện mọi lúc, mọi nơi và làm hành trang cho suốt cả cuộc đời.
            ĐỖ KHOA VĂN
Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023