Bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Để thực hiện chiến lược này, Mỹ đã ồ ạt đưa quân vào miền Nam và thúc ép một số nước đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Úc, Thái vào tham chiến. Việc đưa quân  Mỹ và các nước chư hầu trực tiếp tham gia chiến đấu, Mỹ hy vọng sẽ giành chiến thắng trong vòng từ 25 đến 30 tháng với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 7/1965 đến cuối năm 1965) triển khai nhanh lực lượng viễn chinh Mỹ phá kế hoạch mùa mưa của ta; Giai đoạn 2 (từ đầu năm 1966 đến cuối năm 1966), mở các cuộc hành quân chiến lược, giành thế chủ động chiến trường, tìm diệt chủ lực ta, bình định và kiểm soát vùng nông thôn; Giai đoạn 3 (từ tháng 7/1966 đến cuối năm 1967) hoàn thành việc tiêu diệt chủ lực của ta, chính quyền Sài Gòn hoàn toàn nắm miền Nam và rút quân Mỹ về nước.

Ngày 6/3/1965, Tổng thống L.Jonhson ra lệnh đưa lính Mỹ vào miền Nam.

Ngày 8/3/1965, 3.500 thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng.

Ngày 14/4/1965, lữ đoàn không vận Mỹ 173 đến miền Nam.

Cùng lúc với việc quân Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng, Tổng thống L.Jonhson đã ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam nhằm đưa miền Bắc nước ta trở về “thời kỳ đồ đá”.

Chưa đây hai tháng sau Hội nghị Honolulu ngày 13/6/1965 tướng Westmoreland đệ trình lên Tổng thống Mỹ một bản tường trình về chiến lược “Tìm và diệt”, trong bản tường trình này Westmoreland còn đề nghị ném bom mạnh hơn và phá cả đê điều ở sông Hồng miền Bắc Việt Nam.

Ngày 19/6/1965, Nguyễn Văn Thiệu tự phong làm Quốc trưởng.

Tháng 7/1965, Henry Cabot Lodge thay Taylor làm đại sứ của Mỹ tại Sài Gòn.

Ngày 20/7/1965, Hồ Chủ Tịch kêu gọi: “Đứng trước nguy cơ giặc Mỹ cướp nước, đồng bào miền Bắc và đồng bào miền Nam đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu. Dù phải chiến đấu 5 năm 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Chúng ta kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ngày 3/8/1965, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên bố: “Dù Mỹ có đưa thêm 5 vạn quân hay 50 vạn quân, dù trang bị bằng bất cứ vũ khí gì, bất kỳ chúng dặt chân lên bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta cũng kiên quyết đánh bại chúng, đánh cho tới khi không còn một bóng tên xâm lược nào trên dải đất thân yêu của chúnh ta”.

Các trận đánh của ta ở Bình Long, Vạn Tường, Đức Cơ, Phước Long, Đồng Xoài là sự cảnh cáo thích đáng đối với kẻ xâm lược.

10 giờ 55 phút ngày 30/3/1965, một khối thuốc nổ 150kg đã phát nổ làm sụp Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, 190 quan chức, nhân viên sứ quán Mỹ chết và bị thương, trong số này có Phó đại sứ Mỹ Alexis Johnson. Đây là trận đánh táo bạo nhất, dũng cảm nhất của đặc công ta vào cơ quan đầu não của giặc Mỹ.

Thực hiện “Kế hoạch X”, từ tháng 1/1965 nhiều cán bộ chiến sĩ ở ven đô được điều lên mật khu để huấn luyện, các đồng chí Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân và Nguyễn Văn Kịp (tức Đồng Đen) được gửi đi học tập. Khoảng tháng 4, tháng 5/1965, 5 tiểu đoàn mũi nhọn ở 5 hướng ven đô được tổ chức xong, đồng chí Lê Minh Xuân về Tiểu đoàn 6 về Bình Tân, đồng chí Phạm Văn Hai và Đồng Đen được bổ sung cho đặc công.

Sau 4 tháng xây dựng và huấn luyện, Tiểu đoàn 6 ra quân chặn đánh tiểu đoàn 61 ngụy trên lộ 10 gần cầu An Hạ vào ngày 31/4/1965 diệt nhiều tên và thu được một số vũ khí. Sau đó Tiểu đoàn 6 phối hợp với Tiểu đoàn 8 pháo binh của Quân khu pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất gây cho địch nhiều thiệt hại.

Ngày 7/5/1965, một tiểu đội du kích đã đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn biệt động quân số 33 tại Quán Chuối, địch chết và bị thương hàng trăm tên.

Đội 2 đặc công đứng chân ở Vĩnh Lộc - Bình Hưng Hòa bám sát sân bay Tân Sơn Nhất, nắm vững địch tình chuẩn bị tập kích địch.

Ngoài Tiểu đoàn 6 luôn có mặt ở Bình Tân, năm 1965 toàn huyện có 9 đội du kích tập trung với gần trăm tay súng các loại, sẵn sàng đánh địch.

Đêm 10/12/1965, đồng chí Đồng Đen cùng 12 chiến sĩ thuộc Đội 2 biệt động tập kích bọn Mỹ ở Ngã tư Bảy Hiền, phá hủy 98  xe (trong đó có nhiều xe tăng), diệt cả trăm tên địch, số sống sót bỏ chạy tán loạn. Trước khi rút lui các đồng chí phát loa giải thích chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và kêu gọi đồng bào chống Mỹ, ủng hộ cách mạng.

Mùa khô 1965-1966, Mỹ mở chiến địch 5 mũi tên nhằm đẩy quân ta ra xa Sài Gòn, bình định hạ tầng cơ sở ngoại ô Thành phố. Mũi tên hướng Tây Nam địch đánh ngang qua Bình Tân, Long An. Lực lượng chủ công mũi này là lữ đoàn 173 Mỹ và nhiều tiểu đoàn chủ lực ngụy, lính bảo an, nghĩa quân… chiến dịch kéo dài từ mùa khô 1965 đến bắt đầu mùa mưa 1966 mới chấm dứt. Chúng tiến hành làm 3 đợt: Đợt 1 đánh vào 2 bờ sông Vàm Cỏ Đông; Đợt 2 đánh vào Hựu Thạnh, Vườn Thơm - Bà Vụ, Thạnh Lợi; Đợt 3 tiếp tục đánh lại các vùng của đợt 2, nghĩa là chúng dùng chủ lực mạnh chà đi xát lại nhiều lần. Không chỉ bằng bộ binh mà cả máy bay, phi pháo, giang thuyền, thủy xa vận. Trong khi lực lượng Mỹ đánh vào hai bờ sông Vàm Cỏ, Vườn Thơm - Bà Vụ thì lực lượng ngụy quân bung ra càn quét liên tục những phần còn lại của Long An và Bình Tân. Quân Mỹ ngụy đi đến đâu đều gặp lực lượng võ trang ta chặn đánh. Ở Long An, chúng bị Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 269 đánh. Đến đất Bình Tân chúng bị Tiểu đoàn 6 đánh cho nhiều trận nên thân. Đặc biệt du kích xã và võ trang Huyện đã góp phần lập nên nhiều chiến tích đáng kể. Tại Vườn Thơm - Bà Vụ chúng không sao chiếm được đất, chúng phải dùng biện pháp dã man hèn hạ ném bom bắn pháo hủy diệt toàn bộ nhà cửa hai xã Tân Bình - Tân Lợi gây thiệt hại lớn cho đồng bào. Ở Tân Nhựt, được sự chi viện của Tiểu đoàn 1 (Long An) và Tiểu đoàn 6, du kích địa phương đã diệt đồn Bà Tà và đồn nghĩa quân Tân Nhựt, phá banh ấp chiến lược 1, 2, bọn tề điệp hoảng sợ chạy về bến đò Chợ Đệm. Du kích địa phương được xây dựng thành một trung đội mạnh, các lõm du kích được gài chông, bẫy, lựu đạn.

Năm 1965, là năm phong trào diệt ác phá kềm phát triển cao, cuối năm du kích Tân Túc đã gài mìn giết được tên ác ôn Tám Dê và 1 tên lính, những tên còn lại bỏ chạy. Tám Dê là tên giặc có nhiều nợ máu với cách mạng và đồng bào Tân Túc.

Năm 1965, là thời kỳ địch đưa chủ lực ngụy gồm nhiều tiểu đoàn thủy quân lục chiến đến càng quét dài ngày ở Bình Hưng, Phong Phú và Qui Đức. Du kích Qui Đức đã kết hợp Đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 5 phục kích đánh một đơn vị thuộc sư đoàn 25 ngụy diệt 70 tên. Đồng chí Phạm Tấn Mười ở Qui Đức đã lập chiến công diệt Mỹ bằng trái nổ tự tạo.

Trước áp lực của du kích và lực lựng võ trang ta, bọn lính Hưng Long và Tân Quý Tây bỏ chạy. Hưng Long nhiều năm là địa bàn trú chân của nhiều cán bộ các xã xung quanh như đồng chí Tư Hiệp - Bí thư An Phú Tây, đồng chí Sáu Trọng, Tám Thép cán bộ Huyện ủy Cần Giuộc, đồng chí Tư Thông Huyện ủy viên - Bí thư xã Qui Đức. Ở Hưng Long có nhiều gia đình nuôi nấng che giấu cán bộ, đảng viên ta từ những năm cách mạng còn gặp khó khăn cho đến năm 1965 như bác Phan Văn Mãn đã giúp đỡ che giấu đồng chí Tiến. Những năm 1959-1960, giúp đỡ đồng chí Tư Thông, năm 1963-1964 tiếp theo là đồng chí Sáu Trọng - Huyện ủy viên huyện Nhà Bè - Cần Giuộc - Cần Đước.

Cuối năm 1965, Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn tuyên bố: “đã giành lại thế chủ động trên chiến trường, bảo đảm cho ngụy quân không tan rã”.

Sang năm 1966, quân Mỹ bắt đầu phản công “tìm diệt Việt Cộng”. Trong khi các đơn vị lớn của Mỹ đánh phá vòng ngoài, ở vòng trong một số đơn vị Mỹ phối hợp với ngụy quân mở nhiều cuộc hành quân đánh phá hạ tầng cơ sở của cách mạng ở khắp nơi, chủ yếu là quanh Thành phố Sài Gòn. Để bảo vệ an ninh “thủ đô” chúng mở cuộc hành quân dài ngày với cái tên là “Rạng Đông”. Bọn Mỹ biết rằng muốn thắng ta trước hết phải tiêu diệt hạ tầng cơ sở của Việt Cộng, nắm được nông thôn, đạt được mục tiêu này mới có thể đánh gãy xương sống của Việt Cộng tiến tới chiến thắng hoàn toàn. Do đó kẻ địch luôn tìm trăm phương ngàn kế đánh phá tiêu diệt cho được cơ sở cách mạng ở địa phương. Bọn Mỹ rất ngán sợ những người nông dân chân đất tay cầm súng, các bí thư chi bộ xã, các đơn vị ở xóm ấp.

Cuộc đọ sức lớn giữa ta và quân đội Mỹ bắt đầu, du kích địa phương ta chạm trán với Mỹ hàng ngày.

Một tiểu đoàn Mỹ càn quét Láng Le, ngày 26/2/1966 bị Tiểu đoàn 6 của Bình Tân chặn đánh diệt một đại đội Mỹ, đánh tan một đại đội khác, bắn rơi 3 máy bay trực thăng. Cũng trong tháng 2/1966, Tiểu đoàn 6 đã đánh diệt 1 đại đội thủy quân lục chiến ngụy, đánh tiêu hao tiểu đoàn biệt động quân tại ấp 5 xã Tân Nhựt, đánh thiệt hại nặng các tiểu đoàn biệt động quân số 30 và số 33 tại Gò Xoài và kênh Bà Tà. Phối hợp với các đơn vị biệt động Thành, Tiểu đoàn 6 đã diệt đồn cảnh sát ác ôn Phú Thọ Hòa. Ngày 8/5/1966 diệt đồn ấp Chùa xã Xuân Thới Thượng bắt sống 15 lính thu được 30 súng.

Du kích tập trung đã chống càn ở ngọn Rạch Sậy xã Hưng Long ngày 23/5/1966 loại khỏi vòng chiến 200 tên địch.

Đêm 12/6/1966, Tiểu đoàn 8 pháo binh Quân khu phối hợp với biệt động và bộ đội địa phương Bình Tân bắn 400 quả đạn vào sân bay Tân Sơn Nhất phá hỏng 67 máy bay các loại.

Năm 1967, Quân khu Sài Gòn - Gia Định xây dựng phương án tấn công sân bay Tân Sơn Nhất, một mục tiêu chiến lược quan trọng của Mỹ nguỵ. Đội  đặc công do đồng chí Đồng Đen chỉ huy, phối hợp với Tiểu đoàn 6 và một đơn vị du kích Tân Sơn Nhì, được sự giúp đỡ về hậu cần, liên lạc của nhân dân Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hoà, Tân Sơn Nhì và các xã lân cận. Ta tấn công theo 3 mũi.

Đêm 3 rạng ngày 4/12/1967, các mũi đều vào được bên trong phi trường. Mũi vào đường số 2 bị địch phát hiện buộc phải nổ súng, cuộc chiến đấu diễn ra gay go ác liệt, các chiến sĩ vẫn xông vào được khu máy bay dùng thủ pháo diệt từng chiếc một. Địch huy động toàn lực lượng bịt các cửa mở, ta phải mở đường máu. Mũi đồng chí Đồng Đen phải hoá trang, khoác áo sĩ quan và lính nguỵ ngang nhiên qua trước mặt địch. Kết quả trận đánh ta phá hỏng 150 máy bay, huỷ một kho bom 200 tấn, bắn cháy 13 xe cơ giới, giết được nhiều giặc lái và nhân viên kỹ thuật. Ta hy sinh 31 đồng chí, bị thương 36. Bộ phận chặn viện vòng ngoài của Tiểu đoàn 6 đã phá huỷ 14 xe tăng, xe bọc thép, loại khỏi vòng chiến một đại đội địch.

Giữa lúc Mỹ đang hung hăng tức tối “Tìm diệt” thì tháng 4/1967 Trung ương Đảng ra Nghị quyết 14, đề ra nhiệm vụ “Đạt một chiến thắng quyết định ở miền Nam trong thời gian ngắn nhất”.

Ngày 7/7/1967, ta tấn công bao vây lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Cồn Tiên, Lộc Ninh. Đắc Tô Tân Cảnh kêu cứu. Rồi đến Khe Sanh, nỗi lo sợ Khe Sanh trở thành Điện Biên Phủ luôn ám ảnh.

Toàn bộ chương trình bình định nông thôn ở miền Nam gần như chựng lại, hạ tầng cơ sở nông thôn gần như rệu rã, ngay cả quanh Sài Gòn chương trình bình định cũng không đạt kết quả.

Tân Nhựt một xã nghèo ven đô, đồng phèn cỏ lác, quân Mỹ càn qua quét lại, thả bom, trực thăng rà hầm vẫn không sao bình định được.

Ngày 14/10/1966, một trung đội thuộc Đại đội 2 Tiểu đoàn 6 và lực lượng du kích xã đóng ở ấp Tân Nhựt, địch phát hiện có du kích nhưng không biết có bộ đội, thế là chúng dùng trực thăng đưa cả Tiểu đoàn 30 biệt động quân vào bao vây. Ta bám chặt công sự chờ chúng vào đến 30m mới nổ súng, đẩy chúng ra đồng trống trải, một cánh quân của ta phục sẵn đánh thọc sườn, khoá đuôi làm cho địch rối loạn. Sau 3 giờ chiến đấu, tiểu đoàn 30 biệt động quân bị xoá sổ, chỉ chạy thoát 8 tên, ta thu được 30 súng các loại. Mãi 10 giờ sáng hôm sau bọn địch mới vào lấy xác chết.

Để trả thù trận thua đau nói trên, giặc cho máy bay đến ném bom cháy 46 căn nhà, làm chết 7 người dân và 4 người khác bị thương. Quần chúng căm phẫn kéo nhau lên gặp Tỉnh trưởng Gia Định đòi bồi thường, trước lý lẽ và khí thế đấu tranh của nhân dân, được binh sĩ đồng tình buộc toà Tỉnh trưởng phải chấp nhận đền bù ½ số tài sản bị thiệt hại của bà con ấp 1.

Phát huy kết quả, du kích cùng nhân dân mở rộng phong trào phá ấp chiến lược, diệt tề điệp, đánh đuổi bọn bình định, chống việc đốn lá, phá lùm bụi bằng nhiều hình thức khác nhau gài lựu đạn, đạp lôi, hầm chông, căng bảng tử địa khắp nơi. Nhờ đó bảo vệ được các lõm địa hình, hầm bí mật góp phần xây dựng vùng an toàn, vùng trũng dần dần tiến sát bìa ấp chiến lược. Du kích mật được xây dựng đều ở các ấp. Những năm 1966-1967, lực lượng du kích xã khá mạnh. Bọn tề điệp co vòi chạy ra ngoài bến đò Chợ Đệm. Các ấp vùng trũng trở thành căn cứ đứng chân của lực lượng võ trang Huyện, kho hậu cần của Quân khu 2 chứa hàng chục tấn vũ khí đạn dược.

Vườn Thơm qua nhiều lần bị địch đánh phá huỷ diệt, giặc yên trí đây là vùng trắng. Nhưng tết âm lịch 1966, bà con lại tụ về đất cũ ăn tết, tuy sống trong chòi lá đơn sơ, ăn uống đạm bạc, đêm đốt đèn dầu nhưng ấm tình quê hương làng xóm. Ngày 4/2/1966, địch lại bắn phá đuổi dân đi, ta cương quyết bám lại, tổ chức phòng tránh tại chỗ. Tháng 6/1966, tại đây bộ đội huyện Bình Tân, xây dựng thêm một đại đội với phiên hiệu C3, đến giữa năm Tiểu đoàn 6 Bình Tân có 3 đại đội bộ binh và một đại đội pháo tăng cường làm nòng cốt hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và võ trang trong Huyện và khu vực Vườn Thơm.

Đầu năm 1967, địch đóng lại đồn Lý Văn Mạnh, bọn lính đồn thường lùng sục xung quanh khu vực đóng quân gây nhiều khó khăn và thiệt hại cho nhân dân, cán bộ ta bám trụ lại phải sống hoàn toàn bí mật. Bọn lính đồn vừa đánh phá vừa lôi kéo đồng bào về sống quanh đồn. Đồng bào sống trong vùng kiểm soát của giặc vẫn một lòng hướng về cách mạng cung cấp nhiều tin quan trọng cho du kích và làm binh vận .

Cuối năm 1967, Vườn Thơm lại trở thành căn cứ huấn luyện cán bộ nội thành. Vũ khí được vận chuyển từ Ba Thu về, lương thực mua ở các nơi. Đến tháng 12/1967, đã có hàng chục tấn lương thực cất giấu trong nhà dân. Từ đây vũ khí đã được chuyển vào nội thành một cách bí mật an toàn. Một lần nữa Vườn Thơm lại làm tròn trách nhiệm vụ hậu cứ của cách mạng. Bọn địch lại thất bại trước lòng dũng cảm kiên trung của đồng bào Vườn Thơm.

Giữa lúc phong trào cách mạng Vườn Thơm đang được khôi phục, cách mạng sắp bước vào giai đoạn mới đồng chí Sáu Trung - Bí thư xã, đồng chí Ba Lép xã đội trưởng và một số cán bộ, đảng viên hy sinh, đó là một thiệt hại lớn cho phong trào.

Vùng Chợ Đệm, sau khi diệt được tên ác ôn Tám Dê, phong trào xã Tân Túc dần dần phát triển. Năm 1966-1967, lực lượng vũ trang ta hoạt động khá mạnh, địch co lại, tề nguỵ không còn hung hăng như trước, chi bộ Đảng do đồng chí Võ Văn Bé làm Bí thư. Ngày 28/1/1966, một bộ phận của Tiểu đoàn 6 (Bình Tân) về Chợ Đệm lúc 5 giờ chiều bất ngờ tập kích vào trung đội nghĩa quân diệt 3 tên, 1 tên bị thương.

Tại bến đò Chợ Đệm, ta bắn vào đám biệt động ngụy bên kia sông làm chết một thiếu uý, chúng bắn lại làm một chiến sĩ ta bị thương.

Xã Tân Tạo năm 1966-1967, bị địch khống chế ngặt nghèo, nhất là từ khi địch mở xa lộ vành đai cắt đôi xã. Một tiểu đoàn quân Nam Triều Tiên đóng tại Tân Thuận, trong xã lại có tên Cai tổng Nhành, một tên ác ôn có nhiều kinh nghiệm chống phá cách mạng.

Vùng Tân Phước, mặc dù bị càn quét dữ dội nhưng nhiều hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Liên tỉnh lộ 50, hương lộ 11 luôn bị đào phá đắp mô. Cuối năm 1967, bà con nông dân quyên góp nhiều gạo, tiền bạc mua thuốc men cho bộ đội. Tất cả các xã vùng này đều có căn cứ lõm để chuẩn bị đón quân ta.

Năm 1967, địch mở xa lộ Vành Đai chạy qua Bình Hưng Hoà cắt đôi xã ra làm hai phần. Lính Nam Triều Tiên đóng đồn khống chế đường vào xã, bọn lính này giết người không gớm tay, ai bị chúng tình nghi là bị chúng bắt ngay. Đường giao liên của ta nối liền Bình Trị, Bình Hưng Hòa, bưng Vĩnh Lộc, Vườn Thơm bị tắc nghẽn. Chi bộ Bình Hưng Hòa do đồng chí Ba Trắng làm Bí thư, các đảng viên vẫn bám địa phương hoạt động. Ta chủ trương diệt cứ điểm. Cuối năm 1967, du kích xã phối hợp với lực lượng vũ trang Bình Tân nổ súng tấn công làm bị thương 6 tên địch.

Tại xã Vĩnh Lộc, địch đưa một đơn vị lính Mỹ, một thiết đoàn và một tiểu đoàn nguỵ về đóng ở Ngã Năm ấp Tân Hoà hòng khống chế Vĩnh Lộc và các xã xung quanh. Về phía ta, cơ sở Đảng khá mạnh, ở mỗi ấp đều có chi bộ mật, các tổ chức quần chúng cách mạng phát triển đều khắp. Bà con trong ấp chiến lược luôn đấu tranh đòi về vườn cũ, đòi tự do đi lại. Nổi bật nhất là cuộc chống bầu cử Quốc hội Lập hiến của nguỵ. Trước ngày bầu cử được sự hỗ trợ của du kích xã, đông đảo bà con ấp 1 đã đào phá đường, đắp 7 mô đất và treo cờ Mặt trận Giải phóng khắp nơi. Ngày bỏ phiếu, đồng bào viện vào lý do không có an ninh nên không ai đi bỏ phiếu. Bọn tề nguỵ vào định đàn áp nhưng lại sợ các mô đất có mìn, đành đứng bên ngoài ngó rồi bỏ đi. Đây là một cách đấu tranh linh hoạt và rất thông minh. Tháng 7/1966, hàng trăm đồng bào trong các ấp chiến lược kéo ra Ngã Năm đòi về vườn cũ, bọn địch đàn áp, đồng bào đưa lý lẽ vặn chúng, trong ấp không có an ninh nên chúng tôi không dám ở, các ông có giỏi xuống ấp giữ được yên ổn thì tụi tôi mới ở được. Song song với đấu tranh chính trị, lực lượng vũ trang tổ chức nhiều trận đánh kềm chế địch.

Ngày 15/11/1967, ta phục kích diệt một tiểu đội địa phương quân.

Cuối tháng 11/1967, du kích chặn đánh một đại đội ngụy ở Tân Hoà 2, diệt 15 tên.

Ngày 12/12/1967, chặn đánh một đơn vị biệt động quân diệt 36 tên.

Ngoài ra Vĩnh Lộc còn hỗ trợ cho bộ đội đi đánh các nơi, hoặc nuôi bảo vệ các đơn vị bạn, cán bộ lãnh đạo, cán bộ các nơi đến đóng trụ sở. Khi Tiểu đoàn 6 đi đánh đồn Xuân Thới Thượng, nhiều đồng bào đã đi dân công giúp bộ đội. Ngày 3/12/1966, khi quân ta tổ chức đánh sân bay Tân Sơn Nhất, làm lễ xuất quân tại Tân Hòa 1, nhiều đồng bào tham dự động viên, một tổ du kích xã theo dẫn đường, phụ vận chuyển vũ khí. Nhà ông Chín Bao trong thời gian này đã đào hầm nuôi giấu đông chí Nguyễn Văn Kịp (Đồng Đen). Ở Tân Hòa 1 chỉ có 76 hộ gia đình nhưng có tới 122 hầm bí mật. Những ngày khó khăn đen tối, nhiều mẹ ngày ngày đem cơm ra bưng cho cán bộ, nhận truyền đơn về, đêm đi rải trong ấp chiến lược.

Trong những năm Mỹ trực tiếp càn quét, bình định Vĩnh Lộc, có những cuộc đấu tranh chính trị để lại nhiều ấn tượng sâu sắc như: Tết âm lịch 1967, chi bộ Đảng lãnh đạo bà con trong xã đòi thi hành nghiêm chỉnh lệnh ngừng bắn vào dịp tết của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ta tranh thủ tuyên truyền giải thích cho gia đình bên lính nguỵ và trực tiếp nói chuyện với bọn lính tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến, được họ hoan nghênh. Chiều 30 tết cờ Mặt trận được treo khắp 5 ấp. Nhân dân được yên vui trong 3 ngày tết, Văn công giải phóng về biểu diễn được bà con hưởng ứng nhiệt liệt, gia đình binh lính và một số lính nguỵ cũng kéo đến xem.

Sau hai mùa khô huy động tổng lực càn quét “tìm diệt” dùng chiến thuật tấn công liên tục rồi đến chiến thuật “Đếm xác” đồng thời ra sức bình định bằng các phương pháp tàn bạo, mua chuộc, mỵ dân. Nhưng quân Mỹ nếm nhiều cay đắng, thiệt hại nặng nề trên khắp chiến trường miền Nam. Ngay ở ven đô, phong trào cách mạng ở Bình Tân luôn giữ vững, lực lượng vũ trang địa phương, Tiểu đoàn 6 được tăng cường, các tiểu đội du kích vẫn tồn tại và phát triển. Vườn Thơm, Tân Nhựt, Hưng Long, Qui Đức vẫn là nơi đứng chân của các đơn vị bộ đội, biệt động thành.

Kế hoạch bình định, chương trình phát triển nông thôn, ấp Tân Sinh thực chất là ấp chiến lược của địch đưa ra đều bị thất bại.

Giữa năm 1967, xảy ra nhiều trận bao vây Cồn Tiên rồi hàng loạt trận khác nối tiếp ở Lộc Ninh, Đắc Tô đến Khe Sanh… Westmoreland nhận định là ta sẽ làm một chiến thắng kiểu Điện Biên ở Khe Sanh, Bộ Tham mưu Mỹ chúi mũi vào đấy, tổng thống L.Johnson cho lập bản đồ chiến sự tại Nhà Trắng để theo dõi, L.Johnson bắt các tham mưu trưởng trong bộ tham mưu liên quân phải “cam kết bằng máu” không để Khe Sanh thất thủ. Bọn Mỹ tập trung một lực lượng lớn đánh nhau với ta ở Khe Sanh.

Trong khi đó về phía ta chấp hành Nghị quyết Trung ương Đảng. Trung ương Cục do đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư đã ra Nghị quyết tổng công kích, tổng khởi nghĩa lấy Sài Gòn - Gia Định làm trọng điểm, hướng tiến công chủ yếu là Sài Gòn. Nghị quyết này có mật danh là “Nghị quyết Quang Trung”.

Từ tháng 10, các xã ven đô như Vườn Thơm, Tân Nhựt, Tân Kiên, Hưng Long, Qui Đức, Vĩnh Lộc, Tân Tạo, An Lạc… đã lập kho bí mật chứa vũ khí, lương thực, nơi đây cũng là một đường vận chuyển vũ khí quan trọng vào Thành phố Sài Gòn cho các đơn vị đặc công và các nhóm vũ trang của Thành đoàn.

Nhiều hầm bí mật bảo vệ cán bộ, các căn cứ lõm để ém quân đã sẵn sàng.

Để chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy trong tết Mậu Thân, ta lập hai Đảng uỷ và 2 Bộ Tư lệnh tiền phương: Bộ Tư lệnh Tiền Phương Bắc (Tiền Phương 1) do đồng chí Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Lê Đức Anh chỉ đạo chịu trách nhiệm địa bàn: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Dĩ An, Lái Thiêu, Gò Vấp, huyện Bình Tân (Bắc huyện Bình Chánh ngày nay). Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam (Tiền Phương 2) do các đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Chín Cần, Tư Thân, Trần Hải Phụng lãnh đạo. Các xã Nam lộ 4 và Tân Phong Hạ, Phước Điền Thượng (Nam huyện Bình Chánh ngày nay) thuộc Tiền Phương Nam. Bộ Tư lệnh này chịu trách nhiệm chỉ huy các lực lượng võ trang hướng Nam và Tây Nam Thành phố. Cuối tháng 1 năm 1968, khu vực Vườn Cò thuộc ấp 2 xã Quy Đức vinh dự đón tiếp đồng chí Võ Văn Kiệt - Tổng tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiền Phương Nam và một số cán bộ chỉ huy chiến dịch về đóng tại nhà chị Hai Học và nhà đồng chí Phạm Văn Sáu (Tư Sô). 

Nhà đồng chí Phạm Văn Sáu (Quy Đức) nơi Bộ Chỉ huy

 Tiền Phương Nam đóng trụ sở trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy

 Tết Mậu Thân 1968

Các xã thuộc huyện Bình Tân (tức Bắc Bình Chánh ngày nay) thuộc Phân khu II do đồng chí Phạm Văn Hân (Hai Sang) làm Bí thư. Phân khu II chia làm 3 vùng. Xã Vĩnh Lộc và Bình Hưng Hoà thuộc vùng I. Các xã Tân Nhựt, Tân Kiên, Tân Túc, Tân Lợi, Tân Bình (tức xã Bình Lợi - Vườn Thơm), Tân Tạo, Bình Chánh thuộc vùng 2, các xã Bình Trị Đông và An Lạc thuộc vùng 2. Các xã thuộc Tân Phong Hạ và Phước Điền Thượng, Nam lộ 4 thuộc vùng 3.

Tết âm lịch Mậu Thân đã điểm, ngày tết của dân tộc Việt Nam, đài Hà Nội phát đi bài thơ chúc tết của Bác Hồ đến đồng bào cả nước:

“Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp mọi nhà

Nam Bắc thi đua đánhgiặc Mỹ

Tiến lên ! toàn thắng ắt về ta”

Quân dân ta đã lắng nghe chăm chú và hiểu đó là mệnh của Bác Hồ phát động tổng công kích. Giờ G, ngày N trên toàn miền được quy định là 00 giờ đến 2 giờ ngày 31/1/1968 (tức là đêm mùng 1 sáng mùng 2 Tết Mậu Thân 1968) cuộc tổng công kích tổng khởi nghĩa nổ ra.

Sau khi nhận được lệnh nổ súng, các lực lượng đặc công và biệt động, bộ binh và các lực lượng vũ trang địa phương đã tiến công và đánh trúng vào hầu hết các cơ quan đầu não trung ương và địa phương Mỹ và chế độ Sài Gòn.

Ở Sài Gòn - Gia Định, cuộc tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 được phân thành 2 cao điểm: Cao điểm 1 từ 31/1 đến 12/2/1968 và Cao điểm 2 từ 17/2 đến 25/2/1968.

- Diễn biến đợt 1: 2 giờ 4 phút sáng ngày 31/1, C10 đặc công ta đánh vào tòa Đại sứ Mỹ và làm chủ tình hình gần 4 tiếng đồng hồ, làm Tổng thống Mỹ bị choáng, cả nước Mỹ âu lo. Tòa Đại sứ Mỹ tượng trưng sức mạnh của Hoa Kỳ không chỉ ở Sài Gòn mà cả ở phương Đông bị chiếm, thật là không thể tưởng tượng nổi đối với bất cứ người Mỹ nào.

Tổng Tham mưu, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh Sài Gòn, sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hòa, kho Long Bình bị tấn công.

Đêm mùng 1 tết, nhân dân Hưng Long được vinh dự đón các đồng chí Võ Văn Kiệt, Trần Bạch Đằng, Huỳnh Công Thân, Nguyễn Văn Thuyền (Ba Tôn), Nguyễn Văn Chín (Chín Cần), Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu - Chỉ huy trưởng biệt động Thành), Võ Văn Thạnh, thiếu tướng Trần Hải Phụng, Nguyễn Thái Sơn. Đình Quán Cơm là trụ sở đóng quân của Bộ Tư lệnh tiền phương Nam.

Vùng ven sông An Lạc (gần cầu An Lạc) là nơi trú đóng của bộ phận phía trước của Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam có mặt các đông chí Trần Bạch Đằng, Trần Hải Phụng và đồng chí Nguyễn Thái Sơn.

7 giờ sáng ngày mùng 6 tết (4/2/1968), một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ đánh vào Sở chỉ huy phía trước của ta. Hai tiểu đoàn ngụy giữ mặt sau, lực lượng bảo vệ Sở Chỉ huy đánh trả quyết liệt, trận đánh kéo dài đến chiều tối. Đạn pháo rơi trúng nhà đồng chí Trần Bạch Đằng ở làm sập hầm cát, 4 chiến sĩ hy sinh. Nơi đồng chí Trần Hải Phụng làm việc bị trúng bom. Trong trận này quân Mỹ bị thương vong nặng nề, nhiều xe thiết giáp bị cháy, bên ta hy sinh và bị thương gần một trung đội. Nhờ sự chiến đấu ngoan cường của lực lượng bảo vệ nên Sở Chỉ huy phía trước được an toàn. Chiều tối Sở Chỉ huy rút ngang qua cầu An Lạc về đóng ở Tân Tạo.

Tại đây vào mùng 7 tết (ngày 5/2/1968), Ban Chỉ huy phía trước thuộc Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam quyết định rút toàn bộ lực lượng vũ trang ta ở nội thành và vùng ven.

Theo sự chỉ đạo của Trung ương Cục, bộ phận phía trước của Bộ Tư lệnh tiền phương Nam đã mời và tiếp đón luật sư Trịnh Đình Thảo, giáo sư Nguyễn Văn Kiết và anh Lê Hiếu Đằng để đưa các vị này ra chiến khu thành lập Liên minh Độc lập Dân chủ và Hòa bình.

Ngày 7/2/1968, bộ phận phía trước của Bộ Tư lệnh Tiền Phương Nam chuyển về xã Bình Chánh, tại đây đồng chí Trần Bạch Đằng đã tiếp linh mục Trần Ngọc Lan, các giáo sư Châu Tâm Luân, Lê Văn Chì, Cao Hoài Hà, nhà báo Kim, nhà văn Thiếu Sơn.

Bia ghi danh 2000 liệt sĩ của xã Vĩnh Lộc

Xã Bình Chánh những ngày Xuân Mậu Thân đã có cuộc hội nghị thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình của Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định do giáo sư Lê Văn Giáp làm Chủ tịch, Hồ Hữu Nhựt Chủ tịch Tổng hội sinh viên Sài Gòn (1966-1967) làm Tổng thư ký, Phó tổng thư ký nhà văn Lữ Phương, chị Vân Trang. Liên minh đã ra tuyên ngôn kêu gọi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nổi dậy cùng quân giải phóng giành chính quyền về tay nhân dân.

Xã Bình Chánh còn là nơi cơ quan Thành ủy đóng trong những ngày Tết Mậu Thân với sự có mặt các đồng chí Bảy Kiềng, Hai Trúc.

Vườn Thơm sau 2 năm bị địch dùng bom pháo hủy diệt, cán bộ, đảng viên vẫn kiên cường bám trụ, cơ sở của cách mạng vẫn được giữ vững. Trong tết Mậu Thân, Vườn Thơm là nơi có nhiều kho vũ khí và lương thực của Mặt trận Tiền Phương Nam và Phân khu 2. Nơi xuất phát của Tiểu đoàn 5 và 6 Bình Tân, Tiểu đoàn 12 đặc công, bộ đội Long An, các đơn vị của Công trường 9 (Sư đoàn 9), trạm quân y…. Ngày 31/1/1968, nhiều đơn vị bộ đội xuất phát từ đây tấn công vào khu ngã Bảy Vườn Lài, Phú Thọ Hòa, Biệt khu Thủ Đô.

Cho đến ngày 25/1/1968, xã Tân Nhựt, vùng Bà Tỵ, Cầu Ván, ấp 5 Tân Xuân là những lõm du kích mạnh. Hàng tấn gạo nếp, bông băng, hàng trăm con gà vịt, võng cho bộ đội, lương thực dự trữ đầy đủ, 120 chiếc xuồng, ghe và 16 máy đuôi tôm sẵn sàng đưa đón bộ đội bất kể ngày đêm. Hai trạm quân y và 6 điểm chứa vũ khí luôn giữ được bí mật. Hàng trăm công sự chiến đấu và nhiều hầm bí mật đã được xây dựng, 200 dân công chiến trường phân thành 4 trung đội túc trực đáp ứng mọi yêu cầu.

6 giờ chiều ngày 31/1/1968, Tiểu đoàn 6 Bình Tân vượt sông tại ấp 5 Tân Nhựt. Bà con bơi xuồng đưa con em đi, tới bờ mọi người vẫy tay lưu luyến, thấy anh em mang súng đạn nặng nề, nhiều má, nhiều chị lo lắng “không biết tụi nó đi đâu mang nặng vậy, không biết đi nổi không”. Nhiều bà con về đêm nằm thấp thỏm “không biết tụi nhỏ đi tới đâu rồi”, thương em. Mãi 2 giờ khuya súng nổ rộ lên ở hướng Sài Gòn bà con mới thở phào “À ! Tụi nó đánh Sài Gòn”. Những ngày đêm sau đó nhân dân Tân Nhựt tiếp tục tải đạn, lương thực ra phía trước. Đưa 206 thương binh từ trận địa về Vàm Cỏ Đông. Nhiều người đã hy sinh, bị thương trên đường làm nhiệm vụ, nhiều bạn trẻ không hề do dự khi nhận những công tác nguy hiểm. Hai cô gái trẻ vừa tròn trăng là Phan Thị Ánh và Nguyễn Thị Năm người ở ấp 5 trong khi đưa thương binh về cứ thì bị máy bay địch bắn chìm xuồng hy sinh.

Chiều 31/1/1968, Tiểu đoàn 6 xuất quân từ Tân Nhựt vào nội đô tiến đánh đồn cảnh sát gần trường đua Phú Thọ và Nguyễn Văn Thoại đến đường Trần Quốc Toản, Nguyễn Tri Phương, chùa Ấn Quang, bị đánh bất ngờ, địch chạy tán loạn. Mãi 6 giờ sáng ngày 1/2, địch mới kịp điều tiểu đoàn 38 biệt động quân đến phản kích, một cánh quân ngụy vào đến đường Nguyễn Tiểu La bị Tiểu đoàn 6 diệt gọn. Tiểu đoàn 6 đã làm chủ tỉnh hình đường Lữ Gia, Lê Đại Hành. Đồng chí tiểu đoàn trưởng Lê Minh Xuân đã phối hợp với các cán bộ địa phương phát động quần chúng khu Ngã Bảy nổi dậy. Tại đây đã có nhiều cuộc mít tinh thu hút hàng trăm người đến dự. Sau hơn 1 tuần ở nội đô, tiểu đoàn 6 đã rút về Tân Kiên, Tân Nhựt để củng cố.

Khu tưởng niệm liệt sĩ Tiểu đoàn 6 Bình Tân – xã Bình Lợi- huyện Bình Chánh

Từ tháng 2/1968, địch bắt đầu tung quân đánh ven đô. Ngày 7/2, lữ đoàn 199 Mỹ, được 14 máy bay trực thăng và 4 tàu chiến yểm trợ đánh vào ấp 2 Tân Nhựt, bị lực lượng vũ trang địa phương đánh trả kịch liệt, 39 tên Mỹ bị diệt, 1 trực thăng bị bắn rơi, 1 số chiếc khác bị thương, bên ta một số căn nhà bị bom cháy, 11 người dân bị giặc giết. Sau ngày 19/2/1968, lữ đoàn 199 Mỹ có lính ngụy thường xuyên càn quét vào xã Tân Nhựt. Mặc dù địch càn quét nhưng ta vẫn bám trụ chuẩn bị các mặt cho cuộc tấn công đợt 2.

Xã Tân Túc, tuy sống trong sự kiểm soát của địch đồng chí Mười Lượng xã đội trưởng lãnh đạo nhiều đoàn dân quân đi tải vũ khí phía từ ở Bình Chánh, Tân Nhựt chuyển ngang Tân Kiên ra đến Phú Lâm, An Lạc. Nhân dân Chợ Đệm đã cung cấp nhiều dụng cụ y tế, thuốc men, bông băng và các nhu yếu phẩm cần thiết cho căn cứ. Những ngày tết Mậu Thân, nhiều cuộc trừ diệt ác ôn đã diễn ra ở Chợ Đệm.

Nằm ngay vị trí giao thông quan trọng, nơi có tỉnh lộ 10 và xa lộ vành đai cắt qua, địch đóng 1 đồn lớn ở Tân Tạo (Thái Văn Minh) có pháo tầm xa. Sát ngay cạnh Thành phố, bọn mật thám ở Phú Lâm, ở Sài Gòn thường xuyên lùng sục nên xã Tân Tạo gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong tết Mậu Thân, nhân dân Tân Tạo đã đóng góp nhiều công sức cho cách mạng, nhiều bà con đã đi dân công, ủng hộ bộ đội cả tấn lúa, đặc biệt là bà Nguyễn Thị Thơm ở ấp Tân Hòa đã biếu nguyên chiếc xuồng lúa khoảng 15 giạ, nhà thuốc Huỳnh Mai tại chợ Bà Hom đã ủng hộ nhiều thuốc men và mua giúp một số lượng lớn thuốc cho quân giải phóng.

Ngay sát nách bót Tân Tạo, đồng chí Nguyễn Văn Lên (tức Tám Phải)  nhà ở ngay sau chợ Bà Hom là nơi cất giấu và vận chuyển hàng tấn vũ khí khi vào Thành phố. Sau Mậu Thân do có chỉ điểm, địch bắt đồng chí Lên tra tấn dã man và đưa đi tù.

Hai xã Bình Hưng Hòa và Vĩnh Lộc nằm cạnh sân bay Tân Sơn Nhất và các căn cứ quân sự lớn của giặc, trong tổng kích Mậu Thân, đây là nơi bộ đội ta xuất phát tấn công địch. Nhân dân Bình Hưng Hòa nô nức đi dân công, góp tiền nuôi quân, mỗi hộ từ 7, 8 ngàn đến 20.000đ, có gia đình bán cả bò để lấy tiền giúp bộ đội.

Đêm 31/1/1968, đối với nhân dân xã Vĩnh Lộc là một ngày hội lớn, quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ trừ Ngã Năm. Nhiều thanh niên tình nguyện dẫn đường cho quân giải phóng đánh sân bay Tân Sơn Nhất và các cứ điểm nội thành..

Sau khi hoàn hồn, địch bắt đầu đánh ra ven đô. Chúng nhắm ngay Vĩnh Lộc, ngày 18/2, bọn Mỹ cho 100 xe tăng, trực thăng có pháo binh yểm trợ và quân ngụy đi theo, hùng hổ tiến công vào ấp 8. Quân ta phản kích kịch kiệt, nhân dân Vĩnh Lộc giúp quân giải phóng đào công sự, nấu cơm nước tiếp tế vận chuyển đạn dược, đưa thương binh ra tuyến sau. Trận đánh keó dài 3 ngày đêm, ta hạ được 3 trực thăng, diệt 4 xe tăng và nhiều lính Mỹ, trong đó du kích xã bắn hạ một chiếc trực thăng, làm hỏng xe tăng. Nhờ có nhân dân dẫn đường, quân giải phóng rút lui an toàn.

Khoảng đầu tháng 3/1968, một tiểu đoàn Mỹ, theo sau là lính ngụy lại kéo vào càn ấp 7 và ấp 8, bị Tiểu đoàn 6 (Bình Tân) và một đơn vị quân giải phóng chặn đánh diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy xe tăng, bắn hạ máy bay trực thăng. Trong đó du kích xã bắn hạ một trực thăng, phá hủy một xe tăng.

Ngày 12/4/1968, được sự hỗ trợ của nhân dân, Tiểu đoàn 6 phục kích tại ấp Tân Hòa đánh một tiểu đoàn Mỹ diệt 30 tên.

Vùng Tân Phước, các xã ở đây nằm dọc theo quốc lộ 50 từ cầu Nhị Thiên Đường đến cầu Ông Thìn, xã Đa Phước, Hưng Long cách Thành phố hơn 15 cây số, quân ta đột nhập vào Sài Gòn. Về mặt chỉ đạo của ta, vùng này thuộc Phân khu 3, Mặt trận Tiền Phương Nam. Những ngày Tết Mậu Thân, nhân dân xã Bình Hưng đã đóng góp dân công, lương thực, thực phẩm dành cho quân giải phóng. Trong khi chủ lực ta đánh vào Thành phố, du kích Bình Hưng đã phối hợp với du kích xã Phong Phú chặn đánh địch đi càn ở xóm Giá, diệt một số lính Mỹ và bắn rơi trực thăng. Phong trào diệt ác phá tề lên cao, bọn địch ở đây co vòi và quanh quẩn ở Ký Thủ Ôn và đồn Bình Đăng.

Nhân dân xã Qui Đức, có ý thức bảo vệ cán bộ rất tốt như gia đình bác Tư Sô ở ấp 2, bác Tám Long ở ấp 4, bác Hai Hữu ở vườn xoài, bác Ba An đã chuẩn bị hầm bí mật nhờ vậy mà các đồng chí cán bộ lãnh đạo đã trú đóng an toàn trong chiến dịch Mậu Thân.

Xã Hưng Long, là nơi dừng chân trước khi tiến vào Thành phố của các Tiểu đoàn Phú Lợi, Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, Tiểu đoàn Đồng Nai và các Tiểu đoàn Long An, các bộ phận quân y. Nhân dân Hưng Long phấn khởi và hăng hái đi tải đạn, đóng góp tiền bạc, lương thực nuôi quân giải phóng, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít tùy tâm, gia đình ông chủ Hương ủng hộ 200 giạ lúa, ông xã Thiều đóng 30.000đ, ông Sáu Duyên tặng bút máy Parker và đồng hồ… xã Hưng Long có nhiều tín đồ Phật giáo, Cao Đài, song mọi người không phân biệt đạo giáo, một lòng ủng hộ cách mạng. Nhiều chức sắc Cao Đài ở Hưng Long là những nhà yêu nước trong đó có ông Trần Văn Ngoan trải qua thời kỳ chống Pháp rồi chống Mỹ vẫn chung thủy với cách mạng.

- Diễn biến đợt 2: Tiểu đoàn 6, Tiểu đoàn 308, lực lượng biệt động quận 5, 6, Trung đoàn 3 của Sư đoàn 9 đã ém quân an toàn ở Tân Nhựt. Tình hình chiến sự ác liệt hơn so với đợt 1, nhân dân Tân Nhựt vẫn đảm bảo hậu cần, dân công cho mặt trận. Các đơn vị bộ đội và biệt động xuất phát từ Tân Nhựt vào nội đô kịp giờ nổ súng đêm 4/5 rạng ngày 5/5/1968, dân công phải vượt qua hàng rào bom đạn địch mới có thể tiếp tục ra phía trước tiếp đạn cho bộ đội và đưa thương binh về phía sau. Trung đội dân công ấp 1 nhiều người bị thương và Huỳnh Văn Đảnh hy sinh.

Tiểu đoàn 6 cùng Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 9 xuất phát từ Vĩnh Lộc thọc vào Phú Thọ đến Chợ Thiếc. Trung đoàn 2 của Phân khu II từ hướng Bình Chánh vào nội đô trụ ở sân vận động Cộng Hòa. Tiểu đoàn 6 chiếm bót Nguyễn Ngọc Châu, làm chủ vùng Minh Phụng, Tiểu đoàn biệt động quân số 33 ngụy bị ta đánh thiệt hại nặng. Ngày 5 đến ngày 7/5/1968, các tiểu đoàn ngụy số 33, 35, 38 có xe thiết giáp và máy bay yểm trợ đã tìm cách ngăn chặn phản kích, nhiều trận đánh kịch liệt đã xảy ra, quân ta bắn cháy 2 xe M133 và bắn rơi một máy bay lên ta thẳng. Ngày 7/5/1968, một bộ phận của Trung đoàn 1 Sư đoàn 9 đã thọc lên Ngã tư Bảy Hiền uy hiếp sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 8, 9/5/1968, Trung đoàn 3 Sư đoàn 9 sau khi rời khỏi Ngã tư Bảy Hiền rút về Vĩnh Lộc. Trung đoàn 2 phân khu II cùng Tiểu đoàn 6 rút về Tân Kiên, Tân Nhựt. Những ngày trụ lại ở nội đô, các đơn vị ta đánh địch nhiều trận gây cho địch nhiều thiệt hại. Song ta cũng chịu nhiều tổn thất, riêng Trung đoàn 2 phân khu II sau khi về đến Tân Kiên còn có 50 tay súng và 25 thương binh. Đại đội 2 của Tiểu đoàn 6 thương vong gần hết. Tiểu đoàn 308 thương vong một nửa.

Đêm 25/5/1968, Tiểu đoàn 6 cùng với Tiểu đoàn 308 và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 3 sư đoàn 9) vượt sông chiếm Phú Định trụ ở lại cư xá Phú Lâm. Sau đó tiến sang đường Hậu Giang. Ngày 2/6/1968, Tiểu đoàn 6 cùng với các đơn vị bạn chuyển vào khu vực Phú Lâm cho đến giữa tháng 6/1968 các đơn vị mới về đến Tân Kiên, Tân Nhựt.

Ngày 11/5 khi quân Mỹ vào ấp Tân Đông B bị Trung đoàn 3 pháo kích diệt sạch 1 tiểu đoàn. Tàu Mỹ vào đến ấp 5 bị ta bắn hỏng 1 chiếc.

Để đối phó với cuộc tấn công đợt 2 của quân ta, kẻ địch huy động một số lực lượng lớn máy bay các loại kể cả B52 để ném bom vùng xung quanh Sài Gòn. Hãng AFP có nhận xét: “Trong 40 ngày qua số bom Mỹ ném xuống vùng phụ cận Sài Gòn đã bằng tổng số bom Mỹ ném ở Việt Nam trong 3 năm 1962, 1963, 1964”.

Ngoài cuộc ném bom, hành quân khủng bố, càn quét, bọn Mỹ trực tiếp điều khiển chương trình “Bình định nông thôn”, chúng ra sức đẩy lùi lực lượng cách mạng ra xa vùng ven đô. Lực lượng cách mạng đã kịp thời đối phó, nhiều cuộc tập kích, đánh phá bình định hết sức thông minh như trận đánh bọn bình định nông thôn ở Chợ Đệm đêm 9 rạng ngày 10/5/1968. Sáng hôm sau ta bỏ lại mấy thùng đạn, chúng hý hửng mở ra, mìn nổ làm chết 5 tên, trong đó có tên Nguyễn Văn Nam đoàn trưởng, Trần Văn Bảy đoàn phó. Chi bộ Tân Túc dự đoán tình hình sẻ khó khăn vì địch sẽ phản kích sau thất bại tết Mậu Thân, các đảng viên đã xây dựng lõm du kích ở Gò Làng, một số đảng viên chưa lộ mặt với địch luồn sâu vào dân, bám đồng bào xây dựng cơ sở tăng cường binh vận, tổ chức nội tuyến. Lõm du kích Gò Làng ở ấp Xóm Dầu có địa hình thuận lợi, được đồng bào che chở, giúp đỡ nên tồn tại khá lâu làm chỗ đứng chân của cán bộ lãnh đạo xã.

Lõm du kích ở Gò Làng ở Chợ Đệm bị địch chà đi chà lại nhiều lần vẫn cứ tồn tại, các đảng viên bám trụ ở Gò Làng trở thành nòng cốt của cơ sở Đảng Tân Túc..

Tại Vĩnh Lộc, trong cuộc tổng công kích đợt 2, ngoài nhiệm vụ phục vụ cho chiến đấu, chi bộ còn lãnh đạo đánh phá các đồn bót địa phương, đẩy mạnh công tác diệt tề. Du kích xã phối hợp với bộ đội tập kích căn cứ Mỹ ở Ngã Năm, phá hủy một số xe cơ giới buộc bọn địch ở địa phương phải co vòi lại. Các tên ác ôn như tên Lừ, tên Em và tên Sớm… đã bị trừng trị. Để ngăn chặn sự chi viện cho tiền tuyến, địch bắn phá ác liệt xã Vĩnh Lộc. Đêm 15/6/1968, máy bay Mỹ thả pháo rực trời, trực thăng quần đảo vùng bưng, dưới làn đạn pháo dân công vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Trực thăng phát hiện đội nam nữ dân công ở đồng bưng, chúng nổ súng sát hại, 32 dân công trẻ bị hy sinh (trong đó 25 là nữ)  sau khi chôn cất liệt sĩ, nhiều bà con xung quanh làm tiếp công việc còn đang bỏ dỡ. Đau thương trước sự hy sinh của con cháu mình nhưng nhân dân Vĩnh Lộc không sờn lòng tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ bộ đội hoàn thành nhiệm vụ. Tại Bình Trị Đông, nhân đào hầm nuôi chứa 50 thương binh ngay trước mũi quân thù. Đồng chí Lê Văn Thanh đã mưu trí dùng xe GMC đưa dần các thương binh về đến Vườn Thơm an toàn.

Phá cầu Chợ Đệm và chiếm lĩnh Chợ Đệm, bắt tù binh (tháng 2 – 1968)

Nguồn : Hồi ký Tiểu đoàn 6 Bình Tân

Cánh đồng bưng Vĩnh Lộc nơi 32 dân công hoả tuyến đã ngã xuống

Khu di tích lịch sử dân công hoả tuyến Mậu Thân 1968

( ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh)

Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 1968, địch liên tục càn quét, bắn phá ấp 5 xã Hưng Long. Giữa tháng 2 có 3 trận đánh lớn tại đây, quân ta loại khỏi vòng chiến 250 tên Mỹ ngụy, bắn cháy 3 xe bọc thép, thu được nhiều vũ khí, bảo vệ được địa bàn xuất kích đợt 2.

Trong tháng 2/1968, du kích xã Bình Trị Đông phối hợp với bộ đội đánh Bình Trị, diệt 7 tên địch. Du kích xã Bình Trị Đông phối hợp với Trung đoàn 3 sư đoàn 9, đánh vào một đơn vị Mỹ trên phần đất “Gò Mồ Côi” phía Tây Nam xã, kết quả ta loại khỏi vòng chiến hàng trăm tên Mỹ.

Cùng thời gian nói trên, lực lượng vũ trang Huyện phối hợp với bộ đội tập kích vào khu Bình Chánh gây cho địch nhiều thiệt hại.

Từ tháng 3 đến tháng 11/1968, du kích xã Tân Nhựt phối hợp với bộ đội liên tục chặn đánh các cuộc càn quét và tấn công vào căn cứ đóng quân của bọn Mỹ gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Lực lượng du kích xã Tân Quý Tây sát cánh cùng Tiểu đoàn Phú Lợi và bộ đội cánh Nam Bình Chánh chủ động phục kích đánh lẻ, đánh nhỏ bọn địa phương quân buộc chúng phải co cụm lại, bọn tề điệp ác ôn bị trừng trị, số còn lại nằm im hoặc vào các đồn bót tìm sự che chở của địch. Du kích còn làm thêm nhiệm vụ đưa đường cung cấp tình hình địch cho bộ đội. Có dịp là phối hợp với bộ đội lập chiến công như trận đánh Mỹ ở Phước Bình diệt 24 tên Mỹ. Trận đánh ở chùa Cô Ba - ấp 3, chặn đánh một tiểu đoàn biệt động quân và bọn Biệt khu thủ đô, diệt và làm bị thương 150 tên, bắn rơi 3 trực thăng, thu hàng trăm vũ khí và quân trang, quân dụng, bẻ gãy cuộc càn quét của giặc, bên ta có 6 chiến sĩ hy sinh.

Khi cuộc chiến chuyển sang giai đoạn mới chúng ta mất đồng chí Đồng Đen, một cán bộ biệt động mưu trí và dũng cảm. Giữa lúc cuộc tổng công kích còn đang tiếp diễn, trên đường trở về căn cứ đồng chí Lê Minh Xuân đã hy sinh ở Tân Kiên.

Trong chiến đấu chống Mỹ cứu nước, Bình Chánh đã sản sinh nhiều gương chiến đấu dũng cảm tuyệt vời như đồng chí Ba Tho - Bí Thư chi bộ xã Hưng Long và chị Ba Liên cán bộ Phụ nữ xã đã anh dũng chống giặc đến cùng. Do có chỉ điểm, ngày 25/11/1968 bọn chi khu Bình Chánh huy động cả tiểu đoàn vào bao vây ấp 4, nổ súng bắn phá suốt buổi sáng, vừa tấn công vừa gọi hàng, 2 chị tung nắp hầm bắn trả kịch liệt cho đến khi hết đạn, chị Ba Tho thủ quả lựu đạn bình tĩnh lên miệng hầm, bọn chúng tưởng chị chịu hàng, đợi cho chúng lại gần, lựu đạn nổ chị ngã gục, hàng chục tên lính bị thương. Mình chị Tho đầy thương tích nhưng chưa chết, bọn giặc bắt 2 chị đày đi Côn Đảo.

Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một đòn chính trị và quân sự lớn đánh vào đầu não của cả chế độ chính trị và bộ máy chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Bất ngờ lớn nhất đối với cả Mỹ và chế độ Sài Gòn chính là ở chỗ chúng không ngờ bị tấn công vào những yết hầu và đầu não của chúng một cách toàn diện và nhanh chóng như thế. Lần đầu tiên trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, toàn bộ hệ thống phòng thủ đô thị của Mỹ và chế độ Sài Gòn bị tấn công; hậu phương và hậu cứ chiến tranh của địch bỗng chốc trở thành chiến trường.

Quân và dân Bình Chánh tự hào về những đóng góp về sức người và tài sản của mình trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân 1968.

 Cuộc tổng tấn công và nổi dậy của quân và dân ta trong Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023