Sau cuộc Khởi Nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã thực hiện chính sách khủng bố trắng để trả thù. Tên Thống đốc Nam Kỳ đã ra lệnh thiết quân luật và huy động mọi lực lượng để mở các cuộc hành quân đàn áp, vây bắt những chiến sĩ cộng sản và quần chúng yêu nước. Đi đến đâu chúng cũng thực hiện chính sách “đốt sạch, giết sạch”. Cả Nam Kỳ chìm trong đau thương bởi những cuộc hành quân chém, giết của quân thù.
Giữa lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ lâm vào hoàn cảnh khó khăn, thì từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941, tại Pắc Bó (Cao Bằng), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Đảng ta họp Hội nghị Trung ương lần thứ VIII.
Sau khi phân tích tình hình quốc tế và trong nước, Hội nghị nhận định: “Nếu chiến tranh đế quốc lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nhà nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc chiến tranh thế giới lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước sẽ thành công”[1].
Hội nghị khẳng định: “Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng là giải phóng dân tộc” và “trong lúc này nếu không giải quyết vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của một bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi được”. Hội nghị xác định nhiệm vụ của Đảng ta lúc này là chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 19 tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Minh, ra đời, gương cao cờ đỏ sao vàng kêu gọi toàn dân đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật.
Cuối năm 1941, có nhiều đảng viên vượt ngục trở về địa phương hoạt động nên ở Nam Kỳ tổ chức cơ sở Đảng dần dần được phục hồi.
Ở Trung Quận, năm 1942, các làng Tân Nhựt, Tân Tạo, An Lạc bắt đầu khôi phục sinh hoạt Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Tuôi được chỉ định làm Bí thư Quận ủy Trung Quận. Các Đảng bộ Cần Giuộc, Đức Hòa bắt đầu được xây dựng lại. Một không khí phấn khởi ngấm ngầm lan tỏa khắp Chợ Lớn. Các đồng chí đi tránh né ở các nơi lần lượt trở về Phú Lạc, Chợ Đệm, Long Hưng Hạ. Khí thế cách mạng của quần chúng yêu nước ở Trung Quận bắt đầu được nâng cao.
Tháng 10/1943, một số đảng viên trong chi bộ nhà tù Tà Lài vượt ngục trở về hoạt động, các đồng chí này sau khi đã gây dựng cơ sở đã bắt liên lạc được với đảng viên ở 21 tỉnh và tổ chức hội nghị ở Chợ Gạo (Mỹ Tho) để thành lập Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư và ra báo Tiền Phong làm cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ. Vì chưa liên lạc được với Trung ương nên hoạt động của Xứ ủy (sau này gọi là Xứ ủy Tiền Phong) theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 11/1939).
Trong thời gian này, Quận ủy Trung Quận được tăng cường thêm nhiều cán bộ mới trốn nhà tù của đế quốc trở về, các cơ sở Đảng được củng cố.
Chi bộ Đảng ở gần Tân Tạo do đồng chí Bùi Văn Thiểu làm Bí thư có 3 đảng viên.
Chi bộ Đảng ở Tân Kiên, do đồng chí Bảy Thọ làm Bí thư có 7 đảng viên.
Tân Nhựt có 2 đảng viên làm nòng cốt sinh hoạt ghép với Tân Kiên, An Lạc có đồng chí Nguyễn Văn Thậm (Bảy Thậm) và đồng chí Nguyễn Văn Thọ (Bảy Lùn).
Sau khi Xứ ủy ra đời, hệ thống Đảng ở Chợ Lớn được xây dựng lại. Trung Quận và các quận trong tỉnh đều có Quận ủy. Hệ thống chỉ đạo từ Xứ ủy đến tỉnh, quận, tổng, làng đều thông suốt. Đồng chí Bảy Trân tham gia Xứ ủy, đồng chí Nguyễn Văn Trân từ năm 1942 cho đến 1944 là người có vai trò mở thông liên lạc, bảo vệ, nuôi nấng các đồng chí ra tù, nhà đồng chí Trân và vùng Phú Lạc xã Phong Phú là nơi đi về của cán bộ Đảng các cấp.
Cuối năm 1944, những dấu hiệu Nhật hất cẳng Pháp ngày càng xuất hiện.
Ngay trong đêm 9/3/1945, giữa lúc Nhật nổ súng đánh Pháp, Hội nghị mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta họp ở làng Đình Bảng huyện Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh do đồng chí Trường Chinh chủ trì. Hội nghị khẳng định, cuộc đảo chính của Nhật hất cẳng Pháp đã nổ ra. Hội nghị dự đoán sự thất bại của quân đội Pháp, sự thắng lợi tạm thời của quân đội Nhật và cho rằng sau cuộc đảo chính này, phát xít Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể, trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương và đề ra khẩu hiệu “đánh đuổi phát xít Nhật” để thành lập “chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Ngày 12/3/1945, Đảng ta ra chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng trong cao trào chống Nhật cứu nước dẫn tới trực tiếp của tổng khởi nghĩa Tháng Tám.
Tháng 4 và tháng 5 năm 1945, là những tháng mà cuộc chiến tranh thế giới lần thứ II ở vào giai đoạn kết thúc. Ngày 16/4/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch tiến công Beclin, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, 450.000 quân phát xít đã bị tiêu diệt tại sào huyệt của chúng. Ngày 9/5/1945, Đức ký bản đầu hàng Liên Xô và các nước Đồng Minh không điều kiện.
Ngày 9/6/1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật. Trong vòng một tuần lễ, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt hoàn toàn 1.000.000 quân Quan Đông thiện chiến của Nhật. Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và các lực lượng chống phát xít đối với bọn quân phiệt Nhật đã chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ II, tạo điều kiện giải phóng cho các nước thuộc địa và nửa thuộc địa ở châu Á.
Ngày 13/8/1945, Đảng ta họp Hội nghị toàn quốc tại Tân Trào (Tuyên Quang) và thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc. Ngay sau khi thành lập Ủy ban Khởi nghĩa Toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1 “Hạ lệnh tổng khởi nghĩa”.
Ngày 15/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng Đông Minh. Tin quân Nhật đầu hàng Đồng Minh đã nhanh chóng truyền đi trên khắp đất nước, thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong các tầng lớp nhân dân trong cả nước lên cao.
Ngày 19/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi
Ngày 23/8/1945, cuộc khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi.
Tại Nam Kỳ, ngày 15/5/1945, Xứ ủy Tiền Phong[2] lập Ủy ban Khởi nghĩa.
Ngày 16/8/1945, Xứ ủy Tiền Phong họp Hội nghị mở rộng tại Tân Kiên thuộc Chợ Đệm (huyện Bình Chánh). Trong hội nghị này phần lớn các đại biểu tham dự cho rằng “Thời cơ đã chín muồi ta có thể khởi nghĩa ở Sài Gòn vào ngày 17 hoặc 18”. Tuy nhiên vẫn còn một số đại biểu chưa tán thành với lý do “Quân Nhật ở Sài Gòn còn đông”. Do còn những ý kiến chưa thống nhất nên hội nghị phải ngưng lại.
Ngày 20/8/1945, Mặt trận Việt Minh ra công khai ở Thành phố, một khí thế hừng hực cách mạng lan tỏa trong tất cả các tầng lớp nhân dân Thành phố nói chung và nhân dân Trung Quận nói riêng.
Sáng ngày 23/8/1945, nhận được tin Tân An khởi nghĩa thí điểm thành công, Xứ ủy họp hội nghị khẩn cấp và quyết định cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn sẽ nổ ra vào đêm 24 rạng sáng ngày 25 tháng 8.
Sáng ngày 25/8/1945, lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng nhân dân Trung Quận, Đức Hoà, Cần Guộc, Cần Đước hàng ngũ chỉnh tề (trong đó có đông đảo người Hoa) đã lên Sài Gòn để dự mít tinh tuần hành và lễ ra mắt Lâm ủy Hành chánh Nam Bộ. Trên đường đi lên thành phố họ đã hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng trong tay với khúc hát “Lên đàng”. Cùng trong ngày 25/8/1945 các làng ở Trung Quận như: Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo, Bình Trị Đông, An Phú Tây, Tân Túc, Vinh Lộc, Hưng Long, Qui Đức đã giành được chính quyền. Đến trưa ngày 25/8/1945 tất cả các làng ở Trung Quận đều có chính quyền cách mạng.
Vinh quang này được xây bằng máu xương bao thế hệ. Ước mơ này đã thành sự thật. Tên Phủ Bắc phải cúi đầu nhận tội trước bà con Tân Tạo, Hương quản Kiên tự vận trước ngày vui của bà con Long Hưng Hạ.
Trưa ngày 25/8/1945, ta cướp chính quyền ở Chợ Lớn. Các làng Trung Quận nhiều nơi đã cướp chính quyền ngay trong đêm 24/8 như Tân Kiên thành lập ngay Ủy ban Nhân dân gồm các đồng chí: Sáu Bộ, Sáu Hoành, Hai Búp, Bảy Hồ, Tám Khai.
Các làng Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Tạo, Bình Trị Đông, An Phú Tây, Tân Túc được Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ trang bị cho mỗi nơi 10 súng các loại (súng trường, súng hai nòng, súng lục).
Làng Tân Tạo, từ tháng 4/1945, nhiều cuộc mít tinh thị uy đã được tổ chức. Ngày 18/8/1945, Tân Tạo đã có nhiều cuộc biểu tình lớn có vũ trang gậy tầm vong vạt nhọn, súng tự tạo, đoàn biểu tình ra tới nhà thờ Tin Lành mới giải tán, bọn tề làng không dám có hành động chống đối. Ngày 25/8/1945 tham gia cuộc biểu tình ở Thành phố, đoàn Tân Tạo đông đến hơn 1000 người được trang bị 4 súng trường, 2 súng lục, giáo mác, gậy tầm vông v.v... Đến tối 25/8/1945, Tân Tạo đã có một lực lượng vũ trang mạnh nhất Trung Quận lúc đó gồm 19 súng trường, 1 tiểu liên, 1 trung liên, 2 súng lục, 2 súng 2 nòng, chỉ huy lực lượng vũ trang là 2 đảng viên Phạm Văn Bốn và Bùi Văn Thiểu.
Ngày 26/8/1945, Ủy ban Nhân dân Lâm thời làng Tân Tạo ra mắt đồng bào có các đồng chí:
- Võ Văn Hoa Chủ tịch
- Bùi Văn Thiểu Phó Chủ tịch
- Nguyễn Văn Nên Tổng thư ký
- Nguyễn Văn Vinh Thư ký
- Lê Công Nga Ủy viên
- Đặng Văn Trọng Ủy viên
- Nguyễn Văn Thiệt Ủy viên
Ngày 25/8/1945, đoàn biểu tình của An Lạc có 7 khẩu súng và được trang bị nhiều vũ khí thô sơ do đồng chí Bộ chỉ huy đoàn Bình Đăng - Chánh Hưng có 2 tiểu đội vũ trang với súng và giáo mác, gậy, tầm vông.
Rạng sáng ngày 24/8/1945, đến trưa cùng ngày ta đã nắm chính quyền các làng Tân Tạo, Tân Nhựt, Bình Trị Đông, Hưng Long, Qui Đức.
Đến trưa ngày 25/8/1945, tất cả các làng ở Trung Quận đều có chính quyền cách mạng.
Quần chúng cách mạng làng Vinh Lộc đã tham gia biểu tình ở Thành phố có mặt trong đoàn người đi cướp chính quyền ở Tòa bố Gia Định. Lúc 12 giờ trưa ngày 25/8/1945, cờ đỏ sao vàng phất phới bay trên nóc nhà việc Vinh Lộc.
Vườn thơm, lực lượng được tổ chức thành hai bộ phận tham gia cướp chính quyền ở Long Hưng Hạ, Tân Kiên, Tân Tạo.
Sau ngày 25/8/1945, đồng chí Nguyễn Văn Trân được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính Cần Giuộc. Đồng chí Bảy Trấn trở thành Giám đốc Quốc gia tự vệ Cuộc đầu tiên ở Nam Bộ. Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn ngày cướp chính quyền là đồng chí Hoành - Chủ tịch chính quyền lâm thời của tỉnh, Võ Lợi Trinh - Bí thư Trung Quận, Nguyễn Văn Tuôi (Sáu Tuôi).
Ngày 2/9/1945 nhân dân Trung Quận - Chợ Lớn có mặt trong cuộc biểu tình hơn một triệu người ở Sài Gòn đề mừng ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập và khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì lý do kỹ thuật, hôm đó tiếng nói của Bác Hồ không đến với đồng bào Sài Gòn và Nam Bộ[3] được. Đồng chí Trần Văn Giàu - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đứng ra kêu gọi nhân dân siết chặt hàng ngũ xung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập tự do. Cuộc mít tinh tuần hành của ta, xung quanh nhà thờ Đức Bà, bọn thực dân Pháp bắt đầu từ các lầu cao nổ súng bắn vào các đoàn người diễu hành làm 47 người vừa chết vừa bị thương. Lực lượng vũ trang ta nhanh chóng đè bẹp bọn khiêu khích, đồng bào vô cùng phẫn nộ, sẵn sàng đối phó với bọn thực dân.
Cách mạng Tháng Tám thành công đưa đến việc ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, cùng với nhân dân cả nước nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong đó có nhân dân vùng Trung Quận từ thân phận của người dân mất nước trở thành người dân có chủ quyền quốc gia được thế giới thừa nhận. Từ đây cuộc sống của nhân dân Trung Quận bước sang một thời kỳ mới: Thời kỳ đấu tranh để bảo vệ nền độc lập của dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân Đảng viên Đảng Cộng sản Pháp 1927
Hoạt động cách mạng ở Trung Quận những năm 1930 – 1945-
Chủ tịch tỉnh Chợ Lớn 1948
Đồng chí Nguyễn Văn Tuôi
Bí thư Quận ủy Trung Quận (1940)
Đồng chí Nguyễn Văn Chí
Bí thư Huyện ủy Trung Huyện (1945)
Di tích gò chùa Cao Đài (Phong Phú) điểm liên lạc TW với Xứ ủy Nam bộ,
đồng thời là nơi Tỉnh ủy Chợ Lớn ở hoạt động những năm 1931 - 1932
Di tích nhà đồng chí Bảy Thọ (Tân Kiên) – nơi Xứ ủy Nam kỳ họp quyết định cuộc khởi nghĩa cách mạng tháng Tám - 1945
[1] Văn kiện Đảng (1939-1940) Nxb Chính trị Quốc gia.
[2] Thời gian này ở Nam Kỳ có hai hệ thống tổ chức Đảng gọi là Xứ ủy Tiền Phong và Xứ ủy Giải Phóng.
[3] Từ sau Cách mạng tháng Tám bỏ tên gọi Nam Kỳ thay băng gọi là Nam Bộ.