Chủ nghĩa phát xít ra đời đe dọa sự ổn định của thế giới. Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (tháng 7/1935 ) chỉ rõ nhiệm vụ trước mắt của các Đảng Cộng sản và giai cấp công nhân, lúc đó chưa phải là đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản mà là chống chiến tranh phát xít xâm lược và bảo vệ hòa bình. Vì vậy, các Đảng cộng sản các nước phải thống nhất lực lượng công nhân và mặt trận nhân dân rộng rãi, bao gồm các lực lượng yêu nước và dân chủ chống chủ nghĩa phát xít.

Trước nguy cơ phát xít, Đảng Cộng sản và Đảng Xã hội Pháp lập Mặt trận chung, sau mở rộng kết nạp thêm Đảng Xã hội cấp tiến lập “Mặt trận Bình Dân”. Tháng 5/1936, Mặt trận Bình Dân chiếm đa số ghế ở hạ nghị viện. Chính phủ Léon blum thành lập, Đảng cộng sản Pháp ủng hộ mà không tham chính. Sự kiện một Chính phủ Bình Dân lên cầm quyền ở Pháp đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình nước ta.

Mùa hè năm 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương họp Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất. Hội nghị quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất cho dân cày”, chủ trương lập “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương”, nhằm tập hợp mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ chống phát xít, bọn phản động thuộc địa, giành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh. Trung ương Đảng chủ trương lợi dụng triệt để mọi khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp, đồng thời coi trọng công tác bí mật để phát triển tổ chức Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng.

Ở Sài Gòn, bọn Trốtkit, bọn lập hiến, bọn cơ hội, bọn phản động thuộc địa ra sức ngăn trở, phá hoại, lôi kéo quần chúng theo ý đồ của chúng. Song phong trào vận động Đông Dương Đại hội được nhà yêu nước Nguyễn An Ninh và nhiều người có thiện chí khác nhiệt tình ủng hộ… những người Pháp tiến bộ hoan nghênh. Nói chung mọi tầng lớp nhân dân, từ công nhân lao động, nông dân, tiểu chủ, nhà buôn đều hồ hởi cổ vũ Đông Dương Đại hội, trừ một nhóm nhỏ tay sai thuộc địa phản động. Ủy ban Hành động được thành lập khắp các xí nghiệp, đường phố, xóm làng, ngoại ô. Bộ phận công khai của Đảng gồm Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh có vai trò lớn đối với phong trào. Báo Đảng Le Peuple bằng tiếng Pháp và tờ Dân Chúng bằng Quốc ngữ phát hành công khai ở Sài Gòn và lan tỏa khắp Nam Kỳ. Linh hồn của hai tờ báo là Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Văn Nguyễn cùng cộng tác viên trẻ, đắc lực là đồng chí Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn). Vận động quyên góp tiền bạc, giấy mực để in, đồng chí Nguyễn Văn Trân có những đóng góp quan trọng. Khẩu hiệu đấu tranh lúc bấy giờ là:

          - Ân xá chính trị phạm.

          - Thực hiện các quyền tự do, dân chủ.

          - Tự do Công đoàn.

Báo Dân Chúng theo tay đồng chí Nguyễn Văn Trân về Bình Đăng, Phú Lạc, Cần Giuộc, Cần Đước, Hưng Long, Rạch Kiến, Chợ Đệm, Long Hưng Hạ. Các chi bộ ở Trung Quận nhanh chóng nắm bắt tình hình Sài Gòn, tình hình cả nước, khí thế phong trào quần chúng bùng lên nhanh chóng. Đồng chí Một Thế ra sức tuyên truyền móc nối cơ sở ở Tân Nhựt, Tân Kiên, Chợ Đệm, Phước Lý, Phước Hậu, Long Thượng cùng với đồng Bảy Trấn xuống Bình Đăng, Phú Lạc phối hợp với đồng chí Trân.

Đồng chí Nguyễn Văn Lộc, đại diện nông dân Chợ Lớn lên họp ở rạp hát Thành Xương, phát biểu nguyện vọng của bà con Trung Quận Chợ Lớn.

Nhờ bảo vệ được cơ sở Đảng qua các cuộc khủng bố, Vinh Lộc trở thành chỗ đứng chân của Văn phòng Tỉnh ủy Gia Định, nơi đi về của cán bộ Đảng. Vinh Lộc còn duy trì được cơ sở in ấn ở nhà ông Tư Đực.

Tháng 8/1936, Tỉnh ủy Chợ Lớn họp ở nhà đồng chí Nguyễn Văn Trấn (ấp 6 làng Tân Nhựt), tổ chức ra các ban của Đảng: Ban Bí thư, Ban Liên lạc, Ban Tuyên truyền bàn kế hoạch công tác trong tình hình mới. Trong cuộc họp có mặt các đồng chí Lộc, Trân, Tiếp, Bang, Nhâm, Hồng Sơn Đỏ, Trần Chí Nam, Chung Văn Nam, Cự, Năm Khải, Sáu Nhâm, Hai Nhuận, Chị Một. Ủy ban Hành động tỉnh Chợ Lớn do đồng chí Nguyễn Văn Trân - Ủy viên Ban Hành động Trung ương kiêm nhiệm Chủ tịch. Ngoài ra còn có các ủy viên Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Văn Tuôi, Trần Chí Nam, Một Thế, Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn), Bảy Vồ, Lê Văn Ngà. Ủy ban hành động Trung Quận gồm có Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuôi, Nguyễn Văn Trấn, Lại Văn Dưỡng… đặt trụ sở tại Cầu Khum, Chợ Đệm, chỉ trong vòng một tuần lễ, khắp Trung Quận các làng đều có Ủy ban Hành động. Nơi hẻo lánh như Vườn Thơm - Lý Văn Mạnh cũng có Ủy ban Hành động do đồng chí Hồng Vũ đứng ra tổ chức.

Các Ủy ban Hành động đều có trụ sở công khai và có 10 ủy viên trở lên. Lãnh đạo các Ủy ban Hành động ở làng hầu hết là đảng viên hay quần chúng cốt cán của Đảng, như Chủ tịch Ủy ban Hành động Tân Tạo là đồng chí Lê Văn Cự ở Tân Nhựt là Nguyễn Văn Trấn, Một Thế, Nguyễn Văn Keo, Nguyễn Văn Vẹo.

Tỉnh Chợ Lớn có nhiều đảng viên và nhân sĩ tham gia vào các cơ quan của Ủy ban Hành động Trung ương như Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Kỉnh và Hội đồng Võ Công Tồn với cương vị Trưởng Ban truyền bá quốc ngữ Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Nhung đã tham gia vào việc lãnh đạo công nhân hãng rượu Bình Tây đình công đấu tranh đòi quyền lợi. Liên đoàn xe ngựa Bình Trị Đông là nòng cốt trong cuộc đình công của anh em đánh xe ngựa Sài Gòn làm náo động đến Quốc hội Pháp.

Bọn phản động thuộc địa không thể chịu nổi trước sự lớn mạnh của phong trào vận động dân chủ Đông Dương, chúng tìm mọi cách ngăn cản, phá hoại, chúng đã bắt đồng chí Tạo, Mai, Ninh, gây khó dễ các Ủy ban Hành động địa phương. Theo dõi, đánh phá các cơ sở Xứ ủy, Thành ủy và Trung ương Đảng[1].

Những cuộc đấu tranh giữa những người cộng sản và những người có khuynh hướng Trốtkit và bọn cơ hội khác ở Chợ Đệm, Phước Lai đã giúp cho quần chúng hiểu rõ những người cộng sản mới là những người cách mạng chân chính.

Những cuộc diễn thuyết công khai làm cho bọn làng lính tức tối, chúng tìm cách gây khó khăn cho các đồng chí ta như hỏi giấy thuế thân. Đồng chí Nguyễn Văn Trân, bị chúng xét hỏi mãi nên phải đeo luôn giấy thuế thân trước ngực cho bọn chúng khỏi lôi thôi. Toàn bộ các ủy viên ban hành động đều bị làng lính, mật thám ghi vào sổ đen.

Mặc cho nhà cầm quyền thực dân cản trở, phong trào vận động dân chủ ở Trung Quận diễn ra rất sôi nổi. Tùy tình hình địa phương có những hình thức đấu tranh thích hợp, đa dạng và phong phú.

Các Ủy ban Hành động làng Vinh Lộc thường xuyên treo các khẩu hiệu đòi “Tự do đi lại”, “Tự do ngôn luận”, “Tự do hội họp”, truyền đơn được phân phát tận tay đồng bào. Trụ sở chính của Ủy ban Hành động chỉ cách nhà việc làng Vinh Lộc có gang tấc, bọn lính làng bực tức nhưng không làm gì được.

Tháng 8 năm 1936, theo sự chỉ đạo của Ủy ban hành động, hàng trăm đồng bào kéo đến Xuân Thới Thượng đòi giảm thuế thân, giảm thuế thuốc. Bọn làng lính đàn áp bắt đi 10 người, đồng bào không lùi bước, tiếp tục đấu tranh đòi thả những người bị bắt mới để chúng yên. Các cuộc biểu tình đón Justin Godard J.Brevie ở Sài Gòn đều có mặt hàng trăm đồng bào Vinh Lộc tham gia.

Mặc dù nhà cầm quyền chưa cho phép, Ủy ban hành động Bình Hưng Hòa vẫn ra mắt đồng bào, căng biểu ngữ đòi “Tự do báo chí”, “Tự do hội họp”, “Tự do ngôn luận”, truyền đơn rải khắp các ấp, mít tinh đòi tự do dân chủ liên tiếp nổ ra.

Hàng ngàn truyền đơn được phân phát cho đồng bào, cờ đỏ búa liềm được treo trên các ngọn cây cao ở làng Tân Nhựt, nhiều cuộc diễn thuyết của đồng chí Bảy Trấn được đồng bào hoan nghênh. Các đồng chí ở Tân Nhựt còn có ý thức xây dựng các ấp Láng Le, Đập Đấu, Rừng Cối thành những cơ sở chính trị mạnh, làm nơi hội họp đi lại của cán bộ.

Ủy ban Hành động làng Tân Tạo do các đảng viên lãnh đạo: Lê Văn Cự, Lại Văn Đầy, Lại Thành Lễ, các ông Ba Khải, Bảy Chí, Ba Mạn…Trụ sở đóng tại nhà Ba Vai (Cầu Nhỏ ấp 1) sau dời ra phố Sáu Sen cách chợ Bà Hom 100m, nhiều cuộc mit tinh đã được tổ chức tại chợ Bà Hom với khẩu hiệu đòi giảm thuế thân, giảm địa tô, chống đấu giá công điền. Các cuộc đón J.Godard và J.Brevie ở Sài Gòn, những cuộc mít tinh chống bọn Trốtkit ở rạp Thành Xương đều có mặt bà con Tân Tạo.

Trong thời gian này, cấp trên cử đồng chí Lê Công Phép xuống Trung Quận tổ chức một cuộc đấu tranh chống đấu giá công điền. Đoàn biểu tình gồm nông dân Tân Tạo, Tân Kiên, Bình Trị Đông, An Lạc kéo về dinh tham Biện Chợ Lớn. Bọn thực dân huy động lính đàn áp, chúng bắt được đồng chí Lê Công Phép giam mấy ngày rồi thả.

Ủy ban Hành động Tân Túc có trụ sở ngay Chợ Đệm, tổ chức dịch “Lời kêu gọi thanh niên cách mạng Đông Dương của đồng chí Doriot ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đứng lên xuất bản tập tài liệu này có 4 người là Võ Lợi Trinh, Đỗ Văn Huê, Lê Văn Ngà, Nguyễn Văn Thế. Tài liệu được in tại nhà in Cao Bình đường Cây Mai Chợ Lớn và phát động rộng rãi khắp Trung Quận.

Nhiều cuộc diễn thuyết ở chợ Bình Chánh ngay lúc chợ đang họp. Ở Long Hiệp, Ủy ban Hành động có nhiều cuộc diễn thuyết lớn tại trường Gò Đen, diễn giả là ông Huỳnh Tấn Phát. Những đồng chí và quần chúng tích cực trong Ủy ban Hành động An Phú Tây, Hưng Long là Anh Tập, Bộ Hanh và thầy Bảy Cứ.

Tình hình thuận lợi tồn tại không lâu, cuối năm 1936, bọn thực dân Pháp ra mặt đàn áp, xé biểu ngữ, phá trụ sở Ủy ban Hành động Vinh Lộc. Tên Hương quản Kiên khiêu khích phá trụ sở Ủy ban Hành động làng An Thạnh, vu cáo đồng chí Nguyễn Văn Tiếp nói xấu chính phủ Pháp, bắt đồng chí đi tù. Các Ủy ban Hành động ở Trung Quận phải rút vào bí mật nhưng khí thế đấu tranh quyết liệt vẫn được duy trì. Ở Sài Gòn, báo Dân chúng vẫn tiếp tục xuất bản.

Năm 1937, Chính phủ Pháp chuyển sang hữu khuynh, Đông Dương Đại hội bị cấm, các đồng chí chủ chốt trong phong trào công khai bị bắt nhưng đã có trên dưới 400 cuộc bãi công và 3.509 cuộc biểu tình của nông dân khắp Nam Kỳ. Ở Trung Quận Chợ Lớn, phong trào đấu tranh, biểu tình mit tinh dưới nhiều dạng khác nhau tiếp tục nổ ra liên tục.

Năm 1937, được tin phái đoàn chính phủ Pháp do Justin Godard nghị sĩ đảng viên Đảng Xã hội cấp tiến cầm đầu sẽ qua Đông Dương điều tra tình hình thuộc địa, tiếp theo sau là tên toàn quyền Đông Dương J.Brevie sẽ đến Sài Gòn. Lập tức 40.000 truyền đơn khẩu hiệu của Tỉnh ủy Chợ Lớn in trong căn nhà lá nhỏ ở Tân Nhựt ngay sát bờ sông Chợ Đệm được các anh Hai Nhuận, Chị Một và Mười Cự đi giao khắp các cơ sở cách mạng ở Trung Quận. Quần chúng nhân dân làng Vinh Lộc rầm rộ kéo lên Thành phố cùng với các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức và các phần tử yêu nước ở Sài Gòn - Gia Định hình thành một cuộc biểu dương lực lượng chính trị trước hai đại diện của nước Pháp. Sự có mặt đông đảo của bà con Trung Quận và bà con Gia Định là biểu hiện cao của mối tình đoàn kết công nông trí thức, thể hiện sức mạnh và vị trí quan trọng của vành đai đỏ quanh Thành phố Sài Gòn. Trên đường kinh lý J.Godard còn gặp nhiều cuộc biểu tình đưa yêu sách nữa.

Tháng 2/1937, nhân dân Vĩnh Lộc kéo về nhà việc Xuân Thới Thượng đón Bec Lang tỉnh trưởng Gia Định đưa yêu sách đòi giảm thuế thân, giảm thuế thuốc, giảm thuế chợ và thuế ruộng đất. Bọn lính làng đứng thành hàng rào ngăn đoàn biểu tình không cho đến gần, 500 đồng bào hô vang đòi yêu sách. Trước khí thế đấu tranh của đoàn biểu tình, địch đành phải cho hai đại biểu ta vào đưa yêu sách, chúng bắt giữ hai đại biểu này, ta lại đưa hai đại biểu khác, chúng lại bắt, chúng bắt đến 36 người trong đó có 3 cốt cán của đoàn biểu tình, ta vẫn cương quyết không lùi bước, cuối cùng bọn chúng phải thả hầu hết đại biểu để xoa dịu sự phẫn nộ của đồng bào.

Tháng 3/1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai xuống nói chuyện tại chi bộ Cây Da Sà, bài nói chuyện được in phát cho đảng viên và quần chúng, tài liệu này có tác dụng cổ vũ đồng bào ở Cây Da Sà và Bình Trị Đông phấn khởi đấu tranh. Nhiều cuộc biểu tình mít tinh diễn ra ở địa phương với các khẩu hiệu: “Giảm thuế thân”, “Thực hiện quyền tự do dân chủ”.

Tháng 4/1937, dưới sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, bà con Bình Trị Đông đã kéo lên rạp Thành Xương tham gia mít tinh thông qua kiến nghị đòi nhà cầm quyền thực dân thi hành luật tự do nghiệp đoàn cho người lao động Đông Dương.

Bước sang năm 1938, các cuộc đấu tranh biểu tình có phần giảm hơn năm 1937. Toàn Nam Kỳ có 112 lượt đấu tranh của nông dân, học sinh, thợ thủ công, tiểu thương phần lớn là ở Sài Gòn và vùng xung quanh. Mặc dù con số các cuộc đấu tranh ít nhưng đi vào chiều sâu. Lần đầu tiên luật làm việc 8 giờ được thi hành, các công sở, hiệu buôn ngày chủ nhật công chức được nghỉ. Thuế thân không thu đồng loạt 6 đồng đầu người như trước mà chia làm hai loại: người có tài sản 5đồng5, người không có tài sản 4đồng5.

Tình hình ngày càng xấu đi, các cuộc khủng bố chính trị xảy ra thường xuyên. Một số lính làng trước đây co vòi, nay ra mặt hống hách, nhiều điều nhà cầm quyền đã hứa hẹn nay đã xóa bỏ. Nhiều nơi ở Trung Quận vẫn tiếp tục đấu tranh, biểu tình đòi nhà cầm quyền thực dân giữ các lời hứa. Các cuộc mit tinh biểu tình nổ ra liên tiếp ở Bình Đăng, Chánh Hưng, Phú Lạc, Bình Trị Đông, An Lạc… Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Nhung và một số lao động ở Bình Trị đi làm ở công trường nhà máy rượu Bình Tây, đã tham gia phát động toàn thể công nhân đấu tranh đòi chủ thầu tăng tiền công. Kết quả chủ thầu phải chấp nhận tăng từ 80 xu/ngày lên 1đồng20 xu/ngày.

Tháng 8/1938, đồng chí Lê Văn Xầy, cùng 50 nông dân kéo lên nhà việc làng Vinh Lộc nổi trống chầu, đưa yêu sách cho ban hội tề đòi thi hành luật làm 8 giờ/ngày cho người làm thuê ở nông thôn. Sau vụ này đồng chí Xầy bị thực dân Pháp ra lệnh truy nã về tội “Kích động dân chúng”, đồng bào cương quyết đấu tranh chống lại lệnh nói trên, buộc Hội đồng tỉnh can thiệp hủy bỏ lệnh bắt.

Nổi bật nhất trong năm 1938 là cuộc đấu tranh của nông dân Trung Quận có sự hỗ trợ của nông dân Cần Giuộc kéo lên dinh quận đưa yêu sách đòi chia công điền cho dân nghèo. Tiếp theo là cuộc 200 công nhân Bình Đăng đấu tranh đòi bỏ thuế thân, chia công điền, ban bố các quyền tự do dân chủ, thả tù chính trị.

Qua phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ cải thiện đời sống nhân dân, Đảng đã tập hợp, động viên, giáo dục và xây dựng được một lực lượng quần chúng đông đảo gồm đủ thành phần xã hội ở nông thôn và thành thị, đồng thời Đảng đã bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ đông đảo, phát triển thêm được nhiều đảng viên mới.

Thực tế cao trào Cách mạng 1930-1931 và cuộc vận động dân chủ ở Đông Dương 1936-1939 chứng tỏ người cộng sản là những người thừa kế xuất sắc nhất truyền thống cao quý của dân tộc, yêu nước thiết tha và triệt để nhất, đồng thời chứng minh người cộng sản là người có tinh thần Quốc tế vô sản chân chính. Việc thừa kế truyền thống cao đẹp của dân tộc hoàn toàn không gây trở ngại gì mà còn là một động lực tinh thần cho cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam phải phát huy truyền thống đấu tranh giải phóng dân tộc để làm cách mạng.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, một tai họa của nhân loại đã xảy ra, là một lực lượng tham chiến khá quan trọng song đế quốc Pháp đã nhanh chóng đầu hàng phát xít Đức. Không bao lâu sau, theo lệnh của thống chế Pétain, bọn thực dân Pháp ở Đông Dương đã cúi đầu đón quân phiệt Nhật vào nước ta. Trong khi đó chúng ra sức khủng bố đàn áp người cộng sản và những người yêu nước hay bị nghi ngờ là chống đối để giữ cho được xứ Đông Pháp, chờ cơ hội phục hồi lại thời vàng son của “Cường quốc Pháp”. Bọn phản động, tay sai các loại ở bản xứ, bọn làng lính được dịp tỏ dạ trung thành với “Mẫu quốc”, ngày đêm rình rập chỉ điểm, bắt bớ dân lành, gây bao thống khổ cho đồng bào. Chiến tranh ngày càng mở rộng càng ác liệt, lương thực bị vơ vét, hàng hóa khan hiếm, giá cả tăng vọt, thuế má nặng nề, thanh niên bị bắt lính, nhân dân ta, nhất là nông dân bị dồn đến bước đường cùng.

Ngay những ngày đầu chiến tranh, Đảng kịp thời chỉ đạo cho các cơ quan, cán bộ hoạt động công khai và bán công khai nhanh chóng rút vào bí mật, một số lớn cơ sở chuyển về nông thôn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Bà Điểm từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 11 năm 1939, do đồng chí Nguyễn  Văn Cừ - Tổng Bí thư Đảng chủ trì đã phân tích tỉ mỉ tình hình trong và ngoài nước và chính sách của bọn thực dân Pháp. Dự kiến phong trào đấu tranh của quần chúng sẽ phát triển từ lẻ tẻ dẫn đến một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược nhằm đánh đổ đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, Nghị quyết 6 chỉ rõ “Đứng trên lập trường giải phóng dân tộc, lấy quyền lợi giải phóng dân tộc làm tối cao, tất cả mọi vấn đề của cuộc cách mạng, cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào các mục đích ấy mà giải quyết”.

Sau Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương, Nghị quyết của Hội nghị đã nhanh chóng được phổ biến xuống tận cơ sở. Sau khi nghiên cứu Nghị quyết 6, các đảng viên và quần chúng cách mạng vô cùng phấn khởi nhận thấy được hướng phát triển của cách mạng, đồng thời sẵn sàng đối phó với mọi tình huống khó khăn có thể xảy ra.

Sau Hội nghị Trung ương 6, tình hình ngày càng căng thẳng hơn, thực dân Pháp ráo riết bắt bớ, khủng bố các đảng viên cộng sản và những người yêu nước. Nhiều đồng chí Trung ương và Xứ ủy lần lượt bị bắt, trong số đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ - Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Võ Văn Tần - Ủy viên Trung ương kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Tháng 7/1940, Xứ ủy họp Hội nghị ở Tân Hương quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, tham dự hội nghị có 24 đại biểu, chủ trì hội nghị là đồng chí Tạ Uyên. Sau khi thảo luận, đa số tán thành khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị bầu ra Xứ ủy mới do đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư, quyết định lập Ban Quân sự các cấp chuẩn bị khởi nghĩa, đồng thời cử đồng chí Phan Đăng Lưu đi liên hệ với Đảng bộ Trung Kỳ và Đảng bộ Bắc Kỳ để cùng hành động.

Tháng 9 năm 1940, Xứ ủy mở Hội nghị ở Xuân Thới Đông (Hóc Môn), đồng chí Tạ Uyên nhận định tình hình đã chín muồi, Pháp đầu hàng Nhật. Quân Nhật mới đặt chân vào chưa vững, miền Bắc đã khởi nghĩa[2]. Đây là thời cơ thuận lợi nếu ta không khởi nghĩa bỏ lỡ cơ hội và để cho miền Bắc bị cô lập. Hội nghị thảo luận và ra nhiều quyết định quan trọng và trao quyền cho Ban Thường vụ Xứ ủy vạch kế hoạch cụ thể và ban hành lệnh khởi nghĩa. Đồng chí Tạ Uyên phụ trách chung và trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn.

Sau Hội nghị Xuân Thới Đông, các Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập ngay ở các tỉnh, các địa phương đã sẵn sàng chờ lệnh.

Ngày 6 đến ngày 9 tháng 11 năm1940, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 tại làng Đình Bảng (Bắc Ninh), trên cơ sở phân tích tình hình lúc bấy giờ, Trung ương Đảng nhận định rằng “Lúc này điều kiện khách quan và chủ quan chưa chín muồi để có thể khởi nghĩa, chỉ thị hãy hoãn dự định khởi nghĩa ở Nam Kỳ” và giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Đăng Lưu trở về Nam Kỳ để truyền đạt lại ý kiến của Trung ương.

Ngày 20 tháng 11 năm 1940, Thường vụ Xứ ủy phát lệnh khởi nghĩa, giờ G là 0 giờ ngày 23 tháng 11 năm 1940.

Trưa ngày 22 tháng 11 năm 1940, đồng chí Phan Đăng Lưu mang chỉ thị Trung ương Đảng về tới Sài Gòn, lệnh khởi nghĩa đã ra rồi không còn thu hồi lại được nữa.

9 giờ sáng ngày 22 tháng 11 năm 1940, đồng chí Nguyễn Như Hạnh - Bí thư Thành ủy bị mật thám bắt trước căn nhà số 160 đường Đây Ốt. Đến 15 giờ cùng ngày cũng tại căn nhà nói trên bọn mật thám bắt được đồng chí Tạ Uyên. Tối hôm đó, đồng chí Phan Đăng Lưu bị vây bắt ở Chợ Lớn. Kế hoạch khởi nghĩa đã bị lộ. Bọn thực dân Pháp điều động lực lượng bảo vệ các cơ quan đầu não của chúng ở Sài Gòn.

Tuy cuộc khởi nghĩa đã lộ, Sài Gòn không có khởi nghĩa nhưng các tỉnh nhận được lệnh khởi nghĩa của Thường vụ Xứ ủy, dù sớm hay chậm cũng nghiêm chỉnh chấp hành, tổ chức và lãnh đạo khởi nghĩa ở địa phương mình, quần chúng tham gia rất đông đảo với một khí thế quật khởi mạnh mẽ làm cho địch hoang mang lúng túng.

Chợ Lớn cùng Gia Định, Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ… là nơi nổ ra khởi nghĩa mạnh mẽ và kịp thời theo kế hoạch.

Các đảng viên ở Trung Quận có nhiều hoạt động liên hệ với Trung ương, Xứ ủy và Thành ủy, trải qua nhiều cuộc bắt bớ khủng bố các đồng chí có kinh nghiệm đối phó tự vệ được bản thân, bảo vệ các cơ sở qua các cuộc khủng bố trắng. Quận ủy hầu như còn nguyên vẹn, cùng với Đức Hòa, Cần Giuộc, Trung Quận là một trong những Đảng bộ mạnh của Chợ Lớn trước ngày nổ ra Khởi Nghĩa Nam Kỳ.

Trung Quận được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Dương Công Nữ, Nguyễn Văn Kỉnh và của Tỉnh ủy Chợ Lớn, công việc chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương. Mặc dù khi nhận được chỉ thị khởi nghĩa có một số đồng chí chưa hoàn toàn nhất trí, song lệnh khởi nghĩa của cấp trên vẫn được chấp hành nghiêm chỉnh.

Nhận được chỉ thị và kế hoạch khởi nghĩa do đồng chí Nguyễn Văn Trân đi phổ biến lại cho tất cả các đảng viên và quần chúng cảm tình với Đảng ở Tân Phong Hạ và lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa ở địa phương do đồng chí Trân làm Trưởng ban, Ủy viên gồm có Năm Ất (Phong Đước), Sáu Thuần, Tư Lưu, Tư Ó, Chín Cương… Phân công người rèn đao tu, dao găm, mác thông, búa tạ, kềm to, đục sắt… bí mật điều tra làng lính nào có súng, tập võ nghệ, vận động mua được khẩu súng lục của Ký Huỳnh ở Hưng Long, vạch kế hoạch phá đường, đào hầm, phá đường Phú Lạc… Nguyễn Văn Trân và Tư Ó đi vận động nhóm Tám Mạnh (thuộc Bình Xuyên), thuyết phục số anh em này tham gia khởi nghĩa. Công việc chuẩn bị kéo dài gần 2 tháng bọn lính làng vẫn không biết gì. Lần xuống Phú Lạc cuối cùng để thông báo giờ khởi nghĩa đêm 23/11/1940, đồng chí Dương Công Nữ giao thêm nhiệm vụ cho cánh Tân Phong Hạ tham gia phá khám lớn Sài Gòn. Các đồng chí Tân Phong giao hẹn với đồng chí Dương Công Nữ: “Thành phố Sài Gòn khởi nghĩa và chúng tôi nhận được tín hiệu như quy định, chúng tôi sẽ hưởng ứng ngay. Sài Gòn là trung tâm mà im lặng không có tín hiệu như đã hẹn thì Tân Phong Hạ sẽ ngưng”, đồng chí Dương Công Nữ đồng ý với ý kiến này.

Đêm 23/11/1940, Ban khởi nghĩa Tân Phong Hạ đóng trên một gò mả cạnh đường số 50 gần Phú Lạc, dọc đường từ Phú Lạc về Sài Gòn - Chợ Lớn, một cây số có một người túc trực nhận tin đưa về Ban khởi nghĩa, mỗi giờ có người về báo tin, Trưởng ban khởi nghĩa đi kiểm tra lực lượng từ Cầu Nhị Thiên Đường, Bình Đăng, Chánh Hưng và khắp Tân Phong Hạ, lực lượng các nơi đã sẵn sàng nhận được tín hiệu sẽ nhanh chóng cướp chính quyền ở địa phương và tràn vào Sài Gòn hỗ trợ, chờ mãi đến 3 giờ sáng ngày 23/11/1940, đèn điện Sài Gòn - Chợ Lớn vẫn sáng trong Thành phố vẫn im, đồng chí Trân ra lệnh rút lui, phân tán lực lượng, chôn giấu vũ khí, giữ tuyệt đối bí mật.

Lúc đó lính làng ở Tân Phong Hạ nghe đồn cộng sản nổi dậy đã bỏ nhiệm sở. Chấp hành lệnh khởi nghĩa, Tổng ủy Hưng Long Hạ bầu ban lãnh đạo khởi nghĩa do đồng chí Nguyễn Văn Tuôi làm Trưởng ban và các ủy viên là Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí), Nguyễn Văn Sĩ, Lại Văn Dưỡng, Chín Điểu. Ban khởi nghĩa còn thành lập một lực lượng đi tiếp ứng Sài Gòn cùng với các lực lượng cấp trên để phá khám lớn, lực lượng này do Nguyễn Văn Trấn chỉ huy trưởng, các ủy viên là đồng chí: Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Văn Dính, Phan Văn Lẹt, Phạm Văn Dong (Chín Dong). Theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Kỉnh đại diện Xứ ủy thì lực lượng Long Hưng Hạ của Trung Quận phải đưa 200 quân lên Thành phố Sài Gòn phối hợp với 300 quân Bà Điểm - Hóc Môn. Lực lượng do Bảy Trấn chỉ huy sẽ đánh khám lớn Sài Gòn còn anh em Bà Điểm Hóc Môn sẽ đánh chiếm tòa án, có thể nói lực lượng Trung Quận, Bà Điểm, Hóc Môn là cánh quân khá quan trọng từ bên ngoài đánh vào Sài Gòn. Đồng chí Bảy Trấn chịu trách nhiệm huấn luyện chính trị cho lực lượng khởi nghĩa, đồng chí Phạm Văn Lẹt huấn luyện võ thuật, đồng chí Nguyễn Văn Còn, lập lò rèn sau nhà Võ Văn Đoàn (Long Hiệp) rèn đao, kiếm, phi tiêu võ trang cho anh em. Để phát động tinh thần quần chúng ủng hộ khởi nghĩa đã có hai cuộc mít tinh diễn thuyết được tổ chức. Lần thứ nhất tại Gò Bà Cữ, gần Xóm Thuốc (Long Hiệp) có 300 người dự, diễn giả là đồng chí Bảy Trấn, Nhâm, Chát, dự mít tinh xong bà con lặng lẽ giải tán. Lần thứ hai tại Đình Bình Thiện (Mỹ Yên) có hơn 300 người ở các làng Mỹ Yên, Long Hiệp, Phước Lợi, Phước Vân (Cần Đước) lần này đồng bào hô khẩu hiệu “đả đảo đế quốc Pháp xâm lược” tiếng hô vang dội đến tận Gò Đen, hôm sau làng lính chạy lên quận báo cáo.

Giờ khởi nghĩa tới, đồng chí Ba Diệp từ Tân Kiên xuống thông báo lệnh khởi nghĩa, đồng chí Bảy Trấn đi vắng, đồng chí Nguyễn Văn Sở và Nguyễn Văn Chát nhận lệnh, liên lạc tiếp tục đưa lệnh xuống Cần Đước, đến tay các đồng chí lãnh đạo Long Hưng Hạ đúng 12 giờ trưa ngày 22/11/1940. Ban khởi nghĩa triển khai ngay kế hoạch cướp chính quyền ở địa phương. Lực lượng đi Sài Gòn có kế hoạch cụ thể đánh khám lớn Sài Gòn, thả tù chính trị như sau: Đồng chí Bảy Trấn sẽ gặp sếp khám lớn thuyết phục hắn mở cửa thả tù, nếu không được anh em sẽ dùng búa tạ, xà beng đánh thẳng vào cổng chính bắt cho được sếp khám, xong vào phá khám thả anh em tù. Vũ khí chôn giấu lâu nay được moi lên lau chùi sạch sẽ. Phương tiện lên Sài Gòn, đồng chí Chín Lòng mượn chiếc ghe lớn của chị Hà Thị Sở do đồng chí Dưỡng điều khiển chở vũ khí từ ngọn rạch Ông Dinh lên đậu tại cầu Xóm Chỉ (Chợ Lớn). Đêm 22 rạng 23/11/1940 đoàn Long Hiệp do Phạm Văn Lẹt dẫn đầu lên xe lửa tại ga Gò Đen, tới nơi đoàn được anh Lẹt đưa lên lầu nhà hàng Viễn Hương ăn cơm, xong ra quán uống nước chờ liên lạc đến đón đi tiếp, dọc đường đồng chí liên lạc cho biết “kế hoạch đâu đó chuẩn bị sẵn sàng, anh em Hoa kiều mặc quần đùi đang nằm và chờ lệnh hành động đó”. Đoàn quân Trung Quận đang chờ nhận vũ khí bên dốc cầu Xóm Chỉ, bỗng đâu đồng chí Bảy Trấn đi tới báo tin “kế hoạch đánh khám lớn Sài Gòn bị lộ rồi” anh lệnh rút lui về Chợ Đệm liền, các anh Dong, Lẹt, Mộc, Hồ, Dưỡng bằng mọi cách đưa cho được ghe vũ khí về Chợ Đệm.

2 giờ chiều ngày 24/11/1940, Phước Tỉnh mới hay tin Sài Gòn không khởi nghĩa được, lực lượng  các nơi tập trung về Phước Tỉnh, biên chế thành một đại đội có hơn 100 quân, chia thành 3 trung đội. Số còn lại phân tán về nhà chờ lệnh, mỗi tiểu đội được 1 khẩu súng, còn lại là dao, phảng, song tô, phi tiêu, tầm vong… Nguyễn Văn Trấn, chỉ huy trưởng, nòng cốt là các đồng chí Nguyễn Văn Dính, Lại Văn Dưỡng, Phạm Văn Dong, Nguyễn Văn Cương, Nguyễn Văn Sĩ, Phạm Văn Lẹt, Nguyễn Văn Dương lo hậu cần chuyên về nhà lấy lúa giã gạo cho anh em ăn, ông Xù là cha đồng chí Dong vui vẻ nói “cứ lấy lúa xay giã cho đủ ăn, còn ăn hết thôi”

Ngày 25/11/1940, làng lính bắt đầu càn quét xóm ấp. Trận càn đầu tiên vào làng Thanh Hà bắt 4 đồng bào đem giam ở nhà việc chuẩn bị giải về quận, ta quyết định tấn công giải thoát. Đúng giờ nổ súng ta xông vào nhà hội Thanh Hà, 6 tên lính và dân canh nhảy xuống sông trốn chạy, súng ống bỏ hết xuống sông. Ta giải thoát được 4 đồng bào bị bắt (Ba Đước, Mười Hổ, Út Dưa và một người nữa), đốt luôn nhà hội Thanh Hà. Nghĩa quân Long Hưng Hạ nhờ bà con nông dân đùm bọc đã anh dũng đánh chặn nhiều trận càn của bọn làng lính.

Chỉ đạo chung Tân Kiên, Tân Nhựt và Tân Túc trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa là chị Tám và Mười Cự, Chi bộ Đảng ở Tân Kiên do Bảy Thọ làm Bí thư, Lâm Ngọc Diệp làm Phó Bí thư, từ tháng 5/1940, qua các đồng chí Bảy Trân và Nguyễn Văn Hoành đã nhận được chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa. Ngày 22/11/1940, đồng chí Lâm Ngọc Diệp được phân công dẫn một tổ trung kiên gồm Mười Lữ, Hai Quán, Năm Dương và 15 thanh niên lên Sài Gòn phối hợp với các lực lượng Trung Quận đánh khám lớn Sài Gòn, đồng chí Bảy Thọ ở nhà đưa lực lượng vô ấp Mỹ Phú tước 2 cây súng của Hương cả Bàng và thầy Bảy Trưng chờ có tín hiệu từ Sài Gòn thì cướp chính quyền bắt Hương cả Khỉ, Hương quản Lượng là tay sai đắc lực của bọn thực dân Pháp.

Đúng 7 giờ tối ngày 22/11/1940, lực lượng Tân Kiên do đồng chí Lâm Ngọc Diệp lãnh đạo đã có mặt ở bùng binh Sài Gòn (nay là công trường Quách Thị Trang), đồng chí Diệp cho anh em chờ ở đây, còn đồng chí thì vào cầu Xóm Chỉ là điểm hẹn của đồng chí Bảy Trấn để nhận vũ khí. Hơn 10 giờ đêm được đồng chí Bảy Trấn cho biết kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ và bảo đồng chí Diệp trở lại bùng binh cho anh em rút lui.

Trở lại bùng binh, Hai Quán và một số anh em chạy xuống cầu Ông Lãnh trú trong các ghe quen ở Chợ Đệm lên bán gạo, đồng chí Lâm Ngọc Diệp chạy qua ga xe lửa Sài Gòn gặp một anh lính tập đang nói: “Thôi đâu về đó đi, tình hình bại lộ rồi. Hồi tối mới 6 giờ tất cả dinh trại đều đóng cửa không cho ai ra vô”. Đồng chí Diệp đi vào Đại Thế Giới trú ở đó đến 4 giờ sáng lên xe lửa mua vé về Tân Kiên, thấy xe lửa từ Mỹ Tho lên chở nhiều người, lớp chết, lớp bị thương, máu me đầm đìa. Khoảng 4 - 5  giờ chiều ngày 25/11/1940, anh em đi Thành phố lần lượt về đầy đủ. Ngày 27/11/1940, đồng chí Lâm Ngọc Diệp đưa một số anh em sang Bình Trị Đông cùng với đồng chí Mười Nhung, Hai Lò lên Vinh Lộc phối hợp với anh em Tân Tạo, toàn bộ anh em có đến 80 người, Ban Chỉ huy chung là Hai Lò, Bảy Thép, Mười Cự, Ba Tròn, Năm Thiều và đồng chí Diệp, Mười Nhung, Hai Lắm, Hai Kỉnh phụ trách hậu cần. Anh em bàn kế hoạch tấn công xuống Phú Lâm qua cầu Chùa rồi xuống Tân Tạo chiếm nhà Phủ Bắc, bắt bọn phản động. Kế hoạch vừa vạch xong, trinh sát cho biết có xe chở mấy chục lính Lê Dương lên gác khúc lộ 10 từ cầu Chùa đến chợ Bà Hom. Vậy muốn đánh nhà Phủ Bắc phải nổ súng để bọn này không dám tiếp viện, hai đồng chí Hai Thiều và Trình sang Tham Lương (Hóc Môn) mượn 2 cây súng, chờ 3 ngày súng vẫn chưa mượn được. Bọn Lê Dương đi càn Vinh Lộc bắn chết đồng bào chỉ cách chỗ ở của lực lượng ta mấy trăm thước, anh em bàn cách phân tán tránh thiệt hại. Đồng chí Diệp dẫn anh em Tân Kiên băng qua vùng bưng Ba Hầm đến bàu Gò Tân Nhựt, chờ tối về lại Tân Kiên, số anh em ở nhà ai có sức khoẻ đã kéo về vùng hạ Trung Quận do Hai Quán và Mười Lữ lãnh đạo nhập vào cánh Bảy Trấn, còn lại anh em chưa bị lộ ra làm ăn chờ thời cơ. Đồng chí Lâm Ngọc Diệp được chi bộ phân công cùng với Tư Khả, Năm Thệ xuống Rạch Cát, Chợ Kinh hoạt động bí mật lãnh đạo anh em công nhân khuân vác đấu tranh bảo vệ quyền lợi xây dựng lực lượng cách mạng. Hai khẩu súng lấy được giao cho đồng chí Lê Công Thân (Bảy Thép) đưa về Hóc Môn.

Trong Nam Kỳ Khởi Nghĩa, chi bộ Tân Tạo do đồng chí Nguyễn Văn Cự làm Bí thư, đảng viên gồm có Lại Văn Đầy, Phạm Văn Kỉnh, lại Thành Lễ, Phạm Văn Bốn… cấp trên tăng cường thêm đồng chí Lê Công Phép, lực lượng võ trang Tân Tạo gồm có 30 đảng viên và quần chúng tích cực như: Ba Phải, Bảy Chí, Chín Dã, Tư Rồng, Bảy Nhỏ, Tám Lùn, Ba Hồn, Năm Chơn, Năm Giàu, Bảy Khá, Tư Phát, Hai Khăn, Ba Thảo, Bảy Tạo, Tư Lệ… gọi là xích vệ đội. Trang bị dao găm, mã tấu, bàn tay sắt, súng tự chế, nước axít, toàn đội xích vệ chia 3 nhóm:

-  Nhóm một do Chín Dã chỉ huy và các đồng chí Tư Lệ, Bảy Tạo, Bảy Thảo, Bảy Khá. Đây là mũi mạnh, gồm các đồng chí có võ thuật và khỏe, có nhiệm vụ tập kích bót Mã Tà bắt sống Phủ Bắc.

- Nhóm hai do Lại Thành Lễ chỉ huy có các đồng chí Năm Giàu, Tám Lùn, Năm Chơn, Hai Khẳng có nhiệm vụ bắt bọn tề làng: Hương quản Tỏ, cựu hương thân Rạng, Hương bộ Tây, xã Ngoi, Hương thân Hội và 2 tên hội đồng bà con với Hà Văn Bút là Hà Văn Ngân và Hà Văn Ngãi.

- Nhóm ba do Lại Văn Đầy trưởng nhóm với các đồng chí Ba Khải, Bảy Chí, Tư Rồng, Tám Chiều chiếm trụ sở hội tề làng Tân Tạo.

Mọi việc đã sẵn sàng chỉ chờ giờ hành động nhưng đến giờ chót đồng chí Hiến (Bình Trị Đông) là liên lạc của cấp trên xuống báo tin kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, địch đã cắm trại thành Ôma, lính pháo thủ đồn Cây Mai, kho súng bị khóa, phát súng lệnh khởi nghĩa ở Thành pháo thủ không có. Được tin này đồng chí Lê Công Phép và các đồng chí lãnh đạo địa phương chủ trương bảo toàn lực lượng chờ lệnh mới.

Cai tổng Bắc, bọn hội tề ra sức lùng bắt cộng sản sau ngày khởi nghĩa không thành. Chúng bắt được đồng chí Lê Công Phép và Nguyễn Văn Cự, các đồng chí Lại Thành Lễ, Nguyễn Văn Rồng, Bảy Chín, Ba Khải, Bảy Tạo, Ba Màu. Đồng chí Nguyễn Văn Cự bị chúng bắn chết tại đường làng số 5 cách chợ Bà Hom 200m ngày 18/12/1940. Đồng chí Lê Công Phép bị xử tử cũng trên đường làng số 5 cách chợ Bà Hom 300m đúng vào ngày 18/12/1940, các đồng chí còn lại bị chúng tra tấn dã man và đày đi Côn Đảo. Tinh thần kiên cường bất khuất của đồng chí Nguyễn Văn Cự và Lê Công Phép trước mũi súng quân thù đã để lại trong lòng người dân Tân Tạo những ký ức khó phai mờ.

Tại Tân Nhựt, lực lượng võ trang cũng đã sẵn sàng kéo vào Thành phố phối hợp với các lực lượng khác phá khám lớn. Chờ đến 3 giờ sáng ngày 23/11/1940, không thấy tín hiệu khởi nghĩa nên giải tán. Cũng ở Tân Nhựt, một bộ phận quần chúng cách mạng ở ấp Tân An đã phối hợp với các lực lượng Tân Bửu, Thanh Hà khởi nghĩa đánh trụ sở Hội tề, bao vây bắt bọn tay sai.

          Ở Hưng Long, Qui Đức, cuộc khởi nghĩa theo sự chỉ đạo của Quận ủy Cần Giuộc.

Tại Vinh Lộc, lực lượng khởi nghĩa chia làm 3 bộ phận tiến đánh địch:

- Bộ phận do đồng chí Lại Văn Bời, chỉ huy đánh đồn Ngã Năm, biết bọn lính ham cờ bạc, ta mở sòng bạc tại nhà ông Tám Ký ấp 1, rủ được cai Triều và một tên lính đến chơi, ta bắt được cả hai, tước vũ khí, buộc chúng đưa ra đồn bắt thêm 3 tên lính thu 3 súng, chiếm nhà việc bắt hội tề.

 - Bộ phận của Hồ Văn Hẹ cùng khoảng 30 chiến sĩ trang bị giáo mác, phối hợp với các làng xung quanh đánh đồn Tân Thới Nhất, chiếm được đồn bắt 3 tên lính thu 3 khẩu súng.

- Bộ phận do Lê Văn Xầy, Bí thư chi bộ Vinh Lộc chỉ huy một tiểu đội võ trang, phối hợp với lực lượng quận Gò Vấp định có tín hiệu là tấn công vào đường phố Sài Gòn. Kế hoạch bị bại lộ phải quay về. Như vậy, tuy khởi nghĩa không thành nhưng trong phạm vi Vĩnh Lộc địch bị nhiều thiệt hại. Thực dân Pháp rất cay cú, chúng huy động lính Lê Dương và bọn da đen vào càn quét ác liệt hai làng Vinh Lộc, Bình Hưng Hoà gặp ai cũng bắt, đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ. Khủng bố trắng vùng này kéo dài từ sau Nam Kỳ Khởi nghĩa đến 1941-1943. Bọn thực dân đưa tên cò Bê-Tai một tên nổi tiếng ác ôn về vùng Bà Điểm, Vinh Lộc… chỉ huy bọn tay sai ngày đêm rình rập, truy lùng cộng sản. Các đồng chí Phạm Văn Thượng, Võ Văn Sáp, Kìm… bị chúng bắn chết, nhiều đồng chí khác bị bắt như: Lại Văn Bùi, Phạm Văn Đẩu, Hồ Văn Hẹ, Phan Văn Lộc… đồng chí Phan Văn Tỷ cán bộ phụ trách liên xã bị bọn chúng vây bắt ở Xuân Thới Sơn, không để sa vào tay giặc, đồng chí chống trả kịch liệt cho tới lúc hy sinh.

Tháng 10/1942, chúng bao vây hai xã Vinh Lộc, Bình Hưng Hoà bắt đi hàng trăm đồng bào. Do có chỉ điểm, chúng bao vây nhà ông Nguyễn Văn Sáng ở ấp 2 xã Vinh Lộc, bắn chết ông Sáu Kinh, bắt ông Hai Bê và ông Mười Vị. Trước hành động tàn bạo của giặc, quần chúng cách mạng đã chống lại buộc chúng phải đền nợ máu, nhiều tên do thám, chỉ điểm bị trừng trị như tên Lục ở Tân Hòa, tên Nguyễn Văn Sáng ở ấp 2 xã Vinh Lộc, dư luận đồng bào rất đồng tình với các vụ trừ gian.

Ở Trung Quận Chợ Lớn sau Nam Kỳ Khởi nghĩa hầu như không có làng nào không có người bị giết, bị bắt. Các đảng viên ở Trung Quận một số đông bị bắt giam ở sà lan đậu trên sông Sài Gòn, Khánh Hội bị tra tấn man rợ ở bót Pô Lô (Chợ Lớn) và Catina (Sài Gòn), bị đày đi Côn Đảo, Tà Lài, Bà Rá…

Giặc ra sức khủng bố khắp nơi với ý đồ tiêu diệt cộng sản. Phong trào có bị thiệt hại, nhiều người bị chết, bị tù đày, một số đồng chí phải tạm ly hương. Đồng chí Nguyễn Văn Trân lên Đà Lạt, đồng chí Bảy Trấn phải sống ở Gò Dầu, Biên Hòa… Đồng chí Ba Dưỡng vào Vườn Thơm Lý Văn Mạnh, nhưng đại bộ phận vẫn bám ở địa phương nhờ sự đùm bọc của nhân dân. Trong những ngày đen tối ấy, các đồng chí ta vẫn một lòng son sắt với Đảng, với cách mạng và động viên nhau hoạt động chờ thời cơ.

Cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ tuy không giành được thắng lợi vì nó nổ ra không đúng thời cơ và điều kiện cách mạng chưa chín muồi trong cả nước nên đã bị địch dìm trong biển máu. Nhưng cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ đã nêu cao tinh thần quyết chống đế quốc, giành độc lập dân tộc, nêu cao khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tinh thần quật khởi, ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm hy sinh của nhân dân Trung Quận trong cuộc khỏi nghĩa này là bất diệt. Cuộc khởi nghĩa đã để lại nhiều bài học có ý nghĩa về thực tiễn và lý luận cho Đảng bộ và nhân dân Trung Quận trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc.

[1] Lúc này Trung ương về đóng ở Sài Gòn.

[2] Thực tế chỉ có khởi nghĩa ở Bắc Sơn.

Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023