Kỷ niệm 81 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2021)

Hào khí ngất trời, tinh thần chiến đấu ngoan cường quật khởi và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân

 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước được ghi dấu bằng rất nhiều sự kiện chứa đựng những bài học kinh nghiệm có giá trị lý luận và thực tiễn vô cùng quý báu cho Đảng ta và nhân dân ta. Khởi nghĩa Nam Kỳ ngày 23-11-1940 là một trong những sự kiện như vậy, cuộc khởi nghĩa đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”. 81 năm trôi qua, nhưng khởi nghĩa Nam kỳ vẫn là một dấu mốc quan trọng - một nét son đỏ thẫm, một khúc ca hào hùng và bi tráng - trong cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do cho Tổ quốc. Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn và binh biến Đô Lương, khởi nghĩa Nam kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, mở đầu cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam cũng như của các dân tộc bị áp bức.
Ngược dòng lịch sử, trước chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và quốc tế khi chiến tranh thế giới lần II bùng nổ (1939), Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ “phản đế” - giải phóng dân tộc lên trên hết, gấp rút quá trình chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 tháng 11-1939, Xứ ủy Nam Kỳ đã chủ động, quyết đoán cao trong xác định chủ trương, chuẩn bị và xây dựng kế hoạch khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng 23-11-1940. Khởi nghĩa nổ ra ở hầu khắp các tỉnh từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ. Cả vùng nông thôn rung chuyển trước sức mạnh tiến công của quần chúng cách mạng. Tại Sài Gòn - Chợ Lớn, nhiều nơi thành lập tổ chức thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế, nông hội phản đế, binh sĩ phản chiến… Quần chúng tốt được đưa vào Mặt trận phản đế, qua giáo dục và được giúp đỡ trong thử thách đấu tranh được chọn kết nạp Đảng. Một số nơi xây dựng các đội cảm tử, tự vệ, du kích, tổ chức luyện tập võ nghệ, tập quân sự, rèn vũ khí thô sơ… Đặc biệt, đảng viên và bà con người Hoa, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy và có liên hệ chặt chẽ với Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, hoạt động rất tích cực như lo việc bố trí cơ quan làm việc của Xứ ủy, tạo nguồn tài chính, mua sắm chất nổ, vũ khí, tuyên truyền vận động, lập Hội kiều kháng Nhật cứu quốc…Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện trong nhiều cuộc biểu tình và những nơi đã thành lập chính quyền cách mạng.
Mặc dù vậy, do chủ quan lẫn khách quan, khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi tới thắng lợi cuối cùng, bị thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man, dìm trong bể máu. Bao chiến sĩ, đồng bào đã ngã xuống, lực lượng nòng cốt cách mạng tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, không vì thế mà phong trào cách mạng bị thoái trào, những bài học kinh nghiệm phải trả bằng xương, bằng máu là một trong những bản hùng ca bi tráng nhất trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Nam bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Đồng thời, đó cũng là động lực để người trước ngã xuống, người sau đứng lên viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, là cơ sở thực tiễn để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lấy độc lập, tự do và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại cho Đảng và nhân dân ta những bài học quý giá về xây dựng lực lượng cách mạng, về kết hợp đấu tranh chính trị của quần chúng với đấu tranh vũ trang và sự phối hợp giữa các tổ chức Đảng ở các địa phương trong toàn quốc, đặc biệt là việc nhận diện chính xác, vận dụng và thúc đẩy để tạo thời cơ - một trong những yếu tố quan trọng để giành thắng lợi, nhất là việc vận dụng lý luận về khởi nghĩa vũ trang. Những bài học về ý Đảng lòng dân, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào thực tiễn; về lãnh đạo và tổ chức lực lượng cách mạng, tổ chức quần chúng rộng khắp; về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trung thành dũng cảm, tiên phong, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ được giao.
Kỷ niệm 81 năm khởi nghĩa Nam Kỳ (23-11-1940 - 23-11-2021) diễn ra trong hoàn cảnh cả nước đang phải nỗ lực, kiên cường chống “giặc COVID-19”. Cùng với cả nước, hệ thống chính trị và nhân dân huyện Bình Chánh thời gian qua đã phát huy tinh thần quật khởi của Khởi nghĩa Nam Kỳ trong huy động sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, ra sức đồng tâm, đồng lòng, đồng sức kiểm soát tốt dịch bệnh và chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tích cực phát huy vai trò của người dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và kiến thiết địa phương, xây dựng huyện Bình Chánh văn minh - hiện đại - nghĩa tình.
Lan Chi biên soạn
Lượt xem trong ngày: 1 Bản in

Ý kiến bạn đọc

(*)
Hãy để gửi bình luận
Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023