Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo Hiệp định, nước ta tạm thời phải chia làm hai miền: miền Bắc được hoàn toàn giải phóng; miền Nam tạm thời chịu sự kiểm soát của địch. Cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới phải đồng thời thực hiện hai chiến lược cách mạng: xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam tiến tới thống nhất nước nhà.
Nhưng với bản chất hiếu chiến và xâm lược, từ lâu đế quốc Mỹ đã âm mưu thôn tính Việt Nam, nên sau khi thực dân Pháp thất bại, Mỹ vội vã nhảy vào thay thế.
Tháng 6 năm 1954, đế quốc Mỹ ép thực dân Pháp và Bảo Đại chấp nhận con bài Ngô Đình Diệm do chúng đưa về Việt Nam làm Thủ tướng thay Bửu Lộc và đến ngày 7/7/1954, Ngô Đình Diệm đứng ra lập chính phủ theo kế hoạch của Mỹ.
Tháng 12 năm 1954, Mỹ ép Pháp giao miền Nam cho Diệm và ngày 23/10/1955, Ngô Đình Diệm đã tổ chức cái gọi lá “Trưng cầu dân ý” để lên làm Tổng thống của “Việt Nam Cộng hòa”.
Sài Gòn - Chợ Lớn được Mỹ - Diệm chọn làm thủ đô của chính thể “Việt Nam cộng hòa”, bộ mặt điển hình của chủ nghĩa thực dân mới.
Trước tình hình đó, Hội nghị Bộ Chính trị tháng 9/1954 và Hội nghị lần thứ 8 (1955) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã chỉ ra rằng: “Nhiệm vụ đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta chưa phải đã hoàn thành, cuộc đấu tranh ái quốc không vì đình chiến mà kết thúc... chúng ta phải nhận định cho rõ ràng và đề cao cảnh giác, chuẩn bị đầy đủ để đối phó với mọi tình huống”[1].
Ở miền Nam, tháng 10/1954, Xứ ủy[2] Nam bộ được thành lập do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Cuối năm 1954 các Khu ủy, Liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy được kiện toàn.
Ngày 12/2/1955, tại Dinh Gia Long, Diệm tổ chức cuộc họp báo trắng trợn tuyên bố không thi hành Hiệp định Genève với lời lẽ “Chúng ta không bị ràng buộc dưới bất cứ hình thức nào với các hiệp định được ký kết”.
Cuối năm 1956, Ngô Đình Diệm trắng trợn từ chối hiệp thương tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp định Genève về thống nhất hai miền Nam Bắc.
Để xây dựng chỗ dựa ở nông thôn, chính quyền Ngô Đình Diệm đã ra nhiều đạo luật, trong đó có Dụ số 7 (2/1955) và Dụ số 57 (10/1955), nhằm lấy lại ruộng đất của nông dân được cách mạng cấp cho trước đây để trả lại cho bọn địa chủ hoặc bán đấu giá cho bọn tề xã và đám tay sai.
Nhiều bà con nông dân Bình Chánh và vùng Tân Phong Hạ khu Phước Điền là nạn nhân của các cuộc đánh nhau giữa quân Diệm và Bình Xuyên, nhiều cuộc cướp bóc xảy ra liên tiếp bởi quân Cao Đài ở xã Vinh Lộc.
Khắp thành thị, nông thôn các tổ chức phản động do Diệm lập ra như “Phong trào cách mạng quốc gia”, “Đảng cần lao nhân vị”, “Thanh niên cộng hòa”, “Phụ nữ liên đới”… mọc lên như nấm. Các gia đình có người thân đi tập kết hoặc có quan hệ với cách mạng thì bị chúng xếp vào công dân loại C và loại D và luôn bị theo dõi, kèm kẹp. Tình hình an ninh khắp miền Nam ngày càng đen tối. Ngày 6/8/1954, bọn lính đồn Bà Tà (Tân Nhựt) do tên đội Tuấn chỉ huy, kéo đến ấp 2 xã Tân Nhựt, bắt ông Huỳnh Văn Tám (tức Tám Hai) vì vận động quần chúng trong ấp treo cờ mừng hòa bình. Viện các điều khoản trong Hiệp định Genève ông Tám bác bỏ lời cáo buộc của chúng. Đội Tuấn đuối lý, rút súng bắn ông Tám bị trọng thương. Sau đó ông Tám hy sinh. Thi thể ông Tám được để giữa nhà lòng chợ Đệm. Sáng ngày 7/8/1954, được sự lãnh đạo của Huyện ủy và chi bộ xã Tân Nhựt, Tân Kiên, Tân Túc, An Phú Tây, Bình Chánh, hơn 1.000 người đã biểu tình đưa yêu sách đòi bọn địch:
- Phải trừng phạt tên giết người.
- Phải bồi thường sinh mạng.
- Phải thi hành Hiệp định Genève.
Cuộc đấu tranh kéo dài 3 ngày, làm xôn xao khắp tỉnh Chợ Lớn. Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, buộc tên Cao Minh Chung, quận trưởng Gò Đen[3] phải đến Chợ Đệm nhận lỗi và hứa sẽ trị tội đội Tuấn, năn nỉ gia đình và bà con đem thi hài ông Tám về chôn cất.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh này đã có ảnh hưởng lớn đến tinh thần cách mạng của đồng bào. Nhiều tổ chức quần chúng được củng cố và phát triển, nhiều chủ trương của Đảng được phổ biến trong nhân dân, uy tín của Đảng được nâng cao. Nhiều tổ chức biến tướng ra đời như Hội mẹ, Hội chị, Hội âm công… nhiều cơ sở của ta được xây dựng trong hàng ngũ địch.
Từ tháng 10/1954 đến 1956, trên khắp miền Nam đã có hàng vạn cuộc đấu tranh với ngụy quyền diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: đòi hiệp thương tổng tuyển cử, đòi chuyển bưu thiếp, đòi quan hệ Bắc Nam. Đặc biệt trước và sau ngày 20/7/1956, có nhiều cuộc mít tinh tuần hành, rải truyền đơn đòi hiệp thương tổng tuyển cử đã nổ ra.
Tại các xã Bình Trị Đông, Tân Tạo, Vinh Lộc, Tân Túc, Tân Nhựt, Tân Kiên, từ tháng 10/1955 đến tháng 7/1956, liên tục nổ ra các cuộc mít tinh tuần hành. Đáng chú ý nhất là nhân kỷ niệm ngày quốc tế lao động1/5/1955, nhân dân Vinh Lộc kéo vào Thành phố dự lễ. Mặc dù bị địch ngăn cản nhưng bà con ta vẫn vào được trung tâm Sài Gòn, cùng hàng vạn đồng bào nội thành đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi thi hành Hiệp định Genève.
Đỉnh cao của các cuộc đấu tranh là tẩy chay cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/10/1955 của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Trung Huyện (Bình Chánh) đã tích cực xé áp phích khẩu hiệu, ảnh tuyên truyền của ngụy. Ngày đi bỏ phiếu gần 50% nhân dân không đi. Riêng nhân dân vùng căn cứ cách mạng như Vinh Lộc, Tân Nhựt, Vườn Thơm - Bà Vụ, Hưng Long… có đến 80% nhân dân không đi bầu. Một số bị bắt đi bầu thì tìm cách gạch xóa hết tên trong phiếu.
Ruộng đất, vấn đề sống còn của nông dân Bình Chánh vì thế nên khi biết được âm mưu của cái gọi là “cải cách ruộng đất” của bọn Ngô Đình Diệm là cướp lại ruộng đất của nông dân, nên người nông dân đã cương quyết đấu tranh với địch buộc chúng phải:
- Giữ nguyên canh chống xáo canh.
- Chống tăng tô, đòi giảm tô, không được thu tô trên 25 giạ lúa/ha.
Đất cách mạng tịch thu của bọn địa chủ phản động chia cho nông dân nghèo, nay bị bọn địa chủ dựa vào chính quyền để lấy lại đem bán, ta chủ trương lãnh đạo nông dân đòi phải ưu tiên bán cho người trực canh bằng cách trả góp làm nhiều năm, nếu người trực canh không mua, người khác mua vẫn phải để người trực canh làm.
Những chủ trương của ta được nông dân hưởng ứng nhiệt liệt, đảm bảo quyền lợi nông dân, đảm bảo đoàn kết nông dân, nhờ đó phong trào cách mạng quần chúng được duy trì.
Địch ra sức phá hoại Hiệp định Genève, chúng tổ chức mạng lưới mật thám, chỉ điểm, biệt kích, bảo an ở xóm ấp, tìm bắt cán bộ và đánh phá cơ sở. Ngày 23/9/1955, chúng bắt được đồng chí Bảy Nhâm là Phó Bí thư Thị trấn Tân Túc tại ấp Tân Hồ, sau đó chúng bắt được đồng chí Năm Muôn. Đồng chí Ba Lâm - Bí thư phải tạm lánh khỏi xã. Đồng chí Nhâm bị bắt đưa về bót Catinat khai thác, sau đó bị đày đi Phú Quốc. Đầu tháng 10/1955, địch khui hầm tại xã Thanh Hà bắt được đồng chí Nguyễn Văn Thậm - Tỉnh ủy viên, đồng chí Minh Sơn và đồng chí Giáo Hào bị giặc tra tấn đến chết.
Ngày 28/6, một cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử đã nổ ra ở Tam Tân, hàng ngàn quần chúng tập hợp kéo đến trụ sở ngụy quyền xã Tân Nhựt, Chợ Đệm (Tân Túc), Tân Kiên đưa kiến nghị đòi hiệp thương tổng tuyển cử đúng theoHiệp định Genève. Bọn địch đã đàn áp, giải tán cuộc đấu tranh, bắt của ta 10 người. Ta nêu thêm khẩu hiệu “Phản đối đàn áp bắt bớ, thả ngay những người bị bắt”. Đến gần 12 giờ trưa cùng ngày chúng thả 6 người, còn 4 người chúng đưa lên xe chở đi. Quần chúng đã chặn đầu xe của địch ở cầu Tân Kiên, lính bót cầu Bình Điền xả súng bắn, làm chết ông Nguyễn Văn Hương, quần chúng khiêng thi hài ông Hương về ấp 6 Tân Nhựt rồi tiếp tục đấu tranh, tố cáo tội ác của địch và đòi thả hết 4 người ta mới chịu mai táng ông Hương.
Thời gian này ở Bình Chánh, cơ sở cách mạng vẫn tồn tại, phong trào đấu tranh vẫn được duy trì với nhiều hình thức. Vùng Tân Phong Hạ được sự lãnh đạo của đồng chí Sáu Thiết - Bí thư chi bộ công khai của xã Chánh Bình (Bình Đăng - Chánh Hưng) và đồng chí Sáu Lê (Sáu Đầu Bạc) - Bí thư chi bộ bí mật. Hai chi bộ này đã hoạt động rất nhịp nhàng, phát động nhiều cuộc đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, chống cuộc trưng cầu dân ý (23/10/1955).
Sau Hiệp định Genève, xã Vinh Lộc luôn là căn cứ của Tỉnh ủy Gia Định và Thường vụ Huyện ủy Gò Vấp, nhân dân trong xã thường tham gia các cuộc đấu tranh với đồng bào Thành phố. Cho đến năm 1956 đồng bào vẫn cương quyết không nhận thẻ căn cước của địch.
Tháng 4/1955, chi bộ Đảng Bình Hưng Hòa cùng với chi bộ Tân Sơn Nhì lãnh đạo hơn 2.000 đồng bào biểu tình bao vây bót “Bình Long” hô khẩu hiệu đòi thi hành Hiệp định Genève, chống khủng bố, bắt bớ thường dân, đòi thả tất cả người bị bắt, buộc địch phải chấp nhận thả 6 người (2 người ở Bình Hưng Hòa và 4 người ở Tân Bình). Tháng 6/1956, chị Năm Vững một nòng cốt của ta đã lãnh đạo khoảng 70 quần chúng tập trung tại Gò Cát (ấp Trung Hưng), đánh trống mỏ, hô khẩu hiệu kéo đến nhà việc ở Gò Mây, đòi địch phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Genève, chống bắt lính, bọn tề làng hoảng sợ bỏ chạy.
Trong thời gian này đồng bào Vinh Lộc vô cùng căm phẫn và không bao giờ quên hành động dã man của bọn biệt kích ngụy đã bắt và chặt đầu đồng chí Ba Dắt, bêu giữa chợ.
Tại Vườn Thơm, địch chia xã Thạch Đức thành hai xã và tăng cường cảnh sát mật vụ, chỉ điểm, lập hệ thống tề điệp, lực lượng phòng vệ dân sự, ngũ gia liên bảo để kiểm soát kềm kẹp nhân dân nhằm thực hiện ý đồ kiểm soát cho được vùng Vườn Thơm.
Ngày 20/10/1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 143 sáp nhập Chợ Lớn và Tân An thành tỉnh Long An. Sau đó tách thành một số xã phía Bắc Trung Huyện lập quận Bình Chánh thuộc tỉnh Gia Định[4].
Năm 1957, trước sự khủng bố ác liệt của địch, cán bộ đảng viên và một số quần chúng cảm tình với cách mạng phải rút vào bí mật. Việc xây cứ trong rừng tràm, đào hầm bí mật trong xóm ấp và trong nhà được đẩy mạnh.
Ở Tân Nhựt, ngày 24/4/1957, địch chia làm hai cánh do tên đại úy Lâm Tài Thành chỉ huy càn vào xã và đóng quân ở nhà đồng chí Năm Lữ -Bí thư chi bộ xã. Đến khoảng 19 giờ thì bị lực lượng vũ trang ta nổ súng tấn công diệt 5 tên, bị thương 2 tên.
Tháng 10/1957, tại cầu Láng Mặn ta chặn bắt 4 tên dân vệ thu 4 súng. Những hoạt động của lực lượng vũ trang đã làm cho địch co vòi lại không dám ngang nhiên lùng sục bắt người như trước nữa.
Đồng chí Bảy Thềm - Bí thư Huyện ủy Bình Chánh[5] về xây dựng lại chi bộ xã Tân Túc do đồng chí Sáu Hùng làm Bí thư, đồng chí Bảy Đồng làm Phó Bí thư, đồng chí Ba Khỉ là ủy viên, Bé Ngô và Tư Đắc phụ trách thanh niên.
Huyện ủy Bình Chánh sau khi được củng cố đã phát động quần chúng đấu tranh đòi lại ruộng đất bị địa chủ cướp đoạt, đòi quyền dân sinh. Cuối năm 1957, đồng chí Tuôi về tỉnh Chợ Lớn, đồng chí Phan Văn Thiềm về Đức Hòa, đồng chí Phan Văn Mén làm Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, thời gian này Văn phòng Huyện ủy đóng ở ranh giới Tân Nhựt - Tân Kiên.
Khoảng tháng 8/1958, trung đội võ trang của Long An do đồng chí Ba Phát chỉ huy đã phục kích tại ấp 1 Tân Túc, chặn đánh đội cảnh sát đang đi ruồng vào ấp. Biết bị bao vây, Nguyễn Văn Được chỉ huy đội cảnh sát cùng bọn lính buông súng đầu hàng, ta thu toàn bộ vũ khí.
Những tháng cuối năm 1958, Huyện ủy Bình Chánh đã ra chủ trương lãnh đạo nhân dân đấu tranh phản đối vụ “đầu độc thảm sát tù chính trị ở Phú Lợi”, quần chúng ở hầu hết huyện hưởng ứng, biểu tình, đưa đơn tố cáo kéo dài gần hai tháng.
Ở cánh Nam, chi bộ các xã Hưng Long, Qui Đức, Tân Quý Tây đã lãnh đạo quần chúng nòng cốt và thanh niên treo cờ rải truyền đơn nhiều nơi trong xã, gửi thư cảnh cáo các tên ác ôn phản động. Đồng thời tiến hành các đợt diệt ác, giải tỏa thế kềm kẹp, thành lập được đội tự vệ võ trang gồm 20 chiến sĩ.
Tháng 10/1958, Tỉnh ủy Gia Định đã cử cán bộ do đồng chí Võ Minh Thuận phụ trách, xuống củng cố cơ sở Đảng ở Vinh Lộc và Bình Hưng Hòa theo 3 yêu cầu sau:
- Bám trụ chắc ở ấp xã.
- Xây dựng cơ sở Đảng trong quần chúng.
- Lãnh đạo quần chúng đấu tranh.
Những năm (1957-1958), là thời kỳ khó khăn nhưng ở Vinh Lộc, Bình Hưng Hòa, cơ sở Đảng vẫn đứng vững, phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương đã cung cấp cho Đảng một số cán bộ xuất sắc như: Đồng chí Huỳnh Văn Bánh (tức Năm Tấn sau này là Tỉnh ủy viên Gia Định, Phó Giám đốc an ninh T4, Bí thư phân khu ủy Phân khu 1), đồng chí Phạm Văn Hai (sau này là người có công góp phần xây dựng lực lượng võ trang tập trung đầu tiên ở Bình Tân, cán bộ chỉ huy đặc công, anh hùng quân đội), đồng chí Nguyễn Văn Kịp (tức Đồng Đen xuất thân từ du kích Vinh Lộc, người diệt tên Hương quản ác ôn năm 1960, tham gia đánh đồn Bình Hưng Hòa, cụm trưởng hoạt động anh hùng quân đội), đồng chí Võ Văn Vân du kích Vinh Lộc (sau đó chuyển sang công an, tiểu đoàn trưởng, anh hùng lực lượng võ trang).
Ngày 6/5/1959, Ngô Đình Diệm ban bố luật 10/59. Với đạo luật này chúng được phép xử chém bất cứ ai mà chúng nghi là cộng sản.
Một không khí khủng bố bao trùm khắp miền Nam. Máy chém được mang đến đâu ở đó có đầu rơi máu đổ. Các cuộc ruồng bố, rình rập xảy ra liên tục, nhiều cán bộ bị giết chết, nhiều quần chúng cốt cán bị bắt bớ, kể cả những người dân lương thiện cũng không được yên. Chúng bắt nhân dân phải kẻ khẩu hiệu “Đả đảo cộng sản”, “Ngô Tổng thống muôn năm”, trước cửa nhà mình. Những gia đình thuộc loại C, loại D, đêm phải ngủ tập trung ở các điếm canh, đêm phải treo đèn trước cửa. Ngoài tề điệp còn có liên gia trưởng theo dõi kiểm soát từng gia đình. Nhiều Khu Trù mật (thực chất là trại tập trung) được xây dựng, dân chúng ngày ngày bị lùa đi học tập tố cộng, suy tôn Ngô Tổng thống.
Khi luật 10/59, được kẻ địch thi hành thì các đảng viên ở Vinh Lộc phải sống trong đồng bưng.
Vùng Tam Tân đầu năm 1959, địch dẫn lính về nhà bà Trần Thị Tơ (Hai Đê) ấp Tân Đông B, xã Tân Nhựt là nơi có hầm bí mật của Huyện ủy. Chúng bắt tra tấn bà Tơ và người con gái của bà là Phan Thị Liên (Tám Cà Mum). Mẹ Tơ và cô Liên chịu đòn tra tấn dã man của địch nhưng nhất định không chịu chỉ hầm. Bọn địch quay sang lục soát, thì phát hiện được hầm. Đồng chí Phan Văn Mén tung hầm bắn bị thương 1 tên lính, chạy được 100m thì bị thương rồi bị bắt. Đồng chí Nguyễn Văn Rớt - Chánh Văn phòng Huyện ủy hy sinh. Mẹ Tơ bị địch bỏ tù 6 tháng còn cô Liên chúng đày đi Côn Đảo. Sau đó mấy ngày đồng chí Nguyễn Văn Chủng là cơ sở nội tuyến của ta cũng bị địch bắt.
Sau hai sự kiện trên, tình hình Tân Nhựt gặp nhiều khó khăn. Tháng 2 năm 1959, đồng chí Út Hài chiến sĩ trung đội võ trang tỉnh về thay đồng chí Lữ làm Bí thư xã Tân Nhựt (đồng chí Lữ được tăng cường về xã Bình Hưng). Lúc này chi bộ Tân Nhựt chỉ còn 4 đảng viên ở ba ấp, phải hoạt động hết sức bí mật, mật thám theo dõi, truy lùng ráo riết. Khi Diệm thi hành Luật 10/59 tình hình trong xã càng khó khăn hơn. Bọn Ban Hai (tình báo) của Quận lớn họng rêu rao rằng ở Tân Nhựt chỉ còn hai tên Việt cộng nằm vùng là thằng Lữ và thằng Ngưng, ai chỉ bắt được sẽ trọng thưởng, lúc này chi bộ mất liên lạc với Huyện ủy, đồng chí Út Hài phải lặn lội 16 đêm mới gặp đủ 4 đảng viên để bàn kế hoạch đối phó với địch, sau khi bàn bạc chi bộ thống nhất là phải tấn công địch.
- Diệt ác để hạ uy thế địch, cảnh cáo bọn lừng chừng tranh thủ số bị bắt buộc theo địch, cô lập bọn ác ôn.
- Chuẩn bị băng cờ biểu ngữ, phát động khí thế quần chúng tác động vào hàng ngũ địch.
- Liên hệ phối hợp với lực lượng võ trang tỉnh (B33) về làm công tác võ trang tuyên truyền.
Tháng 4 năm 1959, một đơn vị võ trang về hỗ trợ xã diệt một tên ác ôn, cảnh cáo 10 tên khác. Kết quả hạn chế bớt sự hoạt động của bọn chúng, đồng bào rất phấn khởi.
Ngày 9/8/1959, trung đội võ trang tỉnh (B33), do đồng chí Ba Phát chỉ huy trưởng, đồng chí Sáu Ốm là chỉ huy phó. Đơn vị có 20 tay súng, về đến nhà đồng chí Bảy Cương lúc 4 giờ sáng. Ban chỉ huy cùng đồng chí Út Hài Bí thư chi bộ Tân Nhựt bàn xong kế hoạch công tác thì trời gần sáng, nhà đồng chí Bảy Cương trống trải nên đơn vị chuyển sang đóng quân ở nhà ông Phan Văn Hiên ở ấp Tân Đông B. Địch phát hiện được bộ đội ta về xã và địa điểm trú quân. Tên Quận trưởng là Nguyễn Văn Bình đã điều động một tiểu đoàn bao vây nhằm tiêu diệt quân ta. Trước thực tế 1 chọi 20, Ban chỉ huy B33 đã bình tĩnh vạch kế hoạch chiến đấu. Đồng chí Ba Phát chỉ định đồng chí Út Hài làm chỉ huy phó, ta quyết định đánh địch ở phía bên kia sông Láng Chà. Mở đầu trận đánh, đồng chí Út Hài dẫn một tổ vượt sông, địch phát hiện bám theo nhưng toàn tổ đã vượt khỏi đội hình địch 30m, quay lại bắn tạt sườn quân địch, tạo điều kiện cho đơn vị tập trung hỏa lực dồn địch xuống sông. Sau 20 phút chiến đấu, ta diệt được 6 tên địch làm bị thương 2 tên, thu được 1 trung liên, 2 tiểu liên và 1 súng trường. Bên ta, đồng chí Sáu Ốm và đồng chí Tâm hy sinh.
Chi bộ xã Tân Nhựt chủ trương tranh thủ lúc uy thế cách mạng đang lên, địch bắt đầu dao động, để xây dựng được cho được 1 tổ du kích xã, một số lõm căn cứ diệt bọn ác ôn, giáo dục lôi kéo, một số bị bắt buộc, tranh thủ số lừng chừng phân hóa cô lập bọn ác ôn. Đẩy mạnh vận động binh lính, tề ấp xã tiến tới phá rã liên gia, trưởng ấp, cài người làm nội tuyến. Kinh nghiệm của Tân Nhựt, muốn bảo vệ được cán bộ, cơ sở cách mạng và phát triển phong trào là không ngừng tiến công địch bằng mọi phương tiện có thể.
Đấu tranh chính trị là đúng và cần thiết, song nếu không có sự hỗ trợ của lực lượng võ trang, phong trào đấu tranh chính trị khó duy trì, khó phát triển. Bí quyết thắng lợi của ta là “lòng dân”, thiếu lòng dân ta không thể làm gì được cả. Bà Bảy Bẻn (Nguyễn Thị Do) làm hầm trong bồ lúa nuôi đồng chí Bí thư chi bộ, má Bảy nói với gia đình “tụi nó còn thì nhà mình còn, tụi nó chết thì nhà mình hết cũng được”. Đồng chí Nguyễn Văn Tài Bí thư chi bộ xã Bình Chánh bị bệnh bại liệt không đi được, má Hạt (Nguyễn Thị Hạt) đã dấu dưới hầm bí mật săn sóc gần 3 tháng trời đồng chí Tài mới lành bệnh. Đồng chí Nguyễn Văn Tao - Bí thư chi bộ Tân Kiên đi công tác bị địch bắn trọng thương. Đồng chí Ba Muôn đưa về nhà má Hạt nuôi dấu đến 2 tháng sau đồng chí Tao mới qua khỏi. Nhà ông Ký (Nguyễn Văn Ký) gần bến sông, suốt 10 năm bất kể giờ giấc, bất kể ngày đêm, bất chấp nguy hiểm, cán bộ cần, bộ đội cần, lập tức xuồng ghe sẵn sàng đưa anh em sang sông.
Trong những ngày đen tối, địch luôn khủng bố rình rập, người dân Tân Nhựt vẫn hướng về Đảng, hướng về Bác Hồ, hy sinh tài sản và tính mạng để che chở, nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ cán bộ hoạt động.
Ở Tân Túc năm 1959, chi bộ bị địch đánh phá thiệt hại nặng nề, bọn Ban 2 và công an ngụy bắt được nữ đồng chí Bảy Đồng - Phó Bí thư và đồng chí Ba Khỉ - Chi ủy viên. Ba Khỉ bị tra tấn không chịu nổi dẫn lính về bắt thêm một số đảng viên và quần chúng. Đồng chí Bé, Tư Đắc, chị Bảy Tới, Hai Tước, Sáu Nhứt bị địch giam gần một năm mới được thả. Hai đồng chí Bé và Tư Đắc sau khi ra tù lại tiếp tục hoạt động trở lại.
Xã Tân Tạo năm 1959 bị tổn thất lớn, địch bắt được đồng chí Lê Công Hạnh - Bí thư chi bộ, Phan Thị Thanh Thuyền - Chi ủy viên và nhiều đảng viên cốt cán. Mất lãnh đạo, phong trào lắng xuống, đến năm 1960 mới hồi phục.
Tại Vườn Thơm, trong những năm 1957-1958, địch áp dụng chính sách vừa đàn áp vừa dụ dỗ bằng cách cho phép xây dựng chùa, thánh thất Cao Đài, nhà thờ Thiên chúa giáo để nhân dân cúng bái và đi lễ. Tương kế tựu kế, chi bộ Đảng đã xây dựng lực lượng nòng cốt trong những nơi này.
Cuối năm 1958, tiệm tạp hóa của đồng chí Hai Thật và một số cơ sở buôn bán chữa bệnh là điểm liên lạc trao đổi tình hình nhiệm vụ của các đồng chí ta và quần chúng cốt cán. Trong nông dân, nhiều tổ vần công, đổi công đã hình thành, đến giữa năm 1959 ta có 20 cơ sở quần chúng cốt cán. Trong nông dân, các lõm căn cứ đã trở thành điểm dừng chân của lực lượng võ trang Long An. Cuối năm 1958 đầu năm 1959, ta bắt và cảnh cáo vợ chồng đại địa chủ Lý Thị Hường, đương sự hứa không tiếp tay với lính, không làm khó dễ bà con nông dân và cam kết sẽ đóng thuế cho cách mạng. Giữa năm 1959, một lực lượng võ trang của nhân dân Vườn Thơm ra đời gồm có 3 đội viên: Út Đèo, Phạm Văn Hai (người có vai trò quan trọng trong việc phá kho bom Phú Thọ năm 1954) và một đội viên. Toàn đơn vị chỉ có một khẩu súng Carbine gãy cán do đồng chí Út Đèo nhặt được, đơn vị chỉ có 3 người và một khẩu súng nên lấy phiên hiệu là tiểu đoàn 301 (để vừa có thể giữ bí mật lực lượng vừa hù dọa địch). Tháng 10/1960, được thêm súng, quân số tăng lên 12 người, cuối năm 1960 “Tiểu đoàn 301” tập kích lực lượng bảo an địch ở đồn Bà Lát (tỉnh lộ 10), thu được 8 súng trường. Rừng Bà dụ, kinh Hội Đồng, Trầm lầy trở thành lõm du kích, nơi trú chân an toàn của lực lượng võ trang và lãnh đạo địa phương và lãnh đạo cấp trên. Vừa mới thành lập, lực lượng võ trang Vườn Thơm đã phối hợp với bộ đội Long An phục kích tại kinh Hội Đồng đánh Đội Lô (một tên ác ôn khét tiếng) cùng bọn lính đang đi ruồng, Đội Lô bị diệt, ta thu 1 súng. Đây là trận đánh đầu tiên, mở màn thời kỳ võ trang chống Mỹ ngụy ở Vườn Thơm. Kết quả chiến thắng này làm cho đồng bào địa phương vô cùng phấn khởi. Tại Gò Xoài và Cầu Xáng các đồng chí Phạm Công Đồng, Tư Vị, Hai Chơn móc nối các đồng chí điều lắng ở các nơi về tham gia xây dựng phong trào.
Năm 1959, phong trào cách mạng miền Nam bắt đầu có sự chuyển biến mới thì Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời. Bấy lâu mong đợi, tất cả cán bộ đến đảng viên quần chúng cách mạng thở phào nhẹ nhõm: “Có vậy mới được chớ”. Toàn thể đồng bào, đảng viên vô cùng phấn khởi tiếp thu Nghị quyết của Đảng, quyết tâm xông lên chiến đấu với quân thù bất chấp mọi hy sinh gian khổ để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà.
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Viêt Nam ra đời. Sau đó ngày 19/3/1961, Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia định được thành lập. Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định là nguồn cổ vũ lớn lao đối với nhân dân Bình Chánh. Từ đây nhân dân Bình Chánh sẽ tập trung xung quanh ngọn cờ chính nghĩa của Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh nhằm thống nhất đất nước.
Cũng trong tháng 12/1960, do yêu cầu của tình hình, thực hiện chủ trương của trên một số xã thuộc phía Bắc của Bình Chánh được sáp nhập với Tân Bình thành quận Bình Tân.
Huyện ủy Bình Chánh nhanh chóng tổ chức học tập phổ biến Nghị quyết 15 và cương lĩnh của Mặt trận Giải phóng xuống cơ sở và đồng bào. Tin chiến thắng của lực lượng võ trang ta ở Đồng Tháp Mười, ở miền Đông Nam bộ dồn dập đưa về. Đặc biệt về cuộc “Đồng Khởi” Bến Tre làm nức lòng mọi người. Huyện ủy Bình Chánh ra Nghị quyết “Đồng Khởi” phối hợp với Khu 8, phát động quần chúng nổi dậy diệt tề, phá thế kềm kẹp của địch.
Tối ngày 5/10/1960, 12 ấp trong xã Tân Nhựt đồng loạt liên hồi trống mõ thùng thiếc, ống khí đá rền vang một góc trời, cờ đỏ tung bay, truyền đơn, biểu ngữ. Cuối năm ta làm chủ ban đêm các ấp Tân Hưng A, B, Tân Thành A, B, Bà Tỵ. Riêng ấp Tân Thành, Bà Tỵ ta làm chủ hoàn toàn. Các liên gia giải tán, bọn điệp, mật thám, chỉ điểm bị quét sạch. Tân Nhựt xây được các lõm căn cứ ở Láng Le - Bàu Cò, Bà Tỵ, các lõm này được liên hoàn với Bà Vụ - Vườn Thơm là chỗ trú chân của cấp ủy và lực lượng võ trang. Qua Đồng Khởi ta diệt được 15 tên ác ôn, vô hiệu hóa một trung đội thanh niên chiến đấu của địch, 3 lần đấu tranh trực diện với địch có hàng ngàn đồng bào tham gia để đòi dân sinh, dân chủ, nhiều tên trong bộ máy ngụy quyền hoảng sợ nộp đơn xin từ chức, đốt phá nhiều trạm gác. Các gia đình bị địch xếp vào loại C và loại D không phải ra ngủ tập trung ở trụ sở của địch nữa.
Ở Tân Túc (Chợ Đệm) có tên Tám Dê rất tàn ác, nó đã bắn chết đồng chí Bé, đồng chí Tư Đắc là Bí thư chi bộ và một số đảng viên khác sau này ta mới trừng trị được nó. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song do nhờ địa bàn dựa lưng vào Tân Nhựt, Vườn Thơm, nên cơ sở Đảng ở Tân Túc vẫn bám dân hoạt động.
Bước sang năm 1960, phong trào đấu tranh của nhân dân các xã Bình Hưng Hòa - Vinh Lộc tiếp tục được duy trì. Tháng 1/1960, Bình Hưng Hòa đã xây dựng một tổ võ trang tuyên truyền. Hưởng ứng phong trào Đồng Khởi, chi bộ đã lãnh đạo quần chúng đốt ống tre khí đá, đánh trống mõ rải truyền đơn phát loa kêu gọi tề, lính ủng hộ cách mạng hoặc bỏ việc, bỏ ngũ. Tiếp thu Nghị quyết 15, xã Vinh Lộc ra sức chuẩn bị lực lượng cho cuộc Đồng Khởi. Mở đầu là cuộc mít tinh lớn ở Tân Hòa, có sự tham gia của các xã bạn, đoàn người kéo đi rần rần trên đường làng, tay cầm đuốc vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Đả đảo đế quốc Mỹ”, “Đả đảo Ngô Đình Diệm”, tiếng trống tiếng mõ rền vang cả xóm làng này đến xóm làng khác, khắp các ấp đều đánh trống, đánh mõ, xen kẽ vào đây là tiếng nổ của ống khí đá. Bọn lính làng sợ hãi co rút về đồn chính ở ngã 5, nhiều tua trạm gác bỏ trống, bót ở ấp 13 cũng bỏ chạy luôn. Việc đánh mõ, nổ khí đá xảy ra hàng đêm, kéo dài nhiều ngày làm bọn ngụy rất lo sợ, đồng chí Nguyễn Văn Kịp (tức Đồng Đen) đã đột nhập vào nhà diệt tên Hương quản ác ôn.
Vùng Tân Phong và Phước Điền cơ sở Đảng được củng cố, công tác binh vận, ngụy vận được đẩy mạnh. Bọn làng lính nhận được thư, truyền đơn giải thích đường lối chính sách của cách mạng.
[1] Một số văn kiện Đảng về chống Mỹ cứu nước-Tập I (1954-1956), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1985, tr 68.
[2] Thời gian này ta thay Trung ương cục là Xứ ủy.
[3] Sau Hiệp định Genève chính quyền Diệm vẫn duy trì Quận Gò Đen.
[4] Về phía ta đến cuối năm 1957 mới thành lập Huyện ủy Bình Chánh.
[5] Từ đây ta gọi là Huyện uỷ Bình Chánh.