Cuối năm 1959, đồng chí Võ Văn Kiệt, Xứ ủy viên, Phó Bí thư Liên tỉnh miền Tây, được Xứ ủy điều động về công tác tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Đồng chí nhận thấy nội thành Sài Gòn không thể tách rời vùng nông thôn ngoại thành thuộc tỉnh Gia Định và cơ quan lãnh đạo của Thành phố cũng không thể không có vùng căn cứ ở nông thôn để đứng chân. Do đó, đồng chí kiến nghị với Xứ ủy sáp nhập hai Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định

Sau khi sáp nhập, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định đã họp Hội nghị mở rộng để sắp xếp tổ chức, ra Nghị quyết về nhiệm vụ cho toàn khu, trong đó có kế hoạch Đồng Khởi trong phạm vi Gia Định.

Về phía địch, trong tình trạng khủng hoảng, bị động và lúng túng trước phong trào Đồng Khởi của cách mạng miền Nam, Mỹ phải thay đổi kế hoạch “Chống nổi dậy” bằng chiến lược quân sự mới.

Ngày 13/5/1961 tại Sài Gòn, Phó tổng thống Jonhson và Diệm đã ký bản Tuyên bố chung 8 điểm. Nội dung chủ yếu là tăng viện trợ quân sự vũ khí và chuyên viên Mỹ. Đây là cơ sở đầu tiên để chúng thực hiện chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”.

Từ tháng 6 đến tháng 10/1961, Mỹ lần lượt cử hai phái đoàn, kinh tế do Staley cầm đầu và phái đoàn quân sự do tướng Taylor cầm đầu sang miền Nam Việt Nam xây dựng kế hoạch hỗn hợp kinh tế và quân sự cho chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Kế hoạch này dự tính thực hiện 3 bước: Bước một, là bình định miền Nam trong vòng 18 tháng (từ giữa năm 1961 đến cuối năm 1962); Bước hai, là khôi phục kinh tế và phát triển quân đội ngụy ở miền Nam, đẩy mạnh phá hoại miền Bắc; Bước ba, là phát triển kinh tế mạnh ở miền Nam, tấn công miền Bắc.

Biện pháp cốt lõi của kế hoạch bình định là xây dựng ấp chiến lược thực hiện kiểu “Tát nước bắt cá”, tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng.

Huyện Bình Chánh từ cuối 1960, tại Vườn Thơm nhiều trận phục kích lính ngụy xảy ra liên tục. Đêm đêm trống mõ inh ỏi, truyền đơn, khẩu hiệu được rải, được treo khắp nơi. Đồn Lý Văn Mạnh bị bao vây dài ngày, bọn lính phải chịu cảnh thiếu nước, thiếu lương thực hàng tháng trời. Bót Gò Xoài cũng lâm cảnh tương tự, cuối cùng lính cả hai bót đều bỏ chạy. Từ tháng 1/196, ở Vườn Thơm không còn bót địch nhân dân hai xã Tân Bình, Tân Lợi được sống tự do. Đó là kết quả của sự kiên trì, dũng cảm bằng sức mạnh tại chỗ tự giải phóng. Năm 1961, tại xã Tân Bình xuất hiện một tiểu đội trưởng du kích thông minh, gan dạ, từ Tiểu đội trưởng tiến bộ trở thành Xã đội trưởng đó là đồng chí Lê Minh Xuân.

Đầu năm 1961, tiểu đoàn 301 của Bình Tân, tổ chức tập kích diệt một trung đội dân vệ ở ấp 3 xã Bình Trị Đông. Đồng chí Phạm Văn Hai đã có công góp phần xây dựng lực lượng võ trang tập trung Bình Tân từ 3 chiến sĩ lên đến gần một đại đội, được trang bị đầy đủ vào năm 1962, xây dựng phát triển trên 20 đảng viên chất lượng tốt.

Tháng 9/1961, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ra Nghị quyết “Về công tác quân sự”. Vận dụng phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, khu ủy chủ trương: “Ở vùng ngoại thành, hỗ trợ cho nhau đẩy lùi địch từng bước đánh bại từng âm mưu thủ đoạn của địch, tiến lên giành quyền làm chủ với các mức độ khác nhau”.

Tháng 11/1961, Huyện ủy Bình Tân mở hội nghị quán triệt Nghị quyết “Công tác quân sự” của Khu ủy và vận dụng Nghị quyết nói trên vào hoàn cảnh cụ thể của huyện Bình Tân. Huyện ủy chủ trương chia ra làm 3 vùng:

1. Vùng ven đô, gồm các xã Xuân Thới Thượng, Tân Thới Nhất, Tân Sơn Nhì, Phú Thọ Hòa, Bình Trị Đông, An Lạc đấu tranh chính trị là chính, kết hợp với vũ trang hỗ trợ phục vụ cho các yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

2. Vùng có thể tranh chấp gồm các xã: Vinh Lộc, Tân Hòa, Tân Tạo, Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc, Bình Chánh, An Phú Tây, tại đây đấu tranh chính trị và võ trang kết hợp với nhau nhằm đánh bại từng bước các âm mưu thủ đoạn của địch tiến lên giành chính quyền làm chủ từng xóm, từng ấp đến liên ấp.

3. Hai xã Tân Bình và Tân Lợi có thể tranh chấp mạnh, ta đã làm chủ nhiều ấp và là căn cứ của Huyện nên ở đây đấu tranh võ trang là chính, có thể kết hợp đấu tranh chính trị bằng 3 mũi giáp công, bao vây đồn địch, tiến tới buộc địch rút đồn Gò Xoài, Lý Văn Mạnh giải phóng hai xã.

Rút kinh nghiệm thất bại lập khu trù mật và khu dinh điền, lần này lập ấp chiến lược Mỹ ngụy làm bài bản và thâm độc hơn, chúng chú ý dùng quân sự kể cả quân chủ lực để hỗ trợ. Bắt đầu địch làm thí điểm ở Tây Nam Sài Gòn tại các xã Tân Nhựt, Tân Hòa, Vinh Lộc. Đên đầu năm 1962, chúng triển khai mạnh. Từ tháng 4/1962, quốc sách ấp chiến lược ra đời.

Ngoài tề, điệp, cảnh sát, mật thám, bảo an, dân vệ, chúng còn đưa về vùng thí điểm 2 tiểu đoàn thuộc sư đoàn 7, một sư đoàn bộ binh của ngụy để hỗ trợ vùng thí điểm.

Nhân dân Vinh Lộc, Tân Hòa, Tân Nhựt, Bình Lợi chống lại việc dồn dân lập ấp chiến lược một cách quyết liệt suốt năm 1962. Cuộc đấu tranh trở thành cao trào sau ngày Khu ủy Sài Gòn - Gia Định ra Nghị quyết phá ấp chiến lược.

Tháng 2/1962, là thời điểm Mỹ ngụy thực thi chiến thuật “Tân Kỳ” thiết xa vận và trực thăng vận, nơi chúng áp dụng đầu tiên cũng là huyện Bình Tân. Đầu tháng 2/1962, Mỹ ngụy mở trận càn quy mô vào Vườn Thơm, anh em du kích, lúc đầu còn đứng xem máy bay trực thăng lượn vòng cho tới khi bọn công dân vụ và lính nhảy ra khỏi trực thăng quân ta mới vào công sự chiến đấu.

Bọn Mỹ ngụy rất cay cú trước sự thất bại ở Vườn Thơm, chúng mở nhiều cuộc hành quân tái chiếm đóng lại các đồn ở Gò Xoài, Lý Văn Mạnh nối với Cầu Xáng và đồn Bà Tà, gom dân lập ấp chiến lược, ra sức ruồng bố giành thế chủ động hòng xóa vùng căn cứ của ta, chúng không từ bất cứ hành động dã man tàn ác nào. Nhờ có sự chỉ điểm của tên Ba Cồ bọn địch đã bắt được hai chiến sĩ của ta. Không khai thác được gì, chúng bắn chết tại chỗ đồng chí Út Lào chúng mổ lấy gan xào ăn, trước hàng động man rợ của giặc, bà con ta càng căm thù chúng tận xương tủy. Song song với sự đàn áp, bọn địch tìm cách dụ dỗ, lôi kéo đồng bào về sống quanh đồn.

Nhân dân vùng Vườn Thơm trải qua nhiều năm được cách mạng giáo dục, ý thức địch ta rất rõ ràng không hề nhầm lẫn, cán bộ đồng bào ngày đêm xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân sẵn sàng đối phó với địch. Nhiều thanh niên yêu nước được cử đi tập huấn đã trở thành du kích làm hạt nhân cho võ trang địa phương. Từ năm 1961, hai ban chỉ huy quân sự ở hai xã Tân Bình và Tân Lợi đã hình thành: Xã Đội trưởng Tân Bình là đồng chí Lê Minh Xuân và Xã Đội trưởng Tân Lợi là đồng chí Ba Ngọc, mỗi xã đội đều có đơn vị võ trang trên dưới 15 du kích có kinh nghiệm chiến đấu, được huấn luyện, tuy vũ khí còn thô sơ nhưng tác chiến rất hiệu quả, nhiều thanh niên trong vùng hăng hái vào du kích chiến đấu. Anh thanh niên Võ Văn Nón tự mình tìm cách cướp được một khẩu súng của địch tại lò đường Đại Phát để xin vào du kích. Sau đó anh Mừng noi gương anh Nón cướp thêm một khẩu súng để được vào du kích, những sự việc như thế thường xuyên xảy ra ở Vườn Thơm.

Anh em du kích, nhân dân thường sau giờ sản xuất ai ai cũng đều vót chông, làm bẫy hay nghĩ cách nào đó để ngăn cản địch đi càn. Nhiều hầm hào, bãi chông, bãi mìn, mô đất được bố trí trong xã để chặn quân giặc vào, mọi người truyền cho nhau kinh nghiệm bắn tỉa, sử dụng mìn, đạp lôi chế súng ngựa trời, bắn súng đại chài. Đồn giặc bị hầm chông gài xung quanh, du kích phân công nhau phục kích bắn tỉa, thế là đồn bị bao vây, lính không dám ra khỏi đồn. Mỗi lần đi ra ngoài nhận lương thực là mỗi lần chúng phải trả giá bằng máu. Những phát súng bắn tỉa của anh Sáu Ngọn luôn là nỗi ám ảnh của bọn lính đồn Lý Văn Mạnh. Du kích càng đánh mạnh, chiến tranh nhân dân càng phát triển.

Tết âm lịch, Mặt trận Giải phóng ra lệnh ngừng bắn để đồng bào ăn tết. Ta phát loa kêu gọi binh lính trong đồn Lý Văn Mạnh chấp hành lệnh ngừng bắn để về nhà ăn tết. Một số lính cố thủ trong đồn chờ lệnh cấp trên, một số liên lạc với ta xin phép về quê ăn tết, được ta đồng ý. Sau tết lại tiếp tục vây đồn, bọn lính hoang mang lo sợ, lợi dụng có cuộc hành quân của bọn lính Đức Hòa tại vùng giáp ranh Tân Bình - Tân Lợi, lính đồn Lý Văn Mạnh rút chạy về hướng đó. Đây là lần thứ hai địch phải bỏ đồn Lý Văn Mạnh. Riêng đồn Gò Xoài không dám rút chạy vì xa cuộc hành quân nói trên. Giữa năm 1962, chúng đóng lại đồn Lý Văn Mạnh và củng cố đồn Gò Xoài, song bọn lính không dám ruồng bố, chỉ quanh quẩn khu vực đồn, tề ấp rệu rã không dám quấy nhiễu dân.

Tháng 4/1962, trong một trận phục kích phối hợp, anh Tám du kích xã Tân Lợi đã dùng súng bá đỏ bắn cháy một chiếc M113. Đây là chiếc thiết xa Mỹ bị bắn đầu tiên ở chiến trường Bình Tân.

Từ năm 1962, chiến tranh du kích ở Tân Lợi - Tân Bình đã phát triển đến trình độ cao, toàn khu vực được phân thành 3 tuyến:

1. Tuyến trước, ven lộ Mù U, lực lượng xung kích thường xuyên theo dõi địch sẵn sàng nổ súng khống chế chúng từ phút đầu.

2. Giáp tuyến trước là tuyến chùa Phật Cô Đơn, dân quân tự vệ nghiêm mật canh gác theo dõi địch báo động kịp thời.

3. Tuyến trong, sát đồn Lý Văn Mạnh, Gò Xoài, Cầu Xáng du kích binh vận bao vây kinh tế, thường xuyên phong tỏa địch.

Đầu tháng 8/1962, cùng với bộ đội Long An, du kích Vườn Thơm đã diệt một xe cơ giới và một số địch, thu một số vũ khí, trang bị quân sự, trong đó có một máy bộ đàm BRC25. Sang tháng 10/1962, du kích lại phục kích tại Kinh Một, chặn đánh đoàn lính đồn Lý Văn Mạnh trên đường đi về Cầu Xáng, diệt 9 tên, thu 10 súng. Du kích Tân Bình - Tân Lợi còn phối hợp với các xã bạn như Tân Nhựt, Bình Chánh, Tân Tạo vây bót, phá ấp chiến lược. Đáng kể có trận tiêu diệt đồn xã Đê vào tháng 4/1962, phối hợp phá ấp chiến lược ở Tân Nhựt. Trong lần phá ấp chiến lược cuối năm 1962 đồng chí Năm Quy Xã Đội trưởng Tân Lợi đã hy sinh, địch cắt đầu đồng chí bêu cọc sắt đồn Bà Tà. Cuối năm 1962, ta tổ chức vây đồn Lý Văn Mạnh lần thứ 3, để giải vây cho đồng bọn, địch mang bom ném xung quanh đồn sát vòng rào và đưa sư đoàn 7 đến quyết diệt quân ta, nhưng du kích vẫn bám sát đồn nên bom không làm gì được. Mặt khác, quần chúng kéo lên quận Đức Hòa biểu tình phản đối máy bay ném bom bừa bãi làm thiệt hại dân chúng, phản đối quân của sư đoàn 7 hành quân cướp phá dân. Quận trưởng lúng túng chưa biết tính sao, thừa dịp lính sư đoàn 7 rút lui, lính bỏ đồn chạy theo về Cầu Xáng. Một lần nữa cuộc bình định Vườn Thơm lại thất bại.

Để chào mừng ngày Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời, ngày 20/12/1962, ta tổ chức triển lãm chiến lợi phẩm tại bờ Kinh 3, nhân dân Tân Lợi, Tân Bình và các xã ấp lân cần đến tham dự rất đông, cuộc mit tinh lớn có tác dụng nâng cao uy thế cách mạng.

Vườn Thơm được giải phóng lần thứ 3, nhân dân vô cùng phấn khởi. Nhiều tổ chức quần chúng được xây dựng như: Nông dân giải phóng, Thanh niên giải phóng. Thanh niên là lực lượng nòng cốt của phong trào chiến tranh nhân dân, nguồn bổ sung cho chủ lực miền. Từ tháng 8/1961 đến năm 1962 đã có hàng trăm thanh niên Vườn Thơm đi tòng quân.

Một số cơ quan đã về đóng trụ sở Dân chính Đảng Bình Tân, các cơ quan Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Vườn Thơm cũng là trạm tiếp nhận vũ khí từ các nơi đưa đến rồi từ đây chuyển vào Thành phố. Bọn địch gọi Vườn Thơm “Mật khu Lý Văn Mạnh”, không chiếm đóng được, bọn chúng ra sức đánh phá, địch cho pháo 105 ly từ Đức Hòa và các đồn lớn xung quanh bắn vào, máy bay AD6 thường xuyên ném bom, bắn đại bác 20 ly. Giang thuyền chạy vào kinh Rau Răm, Kinh 4, 5, Bà Vụ hàng đoàn, bắn phá hai bờ kinh, bắn vào ghe thuyền của đồng bào. Rồi trực thăng bất ngờ đổ quân xuống vùng Kinh 4, 5 chúng đánh phá như vậy từng đợt 4, 8 ngày.

Ở vùng tranh chấp, địch rất chú ý đến xã Tân Nhựt, ba tháng đầu năm 1962, việc dồn dân lập ấp chiến lược gặp phải sức đấu tranh quyết liệt của đồng bào. Tháng 5/1962, địch tập trung lực lượng Dân vệ, Bảo an, Ban 2, chúng huy động cả quân chủ lực, trắng trợn cào nhà, đốt chòi của dân, lùa dân vào ấp chiến lược, chúng đánh đập bắn chết tại chỗ nhiều người như ở ấp Tân Thành. Bằng những biện pháp tàn bạo cho đến tháng 8/1962 chúng đã lập được 6 ấp chiến lược theo số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6. cư dân bị xáo trộn, nhiều nhóm không có cơ sở cách mạng, liên lạc gặp nhiều khó khăn, cán bộ bị lộ, du kích không bám được cơ sở. Phía ngoài ấp chiến lược địch càn quét liên tục, bọn tề ấp, gián điệp ngóc đầu dậy. Những gia đình có người thân đi kháng chiến ban đêm phải ngủ tập trung có lính gác. Trước tình hình đó, chi bộ họp nhận thấy rằng những khó khăn ta gặp không phải hoàn toàn do địch gây ra mà trong đó có phần của ta, nhiều đồng chí ta chủ quan cho rằng quần chúng đấu tranh địch khó thực hiện, không có kế hoạch cụ thể để bố trí cán bộ bám theo dân để lãnh đạo nên khi địch gom được dân, ta bị động không dự liệu khi tình huống xấu xảy ra. Bấy giờ ta gặp khó khăn lớn, gần 2 tháng không bám được dân, không liên lạc được với cơ sở phải bằng mọi giá, bằng mọi cách khắc phục. Đồng chí Bí thư chi bộ kêu gọi anh em không được bi quan, phải bám sát cơ sở nắm chắc phương hướng công tác: “Chúng ta phải luồng sâu trụ lại, phải diệt ác phá kềm thì mới đưa phong trào lên được”. Trong tình thế khó khăn chúng ta phải suy nghĩ vận dụng phương châm tấn công địch bằng 2 chân 3 mũi. Lực lượng võ trang phải tích cực, chủ động hơn, phải sử dụng lực lượng binh vận kết hợp lực lượng võ trang tấn công địch để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng bung ấp chiến lược về vườn cũ làm ăn, trước mắt không tuân theo việc đi về của địch (7 giờ sáng đi, 16 giờ về ấp chiến lược).

Được nhân dân hết lòng che chở, giúp đỡ, mạng lưới liên lạc được nối lại, việc ra vào ấp chiến lược của cán bộ có ám hiệu thông báo đây đủ. Dân tiếp tế lương thực cho căn cứ, bảo đảm thông tin liên lạc, thông báo địch tình đưa đường cho cán bộ đi công tác, đưa đường cho lực lượng võ trang di chuyển. Sự giúp đỡ của đồng bào trong hoàn cảnh khó khăn này góp phần cho sự thành công của Đảng bộ địa phương.

Tháng 9/1962, đồng chí Bí thư chi bộ trực tiếp chỉ đạo tổ nội tuyến chuẩn bị tạo thời cơ phối hợp với lực lượng võ trang đánh đồn dân vệ và diệt bọn ác ôn. Đồng chí Trần Văn Sáu, tổ trưởng nội tuyến báo cáo với đồng chí Bí thư “Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ” đêm 23/9/1962, tổ nội chiến đã chiếm 4 lô cốt, đồng chí Trần Văn Sáu đã mở cửa và đưa lực lượng võ trang ta vào đồn, cuộc phối hợp giữa nội tuyến và lực lượng bên ngoài rất nhịp nhàng, ta nổ súng tiêu diệt đồn, nhiều tên giặc đền tội, bắt sống được 4 tên thu 22 súng, 4 đồng chí trở về tham gia hàng ngũ quân giải phóng miền Nam, 3 đồng chí: Ba, Năm và Khí hy sinh, đồng chí Sáu Nai bị thương. Sau trận diệt đồn dân vệ, bọn tề co vòi, một số bỏ chạy, số còn lại làm chiếu lệ. Đèn treo ban đêm, lựu đạn gài trong ấp bị phá, bị tháo một số. Ta có cơ sở nồng cốt trong tất cả 6 ấp chiến lược, có nơi ta xây dựng được du kích mật và tiếp tục đánh phá ấp chiến lược 1, 3 và 4 làm tê liệt bộ máy kềm kẹp của địch, phong trào đấu tranh xé rào bung ra làm ăn phát triển ngày càng mạnh. Trong khi đang chuẩn bị  đánh đồn dân vệ lần thứ hai thì đồng chí Bí thư chi bộ Út Hài được điều về phụ trách thanh vận, đồng chí Nguyễn Văn Tư (Tư Tâm) lên làm Bí thư xã, đồng chí Út Hài bàn giao cơ sở nội tuyến trong đó có đồng chí Tư Tâm.

Xã Tân Túc (Chợ Đệm) năm 1961-1962 địch ra sức dồn dân lập ấp chiến lược, đồng bào phản ứng kịch liệt, ngụy quyền vừa đàn áp, hăm dọa, vừa dụ dỗ, nông dân ấp 3 làm đơn phản đối việc cào nhà thất nhân tâm của chúng, kéo nhau hàng đoàn lên ở quận Bình Chánh, lên Đô trưởng Sài Gòn, có đoàn lên cả Bộ Quốc phòng ngụy. Tại Lương Phú, bà con cương quyết không chịu dỡ nhà mặc dù bọn lính hăm dọa. Ông Bảy Đậu cầm dao lên nóc nhà ngồi nói với bọn lính: “Ai dỡ nhà tôi chém bay đầu” bọn lính bao vây dọa bắn ông. Ông Bảy Dậu bảo: “Thôi nhà tôi để tôi dỡ, mấy ông dỡ làm hư hết cây lá uổng”. Bọn lính tưởng thật kéo nhau đi, ông Bảy châm lửa đốt nhà, bọn lính quay lại bắt đánh ông một trận rồi lôi lên đồn. Giặc dùng trăm phương ngàn kế dồn dân lập ấp, dân cũng có trăm ngàn phương cách khác nhau để chống lại. Chúng có thể lập một số ấp chiến lược ở Tân Túc nhưng chúng làm sao kiểm soát được lòng dân. Nhà ông Mười Lượng luôn bảo vệ đồng chí Tám Ngự, một cán bộ trung kiên của cách mạng, các nhà khác nuôi các đồng chí Tư Thới, Đực Chùa cán bộ vẫn bám sát dân, trong những ngày gian khổ nhất dân vẫn nuôi giấu cán bộ.

Thời kỳ dồn dân lập ấp chiến lược, Thị trấn An Lạc bị địch phong tỏa, kềm kẹp gắt gao, cán bộ ta phải nằm hầm ở bụi. Bà con ta nuôi cán bộ bằng cách ngày ngày mang cơm ra để ở gốc cây, bụi mía tiếp tế cho anh em. Chi bộ Đảng do đồng chí Năm Đen làm Bí thư, Mười Thân và Hai Tạo ủy viên, vẫn bám được cơ sở để hoạt động. Thanh niên An Lạc vẫn luôn hướng về Đảng, nhiều anh tìm gặp cán bộ xin ra chiến khu theo bộ đội. Từ năm 1961 đến 1962 đã có 40 thanh niên An Lạc ra khu tòng quân, nhiều cơ sở mật được xây dựng, tồn tại, hoạt động lâu dài tới ngày giải phóng như tổ Đảng ấp 1 gồm có các đồng chí Lung, Nở, Duồng. Chính những cơ sở này tiếp tục là điểm tựa cho lực lượng võ trang ta sau này

 Ở Tân Tạo từ năm 1960, đồng chí Rồng được Huyện ủy cử về phụ trách, đồng chí đã xây dựng lại cơ sở Đảng, lực lượng du kích mật, chấn chỉnh và phát triển công tác binh vận. Chi bộ Đảng Tân Tạo lúc đó gồm có những đồng chí được phát triển trong thời kỳ chống Mỹ: Đặng Văn Mỹ - Bí thư; chi ủy viên: Nguyễn Văn Be, Ngô Văn Hữu, Lại Văn Mô, Phạm Văn Hai (Hai Bụng), Phạm Văn Ba (Ba Ốm), Lại Văn Cho, Nguyễn Văn Thắm. Vườn Lớn đã trở thành lõm du kích từ năm 1961-1962, ngoài Vườn Lớn các ấp Tân Xuân, Tân Lợi Đông, Tân Lợi Tây du kích có thể dừng chân bám trụ hoạt động. Giữa lúc phong trào xây dựng cơ sở đang đà phát triển thì Đặng Văn Vỹ đã phản bội, địch càn quét bắt nhiều cán bộ, du kích, một số hy sinh. Năm 1961-1962 cũng là những năm địch quyết cào nhà dồn dân lập ấp chiến lược. Nhất là cuối năm 1962, bất chấp mọi sự phản đối của đồng bào. Bị dồn vào ấp nhưng nhiều đồng bào vẫn tìm cách tiếp tế, giúp đỡ cán bộ, gia đình ông Bùi Văn Lập, bà Cái Thị Tương, ông Lê Văn Chép, ông Phan Văn Móc, ông Nguyễn Văn Nghề, ông Huỳnh Văn Dân, bà Phan Thị Bá… Dù gặp nhiều khó khăn song du kích xã vẫn tồn tại gây nhiều thiệt hại cho địch bằng những cuộc phá hoại. Cuối năm 1961 đầu năm 1962 du kích đặt mìn đánh sập tháp canh và cầu Chùa ở ấp Tân Hòa, toàn tiểu đội lính ngụy bị chôn vùi trong tháp, địch phải làm lại Cầu Chùa bằng xi măng cốt thép.

Vùng Tân Phước xã Bình Hưng bị địch khủng bố nặng liên tục từ năm 1959-1960, nhiều đảng viên và quần chúng bị bắt nên bước sang 1961 phong trào vẫn chưa được phục hồi. Mặc dù khó khăn, du kích mật vẫn tồn tại, hoạt động của lực lượng du kích làm bọn lính làng co cụm lại ở ấp 1. Năm 1962 chi bộ Đảng được củng cố, đồng chí Ba Hớn làm Bí thư, các đảng viên: Trương Huỳnh Hoa, đồng chí Thâm… Thời kỳ này địch ở Bình Hưng dùng mọi cách để dồn dân lập ấp, dồn dân ra ven lộ 50 hoặc xung quanh đồn Chánh Hưng và Bình Đăng gây xáo trộn lớn về mặt dân số, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều đồng bào bỏ ra Thành phố hoặc chạy sang Phước Lộc, Nhà Bè. Dân chúng rất oán hận đối với chính sách dồn dân lập ấp của địch, bà con ngấm ngầm liên lạc với cán bộ sẵn sàng chờ dịp phối hợp với lực lượng võ trang của ta phá ách kềm kẹp của địch. Đồng bào các xã Phong Phú, Đa Phước cũng vì chính sách dồn dân lập ấp chiến lược tan cửa nát nhà.

Ở Qui Đức, phong trào diệt ác phá kềm làm hạn chế bớt sự hung hăng của bọn lính làng, lõm du kích Hóc Hưu bắt đầu được xây dựng làm chỗ đứng chân cho lực lượng võ trang ta. Công tác binh vận ở Hưng Long được chú trọng và có kết quả đáng kể. Ông Sáu Ngoan một chức sắc Cao Đài yêu nước đã góp phần xây dựng nội tuyến thông qua Hương quản Đống, chuẩn bị điều kiện đánh đồn nghĩa quân Hưng Long (đóng tại trụ sở Ủy ban xã hiện nay). Cuối tháng 3/1961, du kích xã cùng lực lượng võ trang và nội tuyến tiếp tay đã đánh úp đồn Hưng Long, diệt và bắt sống lính trong đồn gần một trung đội, thu toàn bộ vũ khí, phá bung hệ thống kềm kẹp của ngụy quyền.

Sau năm 1960, phong trào cách mạng hai xã Vinh Lộc - Bình Hưng Hòa phát triển khá mạnh, được sự lãnh đạo của Huyện ủy Bình Tân, các chi bộ Đảng được củng cố. Xã Bình Hưng Hòa năm 1961-1962, bị giặc dồn dân lập ấp chiến lược: ấp 1 (Bình Thành), Ấp 2 (Ngã tư Gò Mây), Ấp 3 (Bình Thuận), ấp 4 (Ngã tư Bốn Xã), đó là về mặt hình thức, thực chất cho đến năm 1963 địch vẫn chưa gom hết dân vào ấp chiến lược. Đồng bào vẫn tìm cách chống đối thường xuyên dưới mọi hình thức. Để lập ấp chiến lược ở Vinh Lộc bọn ngụy phải đưa một dơn vị chủ lực lớn về đóng trong xã, bà con ta đấu tranh chống đối kịch liệt, nổi bật là cuộc đấu tranh ngày 7/3/1961, đồng bào chia thành nhiều nhóm, lần lượt kéo ra trụ sở ngụy quyền ở Ngã Năm yêu cầu lính không được bắn phá cướp bóc bừa bãi làm thiệt hại tài sản của dân. Đồng bào còn tố cáo lính bắt gà, vịt lấy đồ đạc… bắt heo. Bọn lính ngoài quận kéo vô đàn áp bắt hàng trăm người trong đó có nhiều người già cả đem xuống bào Đất Sét trấn nước. Đồng bào căm tức trước hành động dã man của giặc đã đánh trả quyết liệt, nhân dân kéo đến càng lúc càng đông, cuộc xô xát kéo dài đến tối. Địch bắt giam hơn 100 người, chúng dùng biện pháp vô cùng bỉ ổi bằng cách bắt 7 phụ nữ cho chó Bec-giê cắn để các chị khai ra người cầm đầu, các chị cắn răng chịu đựng không hề khai báo. Sáng hôm sau (8/3) quần chúng vẫn tiếp tục đấu tranh, trước khí thế của đồng bào, địch phải thả hết những người đã bị chúng bắt. Từ đó chúng không còn ngang tàn cướp bóc như trước. Song song với đấu tranh chính trị, chi bộ tích cực xây dựng lực lượng võ trang, lúc đầu du kích chỉ có dao rựa, ta diệt ác cướp súng tự trang bị. Diệt tên Hưng một tên thám báo nguy hiểm. Đánh trận Gò Xoài từ đó du kích bắt đầu có súng.

Sang năm 1962, địch càng cố gắng lập cho bằng được ấp chiến lược, lùa dân, đi san lấp, đào hào vót chông. Ngày làm, đêm đồng bào đi phá, cứ thế ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, địch phá nhà ta cất lại. Theo yêu cầu của đồng bào, du kích phối hợp với lực lượng võ trang đánh vào yếu khu Ngã Năm của địch vào cuối tháng 11/1962 gây cho chúng nhiều thiệt hại.

Bước sang năm 1963, thế và lực cách mạng miền Nam không còn như thời kỳ trước và sau năm 1959 nữa. Từ khi “Quốc sách ấp chiến lược” trong chương trình bình định 18 tháng được thực thi, Ngụy quyền bị mất 4000 viên chức cấp xã và 10.000 ấp trưởng (thông điệp đầu năm của Tổng thống Kennedy). Tình hình thực tế lúc đó tuy ta chưa đủ sức tiến lên đánh chiếm các thị xã lớn nhưng các trận đánh cấp tiểu đoàn đã diễn ra. Ta càng mạnh càng khoét sâu mâu thuẫn nội bộ bọn tay sai với nhau nhất là mâu thuẫn Diệm - Nhu và chủ Mỹ. Năm 1963, Phật tử nổi lên chống Diệm, rồi thêm phong trào học sinh, sinh viên.

Từ thực tế này, ý định thay ngựa giữa đường ngày càng thắng thế trong các giới chóp bu Mỹ, vấn đề chỉ còn là thay ngựa vào lúc nào và ngày 1/11/1963, xảy ra đảo chính Diệm là điều tất nhiên. Diệm - Nhu bị giết, đảo chính thành công. Sau đảo chính, bọn tướng lãnh đạo đảo chính vẫn ngoan cố tiếp tục đường lối chống cộng và bắt đầu gầm ghè, tranh giành địa vị quyền lợi với nhau.

Tình hình chung trên toàn miền Nam có nhiều hướng phát triển thuận lợi. Tại Bình Tân vùng Vườn Thơm ta đẩy mạnh việc xây dựng lực lượng võ trang, xây dựng căn cứ. Đêm 13/1/1963, từ Đức Hòa địch bắn pháo vào Tân Bình - Bình Lợi làm chết 3 người và 6 người bị thương. Sáng hôm sau 14/1/1963, bà con kéo lên Đức Hòa, vào dinh quận đấu tranh đòi chấm dứt bắn pháo, bồi thường thiệt hại cho dân. Đi đầu đoàn biểu tình là bà Sáu Tiên, Năm Tân. Trước khí thế của đồng bào, tên quận trưởng phải ra xin lỗi đồng bào hứa ngừng bắn pháo và bồi thường.

Cuối năm 1963, lực lượng võ trang tập trung của Bình Tân được xây dựng trên cơ sở rút các đơn vị du kích xã, huyện lên Tân Bình - Tân Lợi trở thành căn cứ của lực lượng võ trang huyện.

Đồng bào, du kích Vườn Thơm đã góp phần vận chuyển vũ khí từ rừng Sác về đây, điểm tập kết là Bà Vụ, hai bác Lâm Văn Biện và Nguyễn Văn Hỹ (Sáu Tàu) đã có công đóng góp lớn. Số vũ khí nói trên đã đáp ứng được yêu cầu xây dựng lực lượng võ trang của Khu Sài Gòn - Gia Định.

Các lớp huấn luyện cán bộ chính trị, quân sự được mở liên tục từ 1961 cho mãi về sau tại Vườn Thơm, đào tạo hàng ngàn cán bộ cho nội thành và các huyện ven đô.

Tại vùng Tam Tân từ 1963, phong trào phá ấp chiến lược lên cao. Xã Tân Nhựt, tất cả 6 ấp chiến lược đều bị phá đi phá lại nhiều lần, bà con tìm đủ cách ra khỏi ấp để sản xuất làm ăn. Tháng 7/1963 ta đánh tiêu diệt đồn dân vệ lần thứ hai, diệt và bắt sống nhiều tên thu 26 súng.

Đến cuối năm 1963, các ấp chiến lược ở xã Tân Tạo hầu như tan rã, các rào kẽm gai bị đồng bào cắt phá. Ban đêm chúng bắt các gia đình có con em theo cách mạng và tập kết phải ra ngủ ở trạm gác hoặc quanh bót, bà con đối phó bằng cách nói chuyện ồn ào, cho trẻ con khóc inh ỏi làm cho lính ngủ không được, chúng chán không tiếp tục gom đồng bào ra bót nữa. Song song với cuộc đấu tranh công khai hợp pháp, lực lượng du kích ta đã đánh địch nhiều trận đáng kể như đầu năm 1963, anh em đánh sập tháp canh cầu Bà Bộ (còn gọi là Tua Me) diệt gọn một tiểu đội địch. Tháng 10/1963, du kích xã phối hợp với lực lượng võ trang Huyện chận đánh bọn địch do tên Củ dẫn đi ruồng, chúng đi từ cầu Ông Búp xuống đến Bà Xa (gò mả ông Năm Đáo) ta nổ súng chúng bỏ chạy.

Vùng Tân Phước cuối năm 1963, phong trào phá ấp chiến lược đều khắp tạo tiền đề cho năm 1964 có chuyển biến mạnh. Tại Qui Đức du kích xã phối hợp với bộ đội 316 chận đánh diệt bọn bình định, trận đánh xảy ra khoảng cuối năm 1963.

Tại hai xã Vĩnh Lộc - Bình Hưng Hòa, năm 1963 có chuyển biến mạnh. Ở Vĩnh Lộc ta diệt nhiều tên tề điệp ác ôn như: tên Phùng (4/1963), tên Giầy, tên Cai, tên Đề… làm cho bọn lính hoang mang lo sợ. Để hỗ trợ đồng bào phá ấp chiến lược, du kích ta đánh liên tiếp các đồn dân vệ, bảo an dân vệ ấp 1 diệt 11 tên. Theo đề nghị của đồng bào, tháng 11/1963, du kích phối hợp với lực lượng võ trang Huyện đánh tan đồn chính của bọn dân vệ diệt nhiều tên, số sống sót bỏ chạy tán loạn, sáng hôm sau đồng bào kéo lên khu Ngã Năm đòi trở về vườn cũ làm ăn vì ấp chiến lược không an toàn. Bọn ngụy quyền tức tối đàn áp đồng bào, ra lệnh đóng cổng ấp 100 ngày, cấm đồng bào không được ra khỏi ấp. Đồng bào tiếp tục đấu tranh, 17 ngày sau địch phải chấp nhận để bà con sinh hoạt bình thường. Đến cuối năm 1963, ấp chiến lược ở Vĩnh Lộc mất thế kềm kẹp, có nơi trở thành ấp chiến đấu của ta.

Ở xã Bình Hưng Hòa, ấp chiến lược ngày càng bị vô hiệu hóa, đến năm 1963, nhất là cuối năm hàng rào ấp chiến lược bị phá. Các ấp 1, 2, 3, đồng bào tự động móc nối với cán bộ, các đồng chí ta ra vào ấp tương đối dễ dàng, chi bộ do đồng chí Mười Rô làm Bí thư các cơ sở quần chúng cách mạng được khôi phục. Bọn tề lính co lại không dám hung hăng như các năm trước. Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc trở thành chỗ đứng chân cho các đơn vị biệt động Sài Gòn. Ngày 25/9/1963 đồng chí Phạm Văn Hai cùng đồng đội tấn công rạp Kinh Đô diệt 32 tên Mỹ và làm bị thương nhiều tên.

Cuối năm 1963, tình hình ngụy quyền Sài Gòn lại rơi vào tình trạng khủng hoảng mới.

Ngày 30/1/1964, Nguyễn Khánh lật đổ chính phủ của Dương Văn Minh, hắn tuyên bố rằng: “Ông ta phải hành động vì tướng Minh không đủ mạnh về ý chí để ngăn chặn chiều hướng tiến tới sự trung lập của đất nước”. Trong năm tiếp theo, sự thay đổi chính phủ Sài Gòn hầu như diễn ra hàng tháng. Đây là thời kỳ các tướng lĩnh làm chính trị, bộ máy ngụy quyền tham nhũng thối nát. Chế độ Sài Gòn lâm vào thời kỳ khủng hoảng.

Ngày 11/7/1964, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Macnamara họp báo công khai tuyên bố: “Mỹ rất có thể mở rộng một kiểu chiến tranh thích hợp ra Bắc Việt”. Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc, nhằm gây sức ép miền Bắc không được làm hậu phương lớn cho cách mạng miền Nam.

Ngày 16/8/1964, Nguyễn Khánh cho ra đời Hiến chương Vũng Tàu với ý đồ thực hiện độc tài quân sự, quần chúng phản đối quyết liệt. Phật giáo biểu tình, Công giáo biểu tình, công nhân đình công, học sinh bãi khóa.

Trong lúc đó trên chiến trường, quân cách mạng ngày càng mạnh lên, ấp chiến lược bị phá rã hàng loạt.

Mỹ sốt ruột tình hình quân sự bất lợi, Mỹ chủ trương đẩy chiến tranh đặc biệt lên đỉnh cao bằng kế hoạch Jonhson - Macnamara nhằm tiếp nối và bổ sung kế hoạch Staley - Taylor.

Ngày 28/6/1964, tướng Maxwell Taylor thay Henry Cabot Lodge làm đại sứ  Mỹ ở Sài Gòn. Tướng Wiliam C Westmoreland được tăng thêm một sao thay Paul Harkins với chức vụ: Tư lệnh quân đội Mỹ ở Viễn Đông, chỉ huy cả quân Mỹ ở Thái Lan, hàm thượng tướng nhưng với nhiệm vụ nói trên, quyền hạn của ông ta lớn hơn Paul Harkins nhiều, chức năng nhiệm vụ quân đội Mỹ giờ đây không còn khoác áo cố vấn và nhân viên kỹ thuật nữa.

Quân ngụy được khẩn trương tăng cường từ 200.000 lính chính quy (1962) lên 245.000 (1964), bảo an, dân vệ từ 150.000 (1962) lên 262.000 (1964).

Cuối năm 1964, ngụy quân phải huy động biệt động quân xuống càn quét đàn áp cách mạng. Từ năm 1964, Bình Hưng và vùng Tân Phước là căn cứ của các cơ quan nội thành. Các biệt động Quận 7 dựa vào xóm Rạch Lồng Đèn, An Phú Tây để hoạt động ở phường Bến Đá, một đội đứng ở ấp 6 Phong Đước đề hoạt động ở phường Hàng Thái, một đội đóng ở Bình Hưng để hoạt động ở phường Bình An, Quận ủy Quận 7 đóng ở ấp 6 xã Hưng Long. Nhà bà Tám Tường ở ấp 5 xã Hưng Long là chỗ ăn ở của đồng chí Tám Thép, Chín Cần, Tư Bốn, các đồng chí Quận ủy Quận 7, quận 8 là nơi đi về của đồng chí Mười Thơ - Phó Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Quận ủy Quận 8 có trụ sở đặt ở Qui Đức sát cầu Ông Thìn từ tháng 1/1964 đến 1968.

Tháng 7/1964, du kích Hưng Long đánh một đại đội bảo an đi càn có tàu chiến yểm trợ, đẩy lùi nhiều cuộc phản công của chúng, diệt 7 tên và làm bị thương 20 tên. Ngày 20/8/1964, lực lượng võ trang tại chỗ đã diệt đồn Hưng Long sau đó hạ luôn đồn Tân Quý Tây.

Từ 5/1964, các ấp chiến lược ở An Lạc đều bị cắt hết rào kẽm gai và bị phá. Đồng chí Năm Đen - Bí thư chi bộ rất quan tâm chỉ đạo công tác binh vận, xây dựng nội tuyến theo dõi địch tình An Lạc đã vận động, tạo điều kiện cho thanh niên đi bộ đội, hàng chục thanh niên gia nhập tiểu đoàn 6 Bình Tân.

Xã Tân Tạo phong trào du kích lên cao, anh em đã dùng mìn đánh sập cầu Bà Bộ và tập kích bót tề làng Tân Tạo. Hàng trăm thanh niên rỉ tai vận động nhau bí mật ra khu theo bộ đội.

Ở Vĩnh Lộc, Bình Hưng Hòa, lực lượng võ trang của xã Vĩnh Lộc đã đánh vào ấp chiến lược số 1 hai lần (tháng 3 và tháng 10 năm 1964) diệt cả tiểu đội địch thu được 15 súng. Lực lượng du kích xã còn phối hợp với bộ đội đánh vào yếu khu Ngã Năm. Đặc biệt Vĩnh Lộc có tiểu đội du kích Mã Hùm gồm toàn thiếu nhi, các em đã làm liên lạc trinh sát theo dõi địch, thu nhặt đạn rơi, pháo lép giao cho các anh lớn, tiến tới diệt địch, cướp súng địch rất có hiệu quả. Chi bộ Đảng ở Vĩnh Lộc rất quan tâm tổ chức tốt các cơ sở nội tuyến, binh vận, xây dựng căn cứ làm lõm tạo chỗ đứng chân cho các lực lượng võ trang.

Ở Bình Hưng Hòa, đến năm 1964, các ấp chiến lược đều bị vô hiệu hóa, hàng trăm thanh niên địa phương nô nức đi tòng quân.

Từ năm 1964, phần lớn các xã trong huyện Bình Tân, bằng nhiều cách khác nhau, nhân dân đã phá rã, phá banh hoặc vô hiệu hóa “Quốc sách ấp chiến lược”. Đó cũng là tình hình chung trên khắp miền Nam.

Từ quý 3 năm 1964 trên cơ sở nhận định chiến trường miền Nam đang phát triển theo hướng có lợi cho ta, đồng thời xuất hiện khả năng Mỹ sẽ có thay đổi chiến lược. Dựa trên tinh thần Nghi quyết tháng 1/1961 của Bộ Chính trị trong đó có xác định “Cuộc tổng khởi nghĩa của nhân dân ta sẽ bùng nổ để lật đổ Mỹ - Diệm giải phóng miền Nam”, Trung ương Cục miền Nam vạch ra một kế hoạch chuẩn bị đón thời cơ thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định mang mật danh là “Kế hoạch X”, một bộ phận chuyên trách xây dựng kế hoạch này đã được hình thành.

Năm 1964, những chiến thắng lớn ở Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài cùng với sự sụp đổ của hệ thống ấp chiến lược trên toàn miền Nam đang làm phá sản “Kế hoạch Jonhson - Macnamara”, đẩy chiến tranh đặc biệt vào con đường phá sản.

Đêm 26/12/1964, chiến dịch Bình Giã bắt đầu. Sau hơn một tháng chiến đấu, chiến dịch kết thúc ngày 3/1/1965. Ta diệt 1.755 tên địch (bao gồm 60 cố vấn Mỹ, 40 sĩ quan ngụy), bắt sống 293 tên, phá 45 xe quân sự, bắn cháy 55 máy bay, thu 611 súng các loại, 100 máy truyền tin, nhiều quân trang quân dụng. Tại Bình Giã lần đầu tiên ta diệt gọn 2 tiểu đoàn lính trù bị ngụy (thủy quân lục chiến), chiến thuật thiết xa vận của Mỹ ngụy bị thất bại thảm hại.

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, kế hoạch bình định miền Nam trong vòng 18 tháng không thực hiện được chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ hoàn toàn bị phá sản

Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023