Sau chiến dịch biên giới cuối năm 1950 và các chiến dịch ở đồng bằng Bắc bộ, địch quay về bình định và đánh phá ác liệt vùng tạm chiếm Nam Bộ mà Sài Gòn là trọng điểm quyết liệt nhất.
Nằm trong hoàn cảnh chiến trường như vậy, Trung Huyện luôn bị địch càn quét đánh phá. Trong đó chúng cố sức đánh phá các căn cứ du kích. Đến năm 1951, hầu hết các vùng căn cứ An Phú Đông, Long Phước Thôn, An Nhơn Tây, Lý Nhơn của tỉnh Gia Định đều có đồn bót giặc. Vườn Thơm - Lý Văn Mạnh, vùng Bình Đăng, Hưng Long bị địch càn đi quét lại không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần càn quét chúng bắn giết hàng trăm người dân vô tội. Quán cơm cầu Ông Thìn, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Xáng, Gò Cát, ngã năm Vinh Lộc là những nơi địch thường xuyên đưa đồng bào vô tội và cán bộ ra bắn giết.
Những năm 1951, 1952, chiến trường Nam bộ nói chung, Sài Gòn - Gia Định, Chợ Lớn nói riêng, gian khổ biết chừng nào, ai đã từng sống qua những năm tháng này làm sao quên được những gian khổ ấy. Song lửa thử vàng, gian nan thử sức.
Giữa những năm tháng gian khổ, tin vui từ chiến khu Việt Bắc về tới Nam bộ: Đảng ta tổ chức Đại hội lần thứ hai và ra công khai với tên Đảng Lao động Việt Nam. Nhân dân, cán bộ, đảng viên Trung Huyện vô cùng phấn khởi tiếp nhận các nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh phong trào thi đua ái quốc, củng cố chính quyền cách mạng và tích cực kháng chiến. Sau Đại hội Đảng lần thứ hai, Xứ ủy Nam bộ giải thể (6/1951) và Trung ương Cục miền Nam được thành lập để chỉ đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ.
Để thay đổi tổ chức phù hợp với tình hình, Trung ương cục quyết định chia lại chiến trường và sắp xếp lại lực lượng. Các khu 7, 8, 9 được giải thể, chiến trường Nam Bộ được chia thành hai phân liên khu: Phân liên khu miền Đông và Phân liên khu miền Tây. Các tỉnh, huyện được sáp nhập lại thành tỉnh, huyện mới
Thực hiện nghị quyết của Trung ương cục, tỉnh Chợ Lớn được tách ra làm hai phần: Một phần cùng với Bà Rịa thành tỉnh mới là tỉnh Bà Chợ; Một phần cùng với Gia Định, Tây Ninh thành tỉnh mới là tỉnh Gia Định Ninh.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Chợ là đồng chí Võ Văn Khánh (Bảy Khánh), Bí thư Gia Định Ninh là đồng chí Phạm Văn Chiêu (Bảy Chiêu). Các đồng chí Chợ Lớn về tỉnh Bà Chợ có đồng chí Hồng Vũ (Bảy Cậy) và Hai Hậu. Các đồng chí Chợ Lớn sang Tỉnh ủy Gia Định Ninh là Hồng Châu, Bảy Thậm, Hai Văn.
Huyện Đức Hòa và huyện Đông Thành sáp nhập với nhau thành huyện Đức Hòa Thành. Huyện Đức Hòa Thành và Trung Huyện thuộc về tỉnh Gia Định Ninh, trừ một số xã ở Tân Phong Hạ và các xã giáp huyện Nhà Bè, Cần Giuộc nhập về liên huyện Nhà Bè - Cần Giuộc tỉnh Bà Chợ.
Cán bộ tỉnh được tăng cường xuống huyện, huyện xuống xã, cấp trưởng xuống cấp phó, tiến hành giản chính, kiện toàn bộ máy các ngành các cấp.
Đồng chí Nguyễn Văn Trân về Đức Hòa Thành làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến.
Trung Huyện, đồng chí Nguyễn Văn Thậm làm Bí thư Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Văn Mẹo làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Huyện. Sau đó đồng chí Nguyễn Văn Thậm làm Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính, đồng chí Nguyễn Văn Tuyên làm Phó Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Phú là Huyện đội trưởng, đồng chí Tầm và đồng chí Trầm là Huyện đội phó, đồng chí Doãn Văn Thung là Chính trị viên, đồng chí Nguyễn Chánh Thôn phụ trách Dân vận - Mặt trận.
Trung Huyện do ba đồng chí Sáu Tý, Đức, Năm là Tỉnh ủy viên chỉ đạo
Thời gian này bộ đội địa phương của Trung Huyện chỉ giữ lại trung đội, được trang bị thêm vũ khí làm lực lượng cơ động, số còn lại chia thành từng bán đội về bám sát cơ sở hỗ trợ cho du kích ở xã hoặc làm võ trang tuyên truyền, binh vận và lót địa bàn cho chủ lực tỉnh hoạt động. Ngoài ra còn có các biệt đội chuyên môn đánh giao thông, phá cầu cống, kho tàng của địch. Từ đây chúng ta kiên trì chiến đấu chống càn, chống địch bao vây, chống địch cướp bóc, giành dân, chủ động tấn công tiêu hao địch.
Từ năm 1951 trở đi, công tác Cao Đài vận được đặc biệt chú trọng, Trung Huyện liên tiếp tổ chức học tập phổ biến chính sách tôn giáo của Đảng và chính phủ kháng chiến, đưa cán bộ về cơ sở phát động phong trào toàn dân vận động lính Cao Đài quay súng trở về với cách mạng. Nhờ có chủ trương đúng đắn của Huyện ủy trong công tác tôn giáo mà ta đã tranh thủ được các tín đồ yêu nước. Nhiều cơ sở Cao Đài cứu quốc ra đời ở Hưng Long và một số xã khác ở Nam huyện. Một số tín đồ Cao Đài đã trở thành cán bộ cách mạng.
Các xã phía Nam huyện giáp với Nhà Bè, Cần Giuộc, Cần Đước là vùng nước mặn. Ở đây địch đã phong tỏa không cho ta tiếp tế nước ngọt cho khu du kích, nhiều lúc thiếu nước cán bộ ta phải ăn đọt chà là, đọt rau choại thay nước. Đây cũng là vùng có nhiều muỗi không thua rừng U Minh, đêm ngủ không có mùng, quần áo thiếu thốn, nhiều anh em mang bệnh sốt rét. Nhưng mặc khó khăn, lực lượng võ trang địa phương vẫn bám chặt địa bàn hoạt động, tổ chức bắn tỉa địch theo lối bắn chim sẻ và phục kích bắn ghe, tàu, để tiêu hao sinh lực địch.
Giặc Pháp đưa những tên Việt gian, tàn ác xảo quyệt về làm đồn trưởng các đồn ở địa phương như tên đội Hữu ở bót Quán Cơm. Đội Hữu được sự hỗ trợ của Hương quản Bôn đã tàn sát, cướp bóc của đồng bào hai khu Phước Điền Thượng và Phước Điền Hạ một cách man rợ. Chính tên này đã bắt đồng chí Trần Trọng Kim - Thư ký Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Hưng Long tra tấn và đưa đi tù.
Các xã Chánh Hưng, Bình Đăng, Phong Đước, Phong Phú, Qui Đức thuộc vùng Tân Phong Hạ, bị bọn phản động Bảy Viễn phá phách gây nhiều tội ác với nhân dân. Được thực dân Pháp dung dưỡng, bọn Bảy Viễn ra sức cướp bóc, vơ vét của cải một cách trắng trợn và tàn bạo. Chúng bắt dân Bình Đăng, Chánh Hưng mỗi gia đình phải nộp cho chúng 1m3 củi hoặc 500 tàu lá dừa để chúng đưa về chợ Xóm Củi bán. Ngoài việc vơ vét cướp bóc ở Tân Phong Hạ, bọn Bảy Viễn còn mở nhiều sòng bạc, các hoạt động mại dâm ở Sài Gòn và vùng lân cận.
Cuối 1951, huyện Mộc Hóa được giải phóng trở thành vùng hậu phương rộng lớn, sự kiện này có tác động cổ vũ trực tiếp quân và dân Trung Huyện trong cuộc chiến đấu với quân thù.
Tại Trung Huyện, lực lượng vũ trang địa phương phục kích chặn đánh xe giặc chạy từ Tân Tạo về Cầu Xáng, diệt gọn địch thu được 10 khẩu súng các loại.
Ngày 29/1/1952, Tiểu đoàn 300 phối hợp với lực lượng võ trang địa phương diệt gần một đại đội địch làm chủ thị trấn Cần Giờ cho đến sáng hôm sau.
Đường vận tải lương thực từ miền Tây về miền Đông ngang qua lộ 10 và quốc lộ 4 tuy bị địch canh gác gắt gao nhưng ta vẫn bảo đảm thông suốt.
Tháng 6/1952, để tiện chỉ đạo các hoạt động kháng chiến, ta quyết định lập liên huyện Nhà Bè - Cần Giuộc - Cần Đước do đồng chí Hồng Vũ làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Chín (Chín Cần) làm Phó Bí thư, đồng chí Tư Sanh làm Huyện đội trưởng, đồng chí Huỳnh Văn Quỳ làm Trưởng công an. Một số xã phía Nam Trung Huyện thuộc liên huyện này.
Tháng 8 năm 1952, bộ phận chỉ đạo khu B của Tỉnh ủy Gia Định do đồng chí Sáu Tỷ đã rút về Khăng Xuyên thuộc khu A, thực tế là giải thể khu B với lý do là Đức Hòa Thành trống trải không có chỗ núp máy bay[1].
Trong lúc ta đang củng cố tổ chức kháng chiến thì cơn bão lụt xảy ra vào tháng 10/1952, ở miền Đông Nam bộ, Trung Huyện nằm trong vùng bão, nhà cửa, kho tàng, vườn ruộng bị tàn phá nặng nề, bộ đội, cán bộ thiếu lương thực, hàng ngày rau cháo thay cơm. Địch lợi dụng bão lụt ra sức càn quét vào căn cứ, đánh phá khu du kích, ngăn chặn các đường tiếp tế. Thiên tai, địch họa đã gây ta biết bao khó khăn.
Bộ đội và nhân dân Trung Huyện ra sức khắc phục hậu thiên tai, chống địch càn quét, giữ vững cơ sở, đồng thời lo cái ăn, giải quyết nạn đói trước mắt. Phong trào tăng gia sản xuất được phát động khắp huyện. Cuối năm 1952, ta bắt đầu thu hoạch lúa, hoa màu ngắn ngày. Những chuyến lương thực cứu trợ từ miền Tây, vũ khí đạn dược từ Khu 5 vào đã đến tay chiến sĩ và cán bộ. Tuy trong hoàn cảnh khó khăn bão lụt đồng bào vẫn tích cực đóng góp cho kháng chiến.
Hai năm 1951, 1952 là khoảng thời gian khó khăn nhất của quân và dân Trung Huyện trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng quân dân ta đã cương quyết chiến đấu với địch và vượt qua mọi khó khăn do thiên tai gây ra, bảo vệ và phát triển được lực lượng cách mạng, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn tàn ác của giặc nhằm đánh vào căn cứ của ta diệt các cơ quan đầu não, phá hoại kinh tế hòng giành thắng lợi quân sự để bình định vành đai về Sài Gòn. Quân và dân Trung Huyện đã vượt qua chặn đường vô cùng gây go ác liệt để cùng với quân dân trong tỉnh bước vào giai đoạn chiến đấu mới.
Khoảng tháng 10/1952, đặc công phối hợp bộ binh do đồng chí Khương chỉ huy, đánh đồn Lý Văn Mạnh, diệt 27 lính, thu toàn bộ vũ khí, phá hủy đồn. Bên ta hy sinh 2 bị thương 9.
Cùng thời gian này, du kích phối hợp với bộ đội địa phương đánh đồn Cầu Xáng diệt 5 tên địch và thu được 7 cây súng.
Để đón thời cơ, ta chủ trương lựa chọn nhiều cán bộ, chiến sĩ, đưa đi huấn luyện, xây dựng lực lượng đặc biệt tinh nhuệ. Cuối năm 1952, đồng chí Phạm Văn Hai quê ở Tân Hòa được đi học lớp đặc công. Đồng chí Phạm Văn Hai tham gia cách mạng năm 1947, lúc mới 16 tuổi. Năm 1950, được kết nạp vào Đảng. Từ một du kích địa phương, chuyển sang công tác Thành, rồi qua bộ đội, ở bất cứ cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Năm 1953, diễn biến thực tế trên chiến truờng chung có nhiều thay đổi có lợi cho ta. Quân Pháp ở thế bị động phải đưa lực lượng ở Nam Bộ ra chi viện cho chiến trường Bắc Bộ. Để bù vào chỗ thiếu hụt, chính phủ Bảo Đại ra sức bắt lính xây dựng gấp các đơn vị ngụy quân. Từ cuối năm 1953 trở đi, tổ chức Đảng và các đoàn thể ở Trung Huyện được khôi phục và phát triển vì thế mà phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược Pháp của nhân dân nơi đây đã liên tục nổ ra
Giữa năm 1953, nhất là sau chiến thắng Kinh Bùi ngày 26/6/1653, chiến trường Nam bộ mới trở lại sôi động, tiếng súng địch lại rộ lên khắp nơi.
Vườn Thơm là một trong những nơi của Trung Huyện bị giặc khủng bố, càn quét tàn bạo nhất, nhưng với lòng quyết tâm sắt đá, ý chí chống giặc ngoan cường cùng với trí thông minh tuyệt vời luôn tạo ra thế tấn công địch và tấn công liên tục, buộc địch phải trả giá thích đáng.
Năm 1953, du kích Vinh Lộc, bung ra hoạt động mạnh, phối hợp với nội tuyến, đánh chiếm tua Bà Tri diệt 4 lính, thu 4 súng và 1 thùng lựu đạn. Cũng bằng phối hợp với nội ứng ta đã diệt tua ấp 5, bắt toàn bộ lính, thu 11 súng. Một số tua bót khác dưới sức ép của ta đã phải rút chạy hoặc tự rã ngũ. Phong trào chống bắt lính của giặc được đồng bào hưởng ứng sôi nổi, nhiều thơ của ta gởi tận gia đình binh sĩ kêu gọi họ vận động con em bỏ ngũ. Năm 1954, giặc chỉ còn kiểm soát được khu vực ngã năm, bộ máy tề làng bị tê liệt. Nhân dân, cán bộ tự do đi lại.
Trong thời kỳ gian khổ khó khăn, nhiều cán bộ, đảng viên Tân Nhựt bị hy sinh. Đồng chí Phan Văn Kháng - Bí thư chi bộ, đồng chí Nguyễn Văn Doi - Chi ủy viên, Trưởng Công an xã, đồng chí Lê Văn Nếp đều bị sát hại. Huyện ủy Trung Huyện phải điều động đồng chí Nguyễn Văn Bông từ Ban Chính trị huyện về làm Bí thư xây dựng lại cơ sở Đảng ở địa phương. Mặc dù gian khổ, nguy hiểm, bà con nông dân Tân Nhựt vẫn một lòng theo Đảng kháng chiến, nhiều gia đình đào hầm trong nhà, ngoài vườn, để nuôi dấu cán bộ, làm chông đinh gài các lõm địa hình không cho dịch đốn lá phá cây, hạn chế bớt sự lùng sục của giặc. Tổ chức canh gác cẩn mật, báo động kịp thời khi có địch để bảo vệ sự an tòan cho cán bộ cách mạng. Nhiều gia đình kiên trì chống lại sự gom dân của giặc, điển hình có bà Phạm Thị Hạt ở ấp Tân Hòa, mặc cho chúng đe dọa khủng bố, bà dùng lý lẽ đấu tranh: “Tôi là người tu hành theo đạo Phật, một thân một mình tôi không theo ai hết chỉ lo tu hành thôi”, địch không làm gì được bà.
Vùng Tân Túc - Chợ Đệm địch đóng hàng lọat đồn tua ở Quán Chuối, cầu Ngang, cầu Ông Thoàng, cầu Ông Cốm, cầu Bà Nghề. Để kiểm soát mặt sông, chúng đóng bót tại nhà Ban Khoành. Đó là chưa tính đồn Bà Tà, một đồn lớn khống chế toàn bộ Tam Tân. Bên phía Tân Kiên thì có đồn Cao Đài bọn Commando thường xuyên đột kích sâu sang phía Tân Nhựt và các xóm ấp hẻo lánh gây cho ta nhiều thiệt hại. Địch biết dân Tâm Tân ủng hộ cách mạng, là chỗ dựa để cán bộ ta từ đây sang họat động ở vùng tạm chiếm An Phú Tây nên chúng càng ra sức lùng sục, đánh phá. Tân Túc - Chợ Đệm còn là nơi đi về của biệt động thành, đồng chí Tư Đen đặt trạm liên lạc tại nhà Một Thơ địch không thể phát hiện được. Tổ hành động Công an tỉnh do đồng chí Mười Ngọc bám trụ ở ngay Chợ Đệm.
Chi bộ Đảng TânTúc do đồng chí Nguyễn Hữu Hào (Giáo Hào) làm Bí thư, đồng chí Tám Ngạn là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến. Trải qua nhiều cuộc khủng bố, càn quét của địch hai đồng chí Hào và Ngạn vẫn là hai cột trụ vững vàng ở địa phương.
Đảng viên, cán bộ, du kích vẫn bí mật hoặc bán công khai có mặt thường xuyên ở địa phương. Bà con nông dân luôn làm tròn nghĩa vụ thuế nông nghiệp, quyên góp thuốc men tiếp tế cho vùng du kích. Công tác địch ngụy vận, xây dựng nội tuyến được chi bộ Đảng làm tốt.
Cuối năm 1953 đầu năm 1954, lực lượng võ trang địa phương đã đánh bót Bình Chánh, bắt sống được một số lính và tên đội Xếp, thu nhiều vũ khí. Số lính ngụy bị bắt ta giải thích đường lối kháng chiến của cách mạng rồi thả.
Năm 1953-1954, do địch vận và công tác mặt trận tốt nên cơ sở cách mạng ngày càng mạnh, lúc này đơn vị võ trang huyện kết hợp với du kích địa phương họat động thường xuyên ở vùng Tam Tân lan đến Bình Chánh, Tân Bửu.
Đầu năm 1954, địch rút 3 tiểu đoàn đưa lên Điện Biên Phủ, sau đó phải rút 10 tiểu đoàn lên Cao Nguyên và 5 tiểu đoàn ra Trung Bộ tham gia chiến dịch Atlante. Ở Nam bộ, Pháp đã bị rút mất 18 tiểu đoàn Âu-Phi chỉ còn 5 tiểu đoàn Âu-Phi và 28 tiểu đoàn ngụy.
Bước vào Đông Xuân 1953-1954, lực lượng kháng chiến 7 xã vùng Nam Trung Huyện đã vùng lên, sử dụng tổng lực chính trị, binh vận, võ trang tấn công liên tục vào quân thù cùng toàn quốc giành thắng lợi quyết định. Tại Hưng Long, nhân dân được sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, các đảng viên, quần chúng nòng cốt, thanh niên trung kiên bung ra hoạt động, hướng dẫn từng xóm, từng cụm dân cư học tập thời sự một cách sôi nổi. Đêm đêm du kích bắn súng vào đồn Quán Cơm, phát loa kêu gọi binh lính trong đồn bỏ ngũ. Đồn Tân Quý Tây cũng bị bắn cầm canh suốt đêm. Đồn Quán Cơm và các đồng xung quanh đóng cửa đồn “án binh bất động”. Du kích và công an xã ra sức phá tề diệt giặc, vô hiệu hóa bộ máy kềm kẹp của địch. Bọn tề bị ta bắt kể cả Chủ Tuất và Hương hào Đường, trừ những tên đi vắng, số bị bắt ta đưa về công an Liên Huyện đang đóng ở Vàm Cỏ Tây.
Do hoạt động mạnh của ta, lính ngụy các đồn bót chung quanh Vườn Thơm hoang mang, nhất là lính đồn Lý Văn Mạnh, tại vùng này lính ngụy đã đào ngũ 8, rã ngũ 50, địch rút chạy nhiều đồn lẻ, khu Tam Tân và Vườn Thơm liên hoàn được với nhau, đường liên lạc Vườn Thơm với Gò Vấp được thông suốt, ta còn đẩy mạnh công tác địch ngụy vận đưa thư kêu gọi lính Bến Lức bỏ ngũ, kết hợp vận động gia đình binh sĩ ở Lương Hòa, Thanh Hà, Phước Lợi, Thạnh Lợi, An Thạnh, An Lạc, Mỹ Yên, Tân Nhựt, Tân Túc, Tân Tạo, Tân Kiên có kết quả tốt. Nhân dân rất có ý thức vận động con em, người quen của mình bỏ ngũ về nhà làm ăn.
Từ tháng 2 năm 1954, toàn Trung Huyện đã ở cao điểm vận động thuế nông nghiệp, các lực lượng đều bung ra nhằm mở rộng và chuyển vùng, xúc tiến hoạt động võ trang, đánh bọn tuần tiểu trên lộ An Thạnh, thường xuyên phục kích đánh địch trên đường 16 tiến lên làm chủ nửa ngày (buổi chiều) và ban đêm trên phần lớn huyện. Trước đó địch dám càn với quân số 1, 2 tiểu đội, nay không dám ra khỏi đồn. Vùng du kích mạnh như Lương Hòa, An Thạnh, vùng du kích yếu trở thành vùng du kích trung bình như Tân Bửu, Mỹ Yên, Long Hiệp, vùng tạm chiếm tiến lên thành vùng du kích như Tân Tạo, Bình Trị Đông.
Sang tháng 3 năm 1954, ta tiếp tục mở rộng vùng du kích thu hẹp vùng tạm chiếm. Du kích Long Hiệp đã chặn đánh tiêu hao bọn Commando ở Bến Lức. Một tiểu đội địa phương ta đã luồn sâu về Bình Trị Đông, xây dựng được ba tổ du kích củng cố được xã đội và cấp ủy xã. Toàn Trung Huyện dâng lên cao trào phá tề, du kích võ trang tuyên truyền sâu trong vùng địch hậu.
Cục diện chiến trường bước sang năm 1954 có lợi cho quân và dân ta sau những chiến thắng dồn dập trên khắp chiến trường nhất là chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, chính phủ Pháp buộc phải ký hiệp định Genève vào ngày 20 tháng 7 năm 1954 với nội dung cơ bản là công nhận chủ quyền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và Pháp rút hết quân về nước
Những ngày trước và sau Hiệp định Genève, thế và lực cách mạng ở Trung Huyện phát triển rất nhanh, địch co cụm lại và có nhiều hiện tượng tan rã.
Suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào và chiến sĩ Trung Huyện đã đứng vững chận ở cửa ngõ Tây Nam của Thành phố Sài Gòn, kiên cường chống giặc, gây cho chúng nhiều thiệt hại.
Đảng bộ Trung Huyện và lực lượng võ trang của cách mạng sống trong lòng dân, được đồng bào nuôi dưỡng bảo bọc, đã phát huy được trí thông minh sáng tạo đứng trụ được ngay sát nách Sài Gòn.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Là thành quả của cuộc chiến đấu gian khổ và anh dũng của quân và dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc cùng nêu cao quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nó tô thắm thêm trang sử truyền thống chống xâm lăng của dân tộc. Nó còn là biểu tượng của ý chí độc lập dân tộc, chống áp bức dân tộc, chống chế độ thuộc địa, chống chủ nghĩa thực dân, tấm gương sáng ngời cho các dân tộc yêu chuộng hòa bình, chống chiến tranh xâm lược.
Trong chiến thắng vẻ vang này, có sự đóng góp của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói chung, quân và dân Trung Huyện nói riêng.
Hiệp định Genève có hiệu lực, hòa bình lập lại trên toàn cõi Đông Dương, mọi người sung sướng, hồ hởi, nhưng nhân dân ta vui cái vui chưa trọn vẹn, chúng ta chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, kẻ ở lại, người đi tập kết vẫn canh cánh bên lòng.
Huyện ủy Trung Huyện đã tổ chức học tập cho cán bộ, đảng viên, xác định đi tập kết hay ở lại đều “Vinh quang”, đều là nhiệm vụ cách mạng, trên cơ sơ đó, sắp xếp bố trí lại cán bộ, đảng viên. Sau khi tập kết số đảng viên Trung Huyện còn ở lại trên 500 đồng chí.
Huyện ủy Trung Huyện sau khi Hiệp định Genève gồm có:
1. Phan Văn Măng Bí Thư
2. Nguyễn Văn Hào Phó Bí Thư
3. Nguyễn Văn Tốt Ủy viên Thường vụ
4. Đồng chí Lưới Huyện ủy viên - Chánh Văn phòng
5. Nguyễn Văn Mười Huyện ủy viên
6. Đồng chí Tư Bốn Huyện ủy viên
7. Đồng chí Lắm Huyện ủy viên
8. Đồng chí Lào Huyện ủy viên
9. Đồng chí Hai Cánh Huyện ủy viên
10. Đồng chí Huỳnh Văn Chời Huyện ủy viên
Di tích gò nhà ông Biện Sinh, cơ sở cách mạng trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, là nơi đồng chí Nguyễn Văn Linh ( nguyên Tổng Bí Thư) tuyên bố kết hôn cùng phu nhân Ngô Thị Huệ ( Bảy Huệ).
[1] Hồi ký của đồng chí Nguyễn Văn Lành, tr 52.