Hiệp định Paris buộc Mỹ cam kết chấm dứt mọi dính líu về quân sự và không can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Tuy buộc phải ký Hiệp định Paris, nhưng đế quốc Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu giữ miền Nam Việt Nam, vì thế chúng vẫn duy trì viện trợ súng, đạn và tiền của cho chế độ ngụy quyền Sài Gòn. Được sự viện trợ của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu hung hăng tuyên bố “Không có hòa bình với cộng sản” và thực hiện chính sách “Tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh “Bình định đặc biệt” để “Xóa thế da beo”.
Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, nguỵ quyền Sài Gòn đã soạn thảo một kế hoạch chống phá Hiệp định Paris mang tên Lý Thường Kiệt nhằm đạt mục tiêu một chính quyền, một quân đội.
Năm biện pháp đó là:
- Từ tháng 2/1973 đến tháng 8/1973, phải kiểm soát cho được phần lớn lãnh thổ (tràn ngập lãnh thổ).
- Xây dựng quân đội mạnh, chính quyền mạnh để củng cố lãnh thổ.
- Những điều khoản nào trong Hiệp định mà không có lợi là phá.
- Từ năm 1973 đến năm 1974, phục hội kinh tế. Từ năm 1975 đến năm 1978 phát triển kinh tế.
- Duy trì “Lực lượng răng đe của Mỹ ở Đông Nam Á bằng không quân và hải quân”.
Như vậy sau ngày có Hiệp định Paris miền Nam vẫn ở trong tình trạng chiến tranh. Trong năm 1973, địch mở 325.255 vụ hành quân lấn chiếm, hành quân cảnh sát, chiếm lại hầu hết các vùng ta mới giải phóng và một số vùng giải phóng từ trước.
Đối với nhân dân ta, sau 18 năm kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ, hy sinh, đây là một thắng lợi hết sức to lớn, mở ra một thời cơ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Tháng 3/1973, Quân ủy Trung ương kịp thời ra Chỉ thị “Nhiệm vụ của quân dân miền Nam là đi đôi với việc đẩy mạnh đấu tranh chính trị, pháp lý cần phải đánh bại mọi hành động lấn chiếm của địch, giữ vùng giải phóng, chuẩn bị về thế lẫn về lực, nếu địch mở rộng chiến tranh, ta quyết tiêu diệt chúng”.
Tháng 7/1973, Trung ương Đảng ta họp Hội nghị lần thứ 21. Về tình hình miền Nam sau Hiệp định Paris, Hội nghị nêu rõ “Ở miền Nam vẫn chưa có ngưng bắn, hòa bình chưa thực sự lập lại, ngụy quyền Sài Gòn được Mỹ giúp đỡ vẫn tiếp tục gây chiến” và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là “đấu tranh trên ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, tùy từng lúc, từng nơi mà kết hợp các mặt trận đó cho thích hợp, buộc địch phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp đinh Paris về Việt Nam, không ngừng giữ vững lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước và chủ động trong mọi tình huống đưa cách mạng miền Nam tiến lên”.
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ 21, Trung ương Cục miền Nam họp Hội nghị lần thứ 12. Hội nghị đã xác định nhiệm vụ của toàn miền là: “Ra sức tạo thế mới, tạo và nắm thời cơ giành thắng lợi lớn”.
Ở vùng xung quanh Sài Gòn - Gia Định, tại huyện Bình Chánh, tháng nào địch cũng mở các cuộc càn quét, mỗi phân chi khu (xã) có từ trung đội đến 1 đại đội nguỵ quân thường trực, đó là chưa kể lực lượng dân vệ khá đông, mỗi xã có 1 trung đội, có xã có đến đại đội.
Quán triệt nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 và Nghị quyết Trung ương Cục và Chỉ thị về tình hình nhiệm vụ trước mắt của Thường vụ Thành ủy. Tháng 8/1973, Đảng bộ huyện Bình Chánh đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Văn Thanh - Bí Thư Huyện uỷ, triển khai kế hoạch chống phá bình định, xây dựng lực lượng, tạo lực đón thời cơ giành thắng lợi mới.
Kẻ địch phản bội Hiệp định phải bị trừng trị đích đáng đó là quyết tâm của quân và dân Bình Chánh. Đồng chí Nguyễn Văn Sám (Tám Sám) - Bí thư chi bộ Tân Túc đã nghiên cứu ra cách chế tạo mìn bằng trái đạn pháo 105 ly của địch bắn vào bị lép. Đầu năm 1973, trong một trận càn của địch vào ấp 3, các đồng chí đã gài mìn làm nhiều địch chết và bị thương. Tại Bình Hưng Hoà giữa năm 1973, du kích xã phối hợp với đặc công đánh cứ điểm Gò Mây, diệt 4 tên địch trong đó có một tên trung uý. Ở Tân Tạo có những cô gái trẻ đã gây kinh hoàng cho địch, đó là đội du kích toàn nữ do đồng chí Võ Thị Xem là đảng viên phụ trách. Ngày 10/4/1973, hai nữ du kích Nguyễn Thị Thúy và Phạm Thị Thắng đã gài mìn ở chợ Bà Hom để diệt bọn tề ác ôn. Quả mìn do cô Thuý gài nổ đã giết chết tên trưởng ấp 1 và một tên phản bội
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris vừa ký kết lực lượng vũ trang cùng nhân dân Vĩnh Lộc nổi dậy phá ấp chiến lược, địch điên cuồng ném bom tàn sát đồng bào.
Vùng Bình Hưng năm 1973, lực lượng vũ trang cách mạng đã có thể về đây để luồn sâu đến lộ 13 đánh địch.
Cửa ngõ Tây Nam thành phố Sài Gòn, đồng bưng trống trãi, song căn cứ cách mạng ở ven đô là trong lòng dân. Vườn Thơm là căn cứ tốt nhất để các đồng chí lãnh đạo Thành ủy đứng chân. Hầu hết các đồng chí lãnh đạo trong Thành ủy đều có mặt ở Vườn Thơm như đồng chí Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Trần Bạch Đằng, Nguyễn Hộ, Tám Bái, Hai Sang, Ba Phương, Ba Tôn, Năm Thu, Sáu Tính, Hải Phụng, Bảy Bình và các đồng chí lãnh đạo Long An như đồng chí Chín Cần, Tư Thân, Tư Chiêu, Sáu Thắng.
Đầu năm 1974, Huyện uỷ Bình Chánh được củng cố và tăng cường thêm cán bộ, đồng chí Thọ đươc cử làm Bí thư thay đồng chí Lê Văn Thanh đi học. Đồng chí Năm Đông làm Phó Bí thư kiêm Trưởng Ban cán sự Nam Bình Chánh, Hầu hết các xã đều có chi bộ Đảng, có lực lượng du kích. Lực lượng võ trang và công an đã được củng cố.
Ngày 1/3/1974, du kích xã Vĩnh Lộc, phối hợp với bộ đội tiến công đồn địch trong ấp chiến lược số 3 hạ 13 tên. Cũng trong thời gian này ta lại đánh phá ấp chiến lược số 1 lần thứ hai. Để đối phó với lực lượng vũ trang ta, bọn địch ở Vĩnh Lộc được tăng cường quân số và vũ khí, trang bị.
Tháng 11/1974, Thành đội Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo lực lượng du kích các địa phương mở thế đứng chân thành thế liên hoàn nối liền với các lõm chính trị bên trong nội đô ở sáu hướng. Tân Bình, Bắc Bình Chánh là một trong 6 hướng đó có Đoàn 197, đặc công yểm trợ. Nhiệm vụ của Bắc Bình Chánh là phải giải phóng hoàn toàn xã Bình Lợi, giải phóng cơ bản xã Tân Nhựt, phá banh trại tập trung Bà Lát, đưa các xã Tân Túc, Tân Tạo, Tân Kiên lên thành vùng tranh chấp mạnh, uy hiếp địch ở tỉnh lộ 10 áp sát lộ 4. Hoàn thành những nhiệm vụ trên ta sẽ có bàn đạp đứng chân ở hướng Tây Nam Sài Gòn. Phong trào du kích chiến tranh phát triển đều khắp vùng, bọn lính đi đốt lá, phá địa hình ở Tân Túc bị vướng trái thương vong nên không dám đi nữa. Nhiều trận đột kích của du kích và bộ đội địa phương ở Chợ Đệm đã làm địch hoang mang lo sợ. Ở phân chi khu Bà Hom địch tăng cường thêm tiểu đoàn 8 biệt động quân nhưng cũng không kềm kẹp nổi phong trào cách mạng. Tháng 3/1974, du kích Tân Tạo phối hợp với đặc công Huyện đánh tháp canh cầu Bà Bộ trên hướng lộ 4. Trong trận đánh tháp cầu Cầu Kinh ta diệt tên trung đội trưởng bảo an và một số lính bị thương, từ đó ta làm chủ một vùng rộng lớn trên hương lộ 4, nhờ vậy bà con trong ấp chiến lược bung về vườn cũ làm ăn. Thời gian này lực lượng vũ trang ta thường xuyên pháo kích vào đồn Thái Văn Minh, làm cho chúng ban đêm không dám ở trong đồn, phải phân tán dã ngoại. Cờ ba que của địch bị ta gỡ bỏ, lựu đạn bẫy mìn được gài quanh các lõm du kích. Tháng 11/1974, ta phục kích đánh một tiểu đoàn biệt động quân tại cầu Chùa tỉnh lộ 10 diệt 17 tên thu một số quân trang, quân dụng và tấn công đồn dân vệ ấp 4.
Ngày 12/10/1974, trong một trận phục kích, bộ đội Bình Chánh và du kích Tân Nhựt diệt được nhiều địch, trong đó có tên trung tá quận trưởng Nguyễn Đức Thuận.
Ngày 11/11/1974, bộ đội Bình Chánh và du kích tiến công và san bằng phân chi khu Đa Phước, diệt 5 tên và làm bị thương 8 tên, thu 6 khẩu súng.
Ngày 19/12/1974, một đơn vị thuộc Trung đoàn Gia Định đánh phân chi khu Bình Hưng Hoà, diệt 8 tên, làm bị thương 5 tên.
Những tháng cuối năm 1974, bộ đội địa phương Huyện phối hợp với du kích tấn công trụ sở dân vệ ấp 2, Bình Trị Đông phá sập trụ sở, bắt sống 15 tên dân vệ.
Năm 1974, đồn Lý Văn Mạnh lại bị ta bao vây, các con đường dẫn đến đồn đều bị cắm chông, gài mìn, lựu đạn. Các cuộc phục kích đánh vào các đoàn tiếp tế cho đồn Lý Văn Mạnh xảy ra thường xuyên. Cuối 1974, Đoàn 117 đặc công về đóng ở Vườn Thơm.
Được Đoàn 198 đặc công hỗ trợ, bộ đội địa phương và du kích Nam Bình Chánh đã phục kích, gài mìn và liên tiếp đánh phá địch đánh địch ở Hưng Long, Phong Phú, Đa Phước, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Cùng với hoạt động vũ trang, công tác binh vận xây dựng nội tuyến cũng được chú trọng. Trong các lõm du kích, cờ Mặt trận được treo cao, các sinh hoạt văn nghệ thường được tổ chức nhằm động viên quần chúng. Vùng địch kiểm soát, truyền đơn, cờ Mặt trận được rải khắp nơi để giải thích đường lối chính sách của Mặt trận Giải phóng và kêu gọi binh lính nguỵ bỏ ngũ theo cách mạng hoặc trở về nhà làm ăn lương thiện.
Bình Chánh là bàn đạp của quân ta tiến vào nội đô, đây cũng là trạm giao liên gần nhất từ Ba Thu về Thành phố Sài Gòn. So với tết Mậu Thân lần này quân số ta đông hơn, khí tài nhiều hơn trước, song thời gian ngắn làm sao chuẩn bị đường dây chu đáo, an toàn cho các lực lượng nội thành vào trước, nghĩa là Bình Chánh vừa phải lo hoàn thành nhiệm vụ ở địa phương vừa phải làm nhiệm vụ hậu cứ hỗ trợ cho cơ quan nội thành. Lực lượng thực tế của Bình Chánh lúc này muốn hoàn thành các nhiệm vụ nói trên đòi hỏi phải có sự nỗ lực vượt bậc. Trước hết phải diệt ác, phá tề, đánh cho bọn địch phải co cụm lại, bọn mật thám phải cút khỏi các địa bàn trọng điểm để trống chỗ, trống đường cho ta đi lại dễ dàng và ém quân kín đáo. Du kích và bộ đội Bình Chánh đánh bót Chồi ký, vây ép bọn dân vệ ở Hưng Long, Đa Phước, Tân Quý Tây, vây bót Chợ đệm, phá rã bọn phòng vệ dân sự ở Tân Tạo, uy hiếp tề, xã phân chi khu Bình Trị Đông.
Cuối 1974, các lõm căn cứ ở Tân Nhựt đã được củng cố, tạo chỗ đứng cho lực lượng vũ trang ta. Du kích và lực lượng vũ trang ta bám chặt các chốt địch, đồng thời phát động quần chúng làm công tác tuyên truyền binh vận tranh thủ số lừng chừng, tiêu diệt bọn ngoan cố. Nhờ vậy hoạt động của địch ở địa phương rất hạn chế. Trước đà thắng lợi của cách mạng trên khắp chiến trường, bọn giặc ở địa phương không còn hung hăng như trước. Ngày 6/3/1975, bộ đội Bình Chánh cùng du kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 86 Biệt động quân tại ấp 5.
Từ tháng 1 đến tháng 3/1975, ở căn cứ Vườn Thơm, lực lượng vũ trang và du kích liên tục chặn đánh các cuộc hành quân lùng sục của bọn biệt động quân, bọn thám báo, bọn bảo an, Tiểu đoàn Biệt động quân số 87 của địch bị ta đánh thiệt hại nặng. Song song với các hoạt động vũ trang, nhiều đợt quần chúng có cả gia đình binh sĩ kéo đến đồn Lý Văn Mạnh, Cầu Xáng đấu tranh chống càn quét, kêu gọi binh sĩ đừng đi càn chết uổng mạng, hãy bỏ ngũ về nhà làm ăn. Nhiều truyền đơn, cờ Mặt trận rải quanh đồn bót. Mỗi lần bà con nhắc đến trận Phước Long đã tác động rất mạnh tới quân nguỵ, nhất là sau thảm bại Buôn Mê Thuật càng thuận lợi cho công tác binh vận. Được sự hỗ trợ của một đơn vị thuộc Sư đoàn 9, chi bộ Bình Lợi huy động toàn bộ lực lượng du kích vây ép đồn Lý Văn Mạnh, đồn Cầu Xáng, căn cứ của bọn địa phương quân đóng ở cạnh nhà thờ Ninh Phát.
Tháng 3 năm 1975, cục diện chiến trường miền Nam thay đổi nhanh chóng chưa từng thấy trong hơn 20 năm đánh Mỹ. Chỉ trong một thời gian ngắn, đặc biệt chỉ không đầy một tuần sau đòn tiến công Buôn Mê Thuột, ta đã tiêu diệt về cơ bản quân đoàn 2 ngụy, phá ra từng mảng chính quyền địch, giải phóng nhiều vùng đất đai quan trọng, đặc biệt là vùng chiến lược Tây Nguyên, phá vỡ thế phòng ngự chiến lược của địch ở Quân khu 2, buộc chúng phải từ phòng ngự chiến lược chuyển sang rút lui co cụm chiến lược. Phía Tây Bắc và Bắc Sài Gòn ta đã giải phóng thêm Dầu Tiếng. Phía Đông Bắc ta chiếm Định Quán, giải phóng đường 20, đường 3, một đoạn quốc lộ 1, uy hiếp Xuân Lộc… Thời cơ chiến lược đã xuất hiện.
Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị họp hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch 2 năm giải phóng miền Nam trong năm 1975 và xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu sắp tới sẽ là Sài Gòn.
Tiếp theo chiến dịch Tây Nguyên, quân ta tiến công như vũ bão trong chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi từng ngày, từng giờ, dẫn đến những ngày quyết định nhất của cuộc chiến tranh giải phóng.
Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị họp nhận định về giai đoạn phát triển nhảy vọt của cục diện quân sự và chính trị ở miền Nam, từ đó xác định: “Thời cơ chiến lược đã tới”, cần “Nắm vững thời cơ chiến lược mới, tranh thủ thời gian cao độ, nhanh chóng tập trung lực lượng vào hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ, làm cho địch không dự kiến kịp và không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng miền Nam càng sớm, càng tốt”.
Ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm và kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, đồng thời chuẩn y đề nghị từ chiến trường, chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.
Ngày 12/4/1975, Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra Nghị quyết chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Mười Thơ Thường vụ Thành uỷ phụ trách các huyện ngoại thành mời đồng chí Ba Thọ - Bí thư Huyện uỷ Bình Chánh về họp đánh giá tình hình các mặt của Huyện và có kế hoạch triển khai để phục vụ cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ngày 26/4/1975, một bộ phận của Thành ủy đã về Vườn Thơm để trực tiếp chỉ đạo các cơ sở nội đô và Bình Chánh, gọi là Cánh A (bộ phận Tiền Phương của Thành ủy) do đồng chí Mai Chí Thọ - Bí thư Thành ủy làm Chỉ huy trưởng. Ban Chỉ huy huyện Bình Chánh do đồng chí Lê Thọ - Bí thư Huyện ủy làm Chỉ huy trưởng phụ trách trực tiếp cánh phái Bắc, đồng chí Năm Đông - Phó Bí thư Huyện ủy trực tiếp cánh Nam và các ủy viên: Ba Điệp, Tư Nhiều, Sáu Già, Bảy Quân, Ba Xinh… lực lượng huyện chia làm 4 bộ phận tiến chiếm 4 mục tiêu:
1. Căn cứ Chi khu và trụ sở huyện Bình Chánh.
2. Kho gạo và xa cảng An Lạc.
3. Chiếm đồn Thái Văn Minh.
4. Chiếm cầu Bình Điền.
Lực lượng Bắc Bình Chánh do đồng chí Lê Thọ chỉ huy tập kết tại Tân Tạo, Tân Kiên, cánh Nam do đồng chí Năm Đông chỉ huy có mặt tại Hưng Long, Phong Phú, cả hai đã sẵn sàng chờ giờ xuất kích giải phóng huyện nhà.
Chiều 27/4/1975, hai tiểu đoàn chủ lực Long An do đồng chí Tư Thân chỉ huy và Trung đoàn 88 đã về đến các xã Nam Bình Chánh.
Tại Vĩnh Lộc, sự chuẩn bị đi vào chiến dịch khá chu đáo, đồng bào tham gia rất tích cực. Quận ủy Tân Bình và một số lực lượng vũ trang về đây ém quân được bảo mật an toàn. Sáng ngày 29/4/1975, quần chúng, du kích xã Vĩnh Lộc được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang đã nỗi dậy giải phóng xã. Hệ thống chính quyền của địch hoàn toàn tan rã. Dân vệ, lính bảo an và bọn tề bỏ chạy. Ngay sau khi giành được chính quyền Đảng bộ xã đã lãnh đạo du kích và đồng bào tổ chức việc phòng thủ, đề phòng địch phản kích, đông đảo thanh niên tham gia dân quân du kích.
8giờ sáng ngày 30/4/1975, du kích cùng hàng trăm đồng bào kéo vào trụ sở nguỵ quyền xã Tân Nhựt kêu gọi địch buông súng đầu hàng cách mạng, ta thu toàn bộ súng đạn, bắt 40 tên lính, giành chính quyền về tay nhân dân.
Là một thị trấn có đường ô tô trực tiếp lên thành phố, dưới sông ghe, thuyền tấp nập, Chợ Đệm tiếp nhận tin tức các nơi rất nhanh chóng, tin chiến thắng của quân dân ta làm cho nhân dân vô cùng phấn khởi, bọn địch hoang mang lo sợ. Được sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Quốc Trọng (Tư Cốc) - Huyện uỷ viên phụ trách liên xã Bình Chánh, Tân Túc, chi bộ xã quán triệt đầy đủ chủ trương mở Chiến dịch Hồ Chí Minh giành chiến thắng hoàn toàn trên khắp miền Nam. Đảng viên, quần chúng cách mạng Tân Túc tích cực tham gia dân công và huy động các phương tiện vận tải trên bộ, dưới sông để vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa đón bộ đội, cờ Mặt trận Giải phóng được may xong đêm 29/4/1975. Suốt đêm 29 đến sáng 30/4, loa kêu gọi binh sĩ đầu hàng bỏ ngũ được phát liên tục. 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, phần lớn binh lính tại Chợ Đệm, Tân Túc rã ngũ gần hết. 11giờ trưa cùng ngày đồng chí Dũng giương lá cờ lớn của Mặt trận dẫn đầu đoàn du kích và đồng bào từ lõm du kích Gò Làng tiến thẳng ra Chợ Đệm, tiếp theo là đoàn các đồng chí Tám Sám - Bí thư chi bộ, đồng chí Đực Giò, Hai Chậu, Chín Điền và nữ đồng chí Tư Biết cũng ra tới. Nhân dân trong các ấp cũng kéo ra Chợ Đệm đón đoàn cán bộ. Bọn địch run sợ không dám phản ứng gì. Lá cờ cách mạng được kéo lên trước nhà việc Tân Túc. Uỷ ban Nhân dân Cách mạng xã ra mắt đồng bào. Tân Túc được hoàn toàn giải phóng vào lúc 11 giờ trưa ngày 30/4/ 1975.
Quân chủ lực đã về ém quân ở Tân Tạo ngày 27/4/1975, pháo và tên lửa ta đặt ở ấp Tân Lợi Đông bắt đầu đội bão lửa vào sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 3 giờ sáng ngày 29/4/1975.
5 giờ sáng ngày 29/4, đội nữ du kích xã nổ mìn đánh trụ sở nguỵ quyền tại Tân Tạo. Đến 7 giờ sáng du kích xã dẫn bộ đội chủ lực đánh liên đoàn biệt động 84, đánh chặn tỉnh lộ 10 (từ Cầu Xáng đến Tân Tạo) để mở đường cho quân ta tiến vào Sài Gòn. Một cánh quân khác đánh vào đồn Thái Văn Minh và một tiểu đoàn ngụy đang co cụm ở lò gạch ấp Tân Hoà. 3 giờ chiều ngày 29/4/1975 du kích xã đã cắm cờ cách mạng lên cột cờ nguỵ quyền xã Tân Tạo. Nhân dân đổ ra đường hò reo mừng quân giải phóng.
Sáng 30/4/1975, 3000 lính nguỵ từ Đức Hoà và Long An tràn về co cụm tại Lò Gạch - Cầu Xáng. Du kích, bộ đội và nhân dân địa phương kéo đến bao vây, vừa khống chế, vừa giải thích, kêu gọi chúng đầu hàng. Các nữ du kích cùng các má, các chị tay không vào chỗ địch đóng quân thuyết phục binh sĩ buông súng. Một tên sĩ quan ngoan cố giơ súng lục định bắn vào một cô du kích, nhanh tay hơn một đồng chí ta đã nổ súng bắn trúng tay tên này, làm hắn phải buông súng. Đến 12 giờ trưa 3.000 tên địch đã đầu hàng cách mạng ta thu toàn bộ số súng của địch rồi dùng 3 xe vận tải chở đi. Trong đám tù binh này có tên thiếu tá Quận trưởng quận Đức Hoà và tên Liên đoàn trưởng Liên đoàn Biệt động quân số 84. Ta chỉ giữ lại 9 sĩ quan từ đại uý đến đại tá, còn binh sĩ nguỵ được tự do về với gia đình và trình diện tại địa phương cư trú.
Đồn Thái Văn Minh ngoan cố chống cự nhiều giờ, cuối cùng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, một số đầu hàng tại chỗ, một số bỏ chạy tán loạn. Bên ta hy sinh 18 chiến sĩ.
Trước sự uy hiếp của lực lượng võ trang địa phương, bọn lính đồn Lý Văn Mạnh và Cầu Xáng rút chạy về căn cứ địa phương quân ở nhà thờ Ninh Phát từ chiều 29/4/1975, ta tăng cường lực lượng bao vây, vừa phát loa giải thích chính sách khoan hồng của cách mạng kêu gọi binh sĩ nguỵ bỏ súng đầu hàng. Bọn chỉ huy ngoan cố tiếp tục cho binh lính nổ súng chống cự. Một số binh lính bỏ mặc chỉ huy, bỏ căn cứ trở về với nhân dân. Trưa 30/4/1975, cờ cách mạng mới kéo lên vọng lầu của căn cứ này.
Ở cánh Nam Bình Chánh, đồn Phong Phú cũng thuộc loại ngoan cố, cuối cùng rồi cũng phải bỏ chạy.
11giờ 30 ngày 30/4/1975, tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
12 giờ trưa cùng ngày lực lượng võ trang địa phương tiến vào chi khu Bình Chánh, đồng chí Chín Ngón và Ba Minh vào đồn kêu gọi chúng đầu hàng, nhưng bọn chúng đã bỏ chạy từ trước.
Cùng với toàn thể nhân dân miền Nam nhân dân Bình Chánh sau hơn 20 năm gian khổ hy sinh mới có mùa xuân trọn vẹn, đồng bào Chợ Đệm suốt đêm 30/4 không ngủ, quấn quýt bên nhau thăm hỏi ai còn ai mất, ai còn ở xa. nhiều bà mẹ trong ngày vui nghĩ về những đứa con vĩnh viễn nằm không trở về, lặng lẽ thắp hương thầm gọi con mà không cầm được nước mắt.
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, sau hơn 20 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đầy gian khổ và hy sinh, Đảng bộ và nhân dân Bình Chánh tự hào đã đóng góp một phần xương máu cho chiến thắng chung của nhân dân Thành phố và nhân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sau 45 năm (1930-1975) theo Đảng đứng lên đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, Bình Chánh có 4.236 liệt sĩ, 16 tập thể và 7 cá nhân được Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, 241 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng và hàng ngàn thương bệnh, gia đình có công với cách mạng. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Bình Chánh hôm nay.
Bia tưởng niệm liệt sỹ Trung đoàn 117 trong cuộc tiến công chiếm đồn
Thái Văn Minh 1975