Sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Nichxơn đã đề ra chiến lược toàn cầu và được báo chí Mỹ tâng bốc là “Học thuyết Nichxơn”. Vận dụng vào chiến tranh Việt Nam, chúng hình thành “Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh”. Nội dung chủ yếu của “Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh” là:
1. Xây dựng quân đội Viêt Nam Cộng hòa đủ mạnh để thay quân Mỹ, đứng vững ở miền Nam Việt Nam (đưa tổng quân số lên trên một triệu tên).
2. Bình định nông thôn miền Nam Việt Nam, kiểm soát đất đai và dân chúng, coi đây là nhân tố sống còn của Việt Nam hóa chiến tranh.
3. Củng cố hệ thống ngụy quyền các cấp để ổn định tình hình chính trị, kinh tế ở miền Nam Việt Nam.
4. Thực hiện chiến tranh “bóp nghẹt”, chia cắt miền Nam với miền Bắc, Lào và Cămpuchia.
Kế hoạch của Việt Nam hóa chiến tranh được chia làm ba giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Từ năm 1969 đến tháng 6/1972 với những mục tiêu: Chuyển giao nhiệm vụ chiến đấu trên bộ cho quân đội Sài Gòn; Rút quân Mỹ về nước (đại bộ phận); Dùng chương trình bình định quét sạch cơ sở cách mạng ở nông thôn và thành thị. Đây là giai đoạn quyết định nhất.
- Giai đoạn 2: Chuyển giao quyền chỉ huy không quân và hải quân cho quân đội Sài Gòn và do quân đội Sài Gòn đảm nhiệm hoàn toàn quy mô tác chiến.
- Giai đoạn 3: Chiến tranh lụi tàn Việt Nam hóa chiến tranh hoàn thành.
Trong “Chiến lược Viêt Nam hóa chiến tranh”, khác với trước Mỹ rất coi trọng chương trình bình định với “Kế hoạch Phượng hoàng”, nhằm trước hết đánh vào các tổ chức của Đảng Cộng sản, vào các cơ sở hạ tầng, các đoàn thể quần chúng bí mật và công khai do Đảng lãnh đạo. Chúng cho rằng tiêu diệt được đảng viên, cán bộ và tổ chức đảng là “khâu then chốt” nhất trong công tác bình định và trong “Chương trình Phượng hoàng”. Khẩu hiệu của chúng “giết lầm còn hơn bỏ sót” .
Về phía ta, trước sự đánh phá ác liệt của địch, tháng 3/1969, Thành ủy họp Hội nghị và ra Nghị quyết Bình Giã II. Nghị quyết chỉ rõ: “Địch đã thay đổi phương thức, thủ đoạn nhằm tăng cường đàn áp, bắt bới, đẩy mạnh bình định và kềm kẹp, đã gây cho ta nhiều lúng túng, nhất là lực lượng cách mạng ở cơ sở. Hoạt động của một số chi bộ, chi đoàn còn rời rạc, chưa tập hợp được quần chúng. Một số cán bộ bị bắt đã khai báo làm cho nhiều cơ sở cách mạng tiếp tục bị tổn thất”.
Xuất phát từ tình hình trên, Nghị quyết Bình Giã II đã đề ra 10 công tác cụ thể cho mùa Hè năm 1969.
Đầu năm 1969, địch tăng cường càn quét, đánh phá đẩy chủ lực ta ra xa các vùng trọng điểm, đồng thời dùng nhiều biện pháp phối hợp chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, chiến tranh gián điệp, hoạt động đảng phái, tôn giáo nhằm chống lại chiến tranh nhân dân của ta.
Xa lộ vành đai phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn nằm trong phạm vi huyện Bình Chánh gần phân nửa. Vành đai Bắc Nam là con đường Phạm Thế Hiển ngày nay, phân nửa (trừ phần Tân Thuận) là các xã Nam Bình Chánh. Đoạn đầu đường quốc lộ 4, đoạn đầu đường đi Tây Ninh, một phần quan trọng của tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 50, sông Chợ Đệm, sông Cần Giuộc đều đi qua đất Bình Chánh. Nếu đường số 1 quan hệ sống còn với chiến trường miền Đông thì lộ 4 là cái dạ dày của Sài Gòn. Do vậy, Mỹ ngụy quyết tâm bình định cho được huyện Bình Chánh.
Chỗ dựa của cách mạng ven đô Sài Gòn ở hướng Tây Nam chính là Vườn Thơm - Tân Nhựt đối với cánh Bắc, đối với cánh Nam là Hưng Long Qui Đức, những nơi này khi tiến có thể đột vào Sài Gòn nhanh chóng. Vườn Thơm - Tân Nhựt ăn thông với Đồng Tháp Mười, Ba Thu, sau lưng Hưng Long là một vùng đồng bưng rộng lớn giáp Long An. Địch quá rõ điều này. Năm 1969-1970, nhiều trận ném bom pháo kích hủy diệt lại diễn ra ở các xã Bình Lợi càn quét dồn dân lập ấp chiến lược ở Tân Nhựt, ở Vĩnh Lộc. Đồng bào Vĩnh Lộc hơn 90% hộ bị địch đánh dấu đỏ, bọn địch nhận xét “Dân Vĩnh Lộc từ chí đến mén đều là Việt Cộng”. Đến như An Phú Tây mà dân cũng đào hầm nuôi Việt Cộng. Các cụm pháo Khai Vinh, Bình Chánh, Rạch Kiến, Gò Đen, Bến Lức, Đức Hòa, Thái Văn Minh ngay đêm rót đạn vào các lõm du kích ở Bình Chánh. Trực thăng soi đèn bắn phá cả ban đêm. Chiến thuật “Bóc vỏ trái đất” được đưa ra thực hành ở Bình Hưng Hòa. Củng cố các khu công giáo di cư ở cầu Xáng, khu Bình An (Nhị Thiên Đường - cầu Bà Tàng)… Tung bọn áo đen khăn rằn quấn cổ (bình địnnh nông thôn) về thôn xóm nghĩa là địch tìm đủ mọi cách đánh ta. Chúng ta nhất thời có khó khăn và bị thiệt hại. Trong những ngày khó khăn này cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang vẫn bám sát địch diệt ác trừ gian. Công tác binh vận xây dựng nội tuyến vẫn được tiến hành. Bình Chánh không phải là “vùng trắng”, cách mạng Bình Chánh chưa bao giờ mất địa bàn.
Cuộc đánh phá có tính chất huỷ diệt Vườn Thơm lần thứ 3 kéo dài từ đầu năm 1969 cho đến năm 1971, đây là lần đánh phá kéo dài gấp đôi và ác liệt hơn hai lần trước. Người già ốm yếu và trẻ em phải đi sơ tán sang các xã lân cận, một ít lên Ba Thu. Số còn lại vẫn bám địa phương giữ ruộng vườn tiếp tục hoạt động như đồng chí Hai Cò, Chín Thương, Bảy Thì, Ba Mãnh, Ba Thì, Năm Dựa và một số cán bộ, đảng viên khác. Các đồng Chí đã tự tổ chức cho mình một nếp sống thích nghi với hoàn cảnh khó khăn ác liệt, nhiều lúc đồng bào phải ra đồng sản xuất vào lúc xẩm tối ban đêm. Các đồng chí du kích gài mìn bẫy chông trên đường địch thường qua lại gây cho chúng nhiều thương vong. Từ ngày 4/8/1969 đến 23/12/1969, địch vừa chết vừa bị thương 41 tên làm địch lo sợ không dám lùng sục như trước. Nhờ đó, đồng bào đi lại dễ dàng, lúc vắng máy bay có thể ra đồng sản xuất. Các lực lượng vũ trang Bình Tân, Bến Lức tập hợp lại thành bộ đội Liên Huyện, cuối năm 1969 bước sang 1970 nhiều trận đánh lẻ phục kích diệt hàng trăm tên địch. Các sinh hoạt dần được phục hồi, đồng bào trở về Vườn Thơm ngày càng đông hơn.
Địch đưa lữ đoàn 199 cùng với hai tiểu đoàn ngụy về Tân Nhựt càn quét chốt giữ ấp 2, 3, 5 đều có đồn địch. Ngoài ra bọn bình định áo đen còn trà trộn vào xóm rình rập đốn phá lùm bụi, kềm kẹp dân một cách gắt gao, trung bình 6 người dân có 1 tên lính, đồng bào đi làm ruộng không được mang gạo theo, chỉ được mang cơm vắt vừa đủ ăn bữa trưa. Nhiều ruộng đất bị bỏ hoang, đồng chí Bí thư và 3 xã đội trưởng liên tiếp bị hy sinh, 14 du kích chỉ còn lại 6 người. Tên Út Đèo nguyên là cán bộ hậu cần phân khu 2 đã phản bội dẫn địch về lùng sục khắp nơi đánh phá cơ sở. Đảng viên và cán bộ vẫn bám dân, tổ chức gài trái bẫy lựu đạn để đánh địch, đồng bào kiên quyết đấu tranh với địch đòi được đi sớm về tối để ra đồng làm ruộng, đòi được che chòi ở ngoài ruộng để núp nắng, núp mưa, nhờ đó đồng bào có thể làm hầm tiếp tế, nuôi dấu du kích cán bộ.
Tân Túc, Chợ Đệm, Tân Kiên cũng bị địch kềm kẹp khống chế gắt gao. Song lõm du kích Gò Làng ở Tân Túc vẫn tồn tại, bà con Chợ Đệm vẫn tiếp tế lương thực tiền bạc, nuôi các đồng chí bí mật hoạt động ở địa phương.
Xã An Phú Tây nơi giặc huyênh hoang khoe đã kiểm soát được 90% dân số và lãnh thổ, nhưng chi bộ Đảng do đồng chí Tư Hiệp làm Bí thư gồm các đảng viên như Năm Phật, Tư Trẹt và quần chúng tích cực như Trang Sĩ Hai, ông Năm Nghệ vẫn hoạt động. Năm 1969, An Phú Tây vẫn còn cơ sở Đảng, vẫn còn đảng viên.
Nhiều ấp chiến lược được địch lập ra ở Tân Tạo, Bình Trị Đông. Trên xa lộ vành đai, địch lập nhiều đồn bót ngăn chặn, trong đó có một đồn lớn, đồn Thái Văn Minh đặt pháo bắn phá vùng xung quanh. Một hệ thống ấp chiến lược từ Hóc Môn ngang qua Tân Tạo xuống tới Bến Lức. Vùng cầu Bà Lát tiếp giáp Vườn Thơm chúng lập khu “Hòa đồng tôn giáo” hay còn gọi là khu “Tái thiết” địch dồn về đây các gia đình có đạo như: đạo Phật, Cao Đài, Thiên Chúa… Địch đóng một đại đội để bảo vệ khu tái thiết đồng thời án ngữ mật khu Vườn Thơm. Vườn tược lùm bụi ngoài ấp chiến lược đều bị phá, rải chất độc hóa học, ném bom. Lính ngụy và bọn chỉ điểm thường xuyên lùng sục, dùng chĩa xăm hầm. Mặc dù khó khăn, song chi bộ Đảng vẫn bám dân tồn tại. Lực lượng du kích thường xuyên gài mìn, lựu đạn phục kích đánh địch, xây dựng căn cứ lõm ở Vườn Lớn. Láng Triều ở ấp Tân Lợi Tây anh em ta gọi căn cứ ở lõm này bằng mật danh “Khe Sanh”. Nhiều tổ du kích mật được xây dựng ngay trong ấp chiến lược, một số phòng vệ dân sự của giặc lại là du kích mật của ta. Nhiều đội viên du kích mật hoạt động có hiệu quả, khi bị giặc bắt tra tấn vẫn giữ bí mật cơ sở không khai báo, như trường hợp anh Lê Công Đúng. Tên Nguyễn Văn Bảy là đội viên bộ đội địa phương Huyện đầu hàng giặc đưa lính về bắt đồng chí Huỳnh Văn Minh Xã Đội trưởng Tân Tạo, trong người đồng chí Minh có một bản báo cáo địch tình, chúng dùng phương pháp giả tự phát hiện được chữ đó là do anh Đúng viết nên bọn lính ngụy bắt cả hai cha con tra tấn và bỏ tù. Ở Tân Tạo có nhiều thanh niên và cả thiếu niên tham gia du kích mật, trong khu tái thiết có một nhóm du kích gồm các em Đặng Văn Thạc, Đặng Thị Lạc, Lê Thị Kiệu, Nguyễn Văn Chua và Trương Văn Sáu có biệt danh “Hủ Tiếu” cùng một số em khác đã giúp đỡ cơ sở cách mạng nắm tình hình địch, tiếp tế liên lạc rải truyền đơn treo cờ, gài lựu đạn đámh địch rất có hiệu quả. Nhiều bà con trong ấp chiến lược đào hầm nuôi giấu cán bộ hoạt động ngay trong ấp như gia đình các bà Nguyễn Thị Chạm, Nguyễn Thị Anh, Huỳnh Thị Điền, Phan Thị Bì, các ông Đỗ Văn Đây, Phạm Văn Khởi, Bùi Văn Cầu… Công tác trừ gian diệt ác được các đồng chí Tân Tạo hoàn thành xuất sắc, ba tên công an bị ta diệt là Cu, Chia, Mạ còn lại một tên là Sơn Tự cho chạy thoát, hai trưởng ấp cũng đã bị trừng trị.
Vùng thị trấn An Lạc, chi bộ Đảng và các đảng viên vẫn bám được dân hoạt động bí mật, địch không phát hiện được, cơ sở Đảng tại đây tồn tại đến 30/4/1975.
Ở Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa địch bắn phá ác liệt, dùng xe ủi phá địa hình, phá hầm bí mật, chúng gọi là “Bóc vỏ trái đất”. Ngoài lính chính quy và địa phương quân, ngụy quyền còn cho bọn lính áo đen “Bình định nông thôn” về bám nhà dân dò xét từng hộ. Chúng còn giở thủ đoạn hèn hạ, cưỡng ép, bức hiếp các nữ cán bộ, vợ con đồng chí ta nhằm chia rẽ, phá hoại tình cảm gia đình. Địch treo giải thưởng 50.000đ cho ai bắt được các đồng chí Năm Ngon - Bí Thư chi bộ Vĩnh Lộc A, Hai Sơn - Bí thư chi bộ Vĩnh Lộc B, Tám Xám - Bí Thư Tân Túc. Mỗi chi bộ chỉ còn 3 hoặc 4 đảng viên. Du kích xã chỉ còn vài đồng chí. Những năm khó khăn ác liệt 1969-1970 vai trò các bà mẹ trong Hội mẹ chiến sĩ rất quan trọng, không quản ngại nguy hiểm hy sinh tù tội, các má là cầu nối giữa chi bộ Đảng và nhân dân, các má rải truyền đơn, đào hầm, tiếp tế lương thực làm công tác binh vận, sau này tổ chức du kích mật trong hàng ngũ nhân dân tự vệ, các má cũng đã góp phần quyết định.
Vùng Tân Phước những năm 1969-1971, quân Mỹ đóng chốt càn quét liên tục 6 tháng liền ở Bình Hưng. Lính Mỹ đóng 2 đồn trên 2 điểm cao trong xã: một ở chùa Thiên Từ ấp 2; một ở Gò Cao ấp 3. Bọn lính ngụy rải quân cắt đứt đường liên lạc đi Nhà Bè, Bình Hưng, Phong Phú. Chúng lùa dân đi phá mìn, phá địa hình, phát hoang, bắt dân đốn lá dừa, phá lùm, hàng ngày bắn vào bất cứ nơi nào chúng nghi ngờ. Sau khi quân Mỹ rút quân ngụy vào thế chân, các ấp xóm đều có đồn ngụy quân, bọn chỉ điểm ác ôn phối hợp với bọn tề ngoan cố ngày đêm rình bắt cán bộ, truy bắt các gia đình có quan hệ với cách mạng. Nguy hiểm nhất là bọn áo đen (bình định nông thôn) bọn này chia nhau ra ở trong nhà dân gọi là ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), kềm kẹp đồng bào ngày đêm. Tháng 3/1969, Nguyễn Văn Thiệu ra luật “Người cày có ruộng” một lần nữa bọn địa chủ có điều kiện cướp ruộng của dân, giành ruộng tốt cho thuê mướn lấy tô, tên Xã trưởng Mỹ là một trong những tên gian xảo cướp nhiều ruộng của bà con. Trước tình hình khó khăn nói trên, một số cán bộ, đảng viên bị lộ mặt phải sang ở Nhà Bè. Để phá thế kềm kẹp của địch, lực lượng vũ trang đã về hỗ trợ địa phương, tập kích một loạt đồn bót của địch ở ấp 2, 4, 5 xã Bình Hưng. Uy hiếp đồn, giặc co cụm không còn hung hăng như trước.
Những năm khó khăn này các cấp ủy Đảng và cơ sở chịu nhiều tổn thất, đồng chí Hai Râu - Bí thư Ban cán sự Bắc Bình Chánh hy sinh cuối năm 1969. Đồng chí Ba Đức thay đồng chí Hai Râu hy sinh tháng 6/1970. Đồng chí Chín Đực được cử làm Bí thư thay đồng chí Ba Đức chưa đầy 20 ngày, đi dự hội nghị ở phân khu trên đường về bị địch bắt. Sau đó đồng chí Lê Văn Thanh (tức Sáu Thanh) được cử về làm Bí thư của vùng II tức huyện Bình Chánh. Từ tháng 7/1968, Phân khu 2 và Phân khu 3 sáp nhập thành Phân khu 23 do đồng chí Chín Cần làm Bí thư, huyện Bình Chánh thuộc Phân khu 23.
Thực hiện chủ trương của cấp trên năm 1970, Huyện ủy Bình Chánh ra sức xây dựng, củng cố lực lượng du kích, kể cả xây dựng các tổ du kích mật trong nhân dân tự vệ của địch, đẩy mạnh công tác binh vận, diệt ác phá tề, phá thế kềm kẹp của địch.
Mặc dù địch khủng bố tàn bạo, kềm kẹp gắt gao, các chi bộ Đảng và cơ sở cách mạng ở xã Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa, Tân Tạo, An Lạc, Bình Hưng vẫn duy trì được phong trào đấu tranh chính trị đòi dân sinh dân chủ tại địa phương, tham gia phong trào phụ nữ đòi quyền sống của bà Ngô Bá Thành ở Sài Gòn. Tuy quy mô không lớn nhưng thường xuyên, liên tục có tác dụng nâng cao lòng yêu nước, chống Mỹ, chống bọn tay sai.
Những năm 1969-1970, là những năm chúng ta gặp nhiều khó khăn, chịu nhiều hy sinh mất mát, giữa lúc đó tin Bác Hồ qua đời ngày 2/9/1969 đến với đồng bào miền Nam. Bác ra đi là một mất mát lớn đối với dân tộc. Nhớ lời dạy của Bác, biến đau thương thành sức mạnh.
Khó khăn của chúng ta, trong những năm này chỉ là khó khăn tạm thời, có đường lối chỉ đạo đúng của Đảng, chúng ta sẽ khắc phục được, phong trào cách mạng sẽ phát triển. Với nhận định trên và có lòng tin sắt đá nên từ Huyện ủy đến đảng viên, quần chúng cách mạng bám trụ địa phương, để tiêp tục đấu tranh chống địch.
Lực lượng của địch trong những năm 1969-1070, tuy quân đông, súng nhiều nhưng đang ở thế đi xuống, Việt Nam hóa chiến tranh là một bước lùi chiến lược của kẻ thù, sớm muộn gì Mỹ cũng sẽ cút khỏi miền Nam.
Tháng 8/1969, Mỹ bật đèn xanh cho quân Thái Lan phối hợp với bọn Phỉ Vàng Pao đánh chiếm Cánh đồng Chum (Lào).
Tháng 4/1970, Mỹ ngụy liều lĩnh tung 100.000 quân đánh vào Cămpuchia, trọng điểm là Mỏ Vẹt “Lưỡi câu để phá 15 cứ điểm của Việt Cộng và tóm gọn Trung ương Cục miền Nam (lời của tướng Abram)”. Trước đó tháng 3/1969, Mỹ cho máy bay B52 ném bom liên tục vùng đất giáp biên giới Việt Nam. Cuộc hành quân sang Cămpuchia được Mỹ đặt cho cái tên “Toàn thắng 43”. Ngay tuần đầu gần 800 tên Mỹ - ngụy bị giết.
Được tin quân Mỹ vượt biên giới, nhân dân Mỹ phản đối kịch liệt, dư luận thế giới lên án, đồng đô la Mỹ bị xuống giá. Tổng thống Nichxơn ra lệnh rút quân khỏi Campuchia với lý do: Gió mùa Tây Nam sẽ thổi đến vào ngày 1/6 cản trở các cuộc hành quân quy mô. Theo số liệu Mỹ công bố kết quả chiến dịch “Toàn thắng 43” là: 339 tên Mỹ chết, 1.500 tên bị thương, 866 lính ngụy chết, 3.724 tên bị thương.
Tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam và Hội Đồng cố vấn chính phủ đã được thành lập do luật sư Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch đoàn Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam làm Chủ tịch.
Tháng 7/1970, Hội nghị Trung ương lần thứ 18 họp kiểm điểm tình hình đề ra chủ trương mới nhằm đẩy mạnh kháng chiến ở miền Nam, quyết tâm thủ tiêu chính sách bình định nông thôn của giặc, đánh bại Việt Nam hoá chiến tranh.
Sau cuộc đổ quân vào Campuchia, theo lệnh Mỹ bọn nguỵ lại mở “Chiến dịch Lam Sơn 719”. Mở đầu cuộc hành quân là mưa bom B52, pháo bắn theo sau rồi trực thăng, phản lực gầm rú, xe tăng đi trước bộ binh theo sau. Đây là cuộc hành quân cấp quân đoàn với tham vọng triệt phá đường chi viện cho chiến trường miền Nam của quân ta. Nhưng chúng đã thất bại thảm hại, ta đánh tan lữ đoàn dù chủ công của địch, bắt sống tên đại tá Thọ lữ đoàn trưởng. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của quân ngụy trên đường 9 Nam Lào hoàn toàn bị bẻ gãy.
Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, ta khôi phục được thế tiến công phối hợp 3 thứ quân. Từ mùa khô năm 1970 nhiều vùng như Dầu Tiếng, Bến Cát thế chiến tranh nhân dân dần dần phát triển mạnh. Ở ven đô, dân bung về vùng đất cũ làm ăn ngày càng nhiều. Lực lượng võ trang, biệt động nội thành được xây dựng lại ở Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh.
Phong trào đánh phá chương trình bình định nông thôn của Mỹ bắt đầu dâng cao. Những năm 1969-1970, cán bộ, đảng viên ở Bình Chánh vẫn bám trụ tại chỗ, ai chưa bị lộ thì hoá trang sống công khai trong dân, ai bị lộ thì ban ngày nằm trong hầm đến tối lên hoạt động. Anh em ở vùng trũng đồng bưng, lúc địch càn, thì núp dưới lùm dừa nước. Lúc trong xóm ấp có lính hay bọn bình định nông thôn thì tạm lánh qua xã khác.
Trong năm 1970, Khu Sài Gòn - Gia Định đã có 18 tập thể và 20 cán bộ chiến sĩ được phong tặng danh hiệu, trong số này có:
- Đại đội I, bộ đội địa phương huyện Bình Chánh.
- Dân quân du kích xã Vĩnh Lộc huyện Bình Chánh.
- Dân quân du kích xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh.
- Phạm Văn Hai bộ đội đặc công
- Lê Minh Xuân bộ đội Bình Chánh
Sau khi lập lại huyện Bình Chánh, Huyện ủy hạ quyết tâm đánh phá chương trình bình định tháo bỏ kềm kẹp của giặc, trừng trị bọn phản động, chỉ điểm, bọn ác ôn tề điệp có nợ máu với cách mạng, với nhân dân. Quần chúng vốn đã căm thù giặc bao lâu nay nên bà con sẵn sàng hỗ trợ. Lực lượng vũ trang ta thông báo địch tình, chuẩn bị hậu cần, nơi ém quân, nghi trang che mắt địch bảo đảm bí mật, nhờ đó công tác trừ gian kết quả lớn. Tại Bình Trị Đông ta bắt diệt 10 tên, Tân Tạo 6 tên, Hưng Long, Qui Đức, Tân Nhựt, Đa Phước, Vĩnh Lộc nhiều tên ác ôn phải đền nợ máu.
Cuối 1970 bước sang năm 1971, các hoạt động võ trang được đẩy mạnh ở căn cứ Vườn Thơm, ta diệt hàng trăm tên địch, chính là nhờ các hoạt động vũ trang gấy dựng lại phong tráo cách mạng trong quần chúng, ổn định đời sống cho đồng bào, địch không dám quấy rầy đồng bào như trước, bọn địch bình định nông thôn hoảng sợ rút khỏi xóm ấp. Từ 1971 đồng bào dần dần che chòi dọc các kinh số 7, kinh số 8, trầm lầy 1 và trầm lầy 2, cán bộ, du kích ngoài đó có cuộc sống dễ thở hơn. Trong khi đó ở Cầu Xáng trong vòng kiểm soát của địch một số đảng viên do đồng chí Sáu Trương làm tổ trưởng đã móc nối được các quần chúng nòng cốt nên việc tiếp tế lương thực, thuốc men cho lực lượng võ trang ta được dễ dàng hơn.
Bước sang năm 1972, tình hình chiến trường ven đô theo chiều hướng có lợi cho cách mạng. Trong bối cảnh đó Vườn Thơm có điều kiện cũng cố thực lực, Hai xã Tân Bình và Tân Lợi hợp nhất thành xã Bình Lợi trực thuộc huyện Bình Chánh, chi bộ Đảng do đồng chí Thu làm Bí thư có 10 đảng viên. Đây là những đồng chí trải qua thử thách, từng bám trụ trong những ngày khó khăn. Lực lượng du kích hai xã tuy đã hợp nhất nhưng quân số vẫn còn ít so với yêu cầu nên trên đã tăng cường thêm cho số cán bộ chiến sĩ như đồng chí Mạo, Thân, Hục, Rục… bà con các nơi đang tiếp tục trở về vườn xưa đất cũ. Đây là lần thứ ba Vườn Thơm phục hồi. Một lần nữa nhân dân Vườn Thơm đã thắng giặc
Từ 1969-1970, địch luôn lo sợ mỗi khi đi càn lõm du kích ở Tân Túc, nếu không bị phục kích thì chúng cũng vấp vào mìn hay lựu đạn của quân ta. Ngày 19/4/1971, bọn lính Biệt khu kéo vào ấp 3, bị du kích chặn đánh diệt 9 tên, bên ta 1 du kích hy sinh. Tiếp theo ta lại phục kích địch ở cây Ô Môi thuộc ấp 3 đánh bọn Biệt động quân, Kết quả ta diệt 30 tên và một số bị thương.
Thời kỳ bình định cấp tốc, Tân Kiên là một trong những xã bị thiệt hại nhiều, bước sang năm 1971 phong trào cách mạng ở đây bắt đầu phục hồi và. Để phá thế kềm kẹp, tháng 10/1971, du kích cùng bộ đội địa phương đánh một đại đội ngụy đang chốt giữ ở ấp 1, diệt 21 tên và thu hàng chục khẩu súng. Cuối năm 1971, ta lại đánh bồi thêm một đại đội nguỵ đang chốt ở ấp 1, diệt 21 tên và thu hàng chục khẩu súng. Sau đó, lực lượng vũ trang Huyện phối hợp với đặc công của Phân khu 2, có du kích dẫn đường đánh đồn “ Than Thở” ở ấp 1, diệt 42 tên, bà con ấp 1 rất phấn khởi.
Lõm du kích Gò Xoài ở Bình Hưng Hoà được khôi phục, các tổ du kích được củng cố, huấn luyện và trang bị lại.
Nhiều chức sắc, tín đồ Cao Đài trong những năm địch thực hiện bình định cấp tốc, tiếp tục móc nối cơ sở cách mạng, giúp đỡ tài chính, lương thực. Ông Trần Văn Ngoan người Hưng Long là một chức sắc trong đạo “Bảo đàng thái thượng” thuộc Thánh thất đô thành, kiêm đại diện ngoại giao Cao Đài Bến Tre, đã chống lại Sắc luật 002/72 của Nguyễn Văn Thiệu, đấu tranh đòi miễn quân dịch cho các tu sĩ Cao Đài.
Nhiều chùa ở Hưng Long trong đó có chùa : Long Phước Tự có hầm bí mật chứa cán bộ lãnh đạo như đồng chí Đặng Văn Thép (Tám Thép) - Huyện uỷ viên phụ trách an ninh Nam Bình Chánh. Đồng chí Thép đã đứng chân ở đây khá lâu.
Từ năm 1971, trở đi các phân khu lần lược giả thể, Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập trở lại. Nam Bắc Bình Chánh trực thuộc Khu Sài Gòn - Gia Định, đồng chí Tám Phong được chỉ định làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Văn Thanh làm Phó Bí thư.
Ngày 20/5/1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định:
- Mở chiến dịch tấn công lớn trên 3 hướng chiến lược: Trị Thiên, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên.
- Mở các chiến dịch tiến công tổng hợp đánh phá, bình định, ở hậu phương chiến lược địch, trọng điểm là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Liên khu 5.
- Đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở đô thị làm rối loạn trung tâm đầu não địch tạo nên sự khủng hoảng, tạo thời cơ đấu tranh và nổi dậy ở các đô thị, phối hợp với các đòn tiến công chiến lược khác ghìm chân các lực lượng lớn của địch bảo vệ đô thị.
Đầu năm 1972, Thành ủy họp kiểm điểm tình hình và củng cố tổ chức, đồng chí Nguyễn Văn Linh - Phó Bí thư Trung ương Cục được cử về làm Bí thư Thành ủy, đồng chí Mai Chí Thọ - Phó Bí thư, các đồng chí Nguyễn Thành Thơ (Mười Thơ), Trần Hải Phụng là Ủy viên Thường vụ…Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định là đồng chí Trần Hải Phụng.
Hoạt động vũ trang ở Bình Chánh những tháng đầu năm 1972, đã hỗ trợ đồng bào trong các ấp chiến lược bung ra làm ăn. Sau Chỉ thị 08/CT-72, tháng 7 năm 1972 về công tác nông thôn của Thành uỷ, phong trào cách mạng ở nội thành và ven đô càng được củng cố và phát triển vững chắc hơn.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, đặc biệt là bị thất bại trong trận tập kích chiến lược bằng máy bay B52 vào Hà Nội, đế quốc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán và ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước vào ngày 27/3/1973.
Ngày 29/3/1973, tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Sài Gòn đã tổ chức lễ cuốn cờ, đánh dấu chấm dứt sự tham chiến của lính Mỹ trên chiến trường miền Nam.