Từ tháng 6 năm 1929 đến đầu năm 1930, tại Việt Nam liên tiếp ra đời ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (11/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn (1/1930). Cơ sở tổ chức đảng và cơ sở quần chúng của Đảng đã phát triển khắp cả ba miền. Sự ra đời nhanh chóng các tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Song sự tồn tại ba đảng biệt lập có nguy cơ dẫn đến chia rẽ lớn. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một đảng cộng sản thống nhất trong cả nước. Thư của Quốc tế Cộng sản ngày 27/10/1929 gửi cho những người cộng sản Đông Dương đã nhấn mạnh rằng: “Sự chia rẽ giữa các nhóm cộng sản và cuộc đấu tranh giữa các nhóm đó là nguy cơ tai hại nhất cho toàn bộ phong trào cách mạng ở Đông Dương. Nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất là tất cả những người cộng sản Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản, nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương. Đảng Cộng sản Đông Dương phải được thành lập bằng cách tập hợp tất cả những phần tử thật sự là cộng sản của tất cả các nhóm cộng sản”[1].

Đầu năm 1930[2], được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc). Tham dự hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng, cùng với đại biểu nước ngoài là Lê Hồng Sơn và Hồ Tùng Mậu. Hội nghị đã  hoàn toàn nhất trí tán thành việc thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thông qua những văn kiện chính thức của Đảng: Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng do đồng chí Nguyễn Ái Quốc dự thảo.

Sau Hội nghị hợp nhất, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn yêu cầu xin gia nhập Đảng và ngày 24/2/1930, yêu cầu đó được chấp nhận.

Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một tất yếu lịch sử, do những điều kiện trong nước và thế giới lúc đó quyết định. Đồng thời Đảng chính là sản phẩm của sự kết hợp biện chứng giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước trong những năm 20 của thế kỷ XX. Có thể nói, việc thành lập Đảng và soạn thảo cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo là công lớn của Nguyễn Ái Quốc. Nó chứng tỏ Người đã quán triệt chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tế Việt Nam, đã thấu suốt con đường phát triển tất yếu của cách mạng nước ta trong việc kết hợp giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây không chỉ là đóng góp cho cách mạng Việt Nam mà còn là sự đóng góp không nhỏ cho thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin ở các nước thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới.

Trung tuần tháng 2/1930, hai đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng đi dự hội nghị hợp nhất Đảng ở Hương Cảng là Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu về đến Sài Gòn đã bắt tay ngay vào công việc chuẩn bị cho việc thống nhất các tổ chức Cộng sản tại Nam Kỳ. Sau một thời gian chuẩn bị, cuối tháng 2/1930, Ban Chấp ủy lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam của Nam Kỳ (tức Xứ ủy lâm thời) được thành lập do đồng chí Ngô Gia Tự làm Bí thư.

Tại tỉnh Chợ Lớn, Xứ ủy đã chỉ định Tỉnh ủy lâm thời do đồng chí Lê Quang Sung (tức Lê Hoàn) làm Bí thư.

Tại Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) đầu năm 1930 đã có các chi bộ đảng ở các tổng Long Hưng Thượng, Long Hưng Hạ và ở các xã Tân Nhật, Tân Kiên, An Lạc, Bình Trị Đông[3]. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ở Trung Quận có các chi bộ sau đây:

- Chi bộ làng Tân Tạo do đồng chí Nguyễn Văn Cự làm Bí thư gồm các đảng viên là Lại Văn Đầy, Lại Thành Lễ, Đỗ Văn Thạch, Phạm Văn Kỉnh, Phạm Văn Bốn,  Hồ Văn Địch, Võ Văn Thái, Lê Công Triêu, Lê Công Sử.

          - Chi bộ làng Tân Kiên do đồng chí Lê Văn Điền làm Bí thư, đồng chí Hồ Công Bỉnh (Chín Bỉnh) làm Phó Bí thư gồm các đảng viên là Nguyễn Văn Điền, Hồ Văn Biện, Lâm Văn Xích, Nguyễn Văn Mứng, Nguyễn Văn Lộ, Phan Văn Đốm, Kiều Văn Hưởn.

- Chi bộ làng An Lạc (thành lập tháng 6 năm 1930) do đồng chí Nguyễn Văn Ngân làm Bí thư gồm các đảng viên là Trần Văn Thắng, Võ Văn Hoa, Võ Văn Thái, Lê Văn Tô.

          - Chi bộ Bình Trị Đông (thành lập tháng 9 năm 1930) do đồng chí Nguyễn Văn Nhung làm Bí thư gồm các đảng viên là Nguyễn Văn Lễ, Nguyễn Văn Lăng, Huỳnh Văn Lượng, Nguyễn Văn Trâm.

          - Chi bộ làng Long Phú (tổng Long Hưng Hạ) do đồng chí Nguyễn Văn Tuôi làm Bí thư gồm các đồng chí Hảo, Tồn, Mảng, Thông, Sáu Chấn.

          - Ở tổng Tân Phong Hạ đồng chí Nguyễn Văn Trân một Đảng Cộng sản Pháp, đã học Đại học Phương Đông (Liên Xô) về đã phát triển được một số đảng viên là Nguyễn Văn Lưu, Nguyễn Văn Thuần, Nguyễn Văn Bửu, Lê Văn Ó, Lê Văn Cưỡng.

- Ở Bình Đăng có 2 đảng viên là Chung Văn Tánh và Chung Văn Tòng.

          Đến cuối năm 1930, các làng ở Trung Quận đều có đảng viên cộng sản hoặc quần chúng cảm tình Đảng. Sau khi thành lập các chi bộ đã lập ra các tổ chức quần chúng bí mật của Đảng như Nông hội, Công hội, Đoàn Thanh niên, Phụ nữ và các tổ chức công khai theo nghề nghiệp như Hội xe ngựa, Hội giáo giới…

          Nông dân Trung Quận có truyền thống đấu tranh chống áp bức, chống ngoại xâm, nay dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng, giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân Trung Quận đã liên tục đứng lên chống lại ách thống trị của chính quyền thực dân xâm lược. Thời gian này, phong trào đấu tranh của nông dân Trung Quận đã cùng với phong trào đấu tranh của nhân dân Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè  tỉnh Gia Định, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước tỉnh Tân An tạo thành một vành đai đỏ xung quanh Sài Gòn. Không giống như các cuộc đấu tranh trước đây, phong trào đấu tranh chống áp bức bóc lột của giai cấp nông dân Trung Quận từ khi có Đảng lãnh đạo đã có những nét mới cả về lượng và chất lại có sự hỗ trợ đấu tranh của giai cấp công nhân Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn một cách chặt chẽ và được trí thức, nhân sĩ yêu nước, báo chí Sài Gòn ủng hộ.

Chào mừng Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Trung Quận cờ búa liềm đã được treo lên trên ngọn cây me lớn trước nhà Hội tề làng Tân Kiên và nhiều truyền đơn cũng được rải khắp các làng.

Ngày lao động Quốc tế 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của các chi bộ đảng nhân dân Trung Quận đã đứng lên đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân phong kiến.

Ngày 4/6/1930, hai phụ nữ là vợ Chánh Thâu và Hương bộ Tảo đến đưa yêu sách đòi giảm thuế tại nhà việc[4] An Thạnh, bọn hội tề hẹn hôm sau sẽ có quan lớn giải quyết. Sáng hôm sau, ngày 5/6/1930  các đồng chí Phạm Khương và Sáu Nhâm đã tập hợp quần chúng diễn thuyết ở Bình Nhật. Đông đảo nông dân các làng Bình Đức, Bình Chánh, Mỹ Yên, Long Phú, An Thạnh đến dự, bọn lính khố xanh nổ súng, đồng chí Hai Bộ bị chúng bắn gãy tay và chúng bắt Hương hào Chánh, Hương hào Mạnh đày đi Côn Đảo.

          Ở làng Long Phú, khoảng 500 người kéo đi biểu tình, đoàn này được chi bộ Đảng hướng dẫn trước, ai nấy đều đội nón lá và khăn mặt phòng địch nhận diện.

Đoàn gặp Rennaul tỉnh trưởng Chợ Lớn và Huyện Cương lúc 8 giờ sáng, chúng nổ súng đàn áp và bắt đi ba người là ông Hớt, ông Năm Ân và ông Huôi. Đàn áp xong ở Long Phú bọn thực dân Pháp kéo nhau qua đàn áp cuộc biểu tình ở An Thạnh và bắt đi nhiều người, trong đó có bà Võ Thị Thu (vợ Hương Chánh Thâu), Hương bộ Tảo và anh Bảy Nên.

Tại tổng Long Hưng Thượng, ngày 4/6/1930, nổ ra cuộc đấu tranh do đồng chí Hồ Văn Long trực tiếp chỉ đạo. Tại Đức Hòa do đồng chí Võ Văn Tần lãnh đạo. Ở Hóc Môn do đồng chí Lê Trọng Mân lãnh đạo.

Cuộc đấu tranh ngày 4/6/1930, tại Tân Tạo được sử sách gọi là cuộc biểu tình ở Bà Hom hay cuộc biểu tình ở Chợ Lớn và đánh giá cao tinh thần chiến đấu của đồng bào.

6 giờ sáng ngày 4/6/1930, bà con nông dân các làng An Lạc, Bình Trị Đông, Tân Nhựt, Tân Kiên, Chợ Đệm, Vinh Lộc lần lượt kéo về Bà Hom đến nhà việc làng Tân Tạo, tổng Long Hưng Thượng, số người biểu tình lên đến hàng nghìn với khẩu hiệu:

          - Giảm thuế thân.

          - Tăng giá công cấy, công đập, công gặt lúa.

          - Giảm tô, giảm tức, giảm giờ làm công.

          - Chống bắt phu đi làm đồn điền cao su.

Đoàn biểu tình trương cờ đỏ nêu khẩu hiệu, tiếng pháo, tiếng mõ, tiếng trống, tiếng tù và nổi lên vang động cả góc trời, thể hiện sự căm thù bọn áp bức, bọn thực dân. Trước khí thế của đoàn biểu tình, tên Phủ Bắc phải đứng ra trực tiếp hứa hẹn sẽ giải quyết những yêu cầu của nhân dân. Nhưng mặt khác hắn ngầm ra lệnh nổ súng đàn áp, chúng bắn trúng đồng chí Cự - Bí thư chi bộ Tân Tạo, mặc dù bị thương, đồng chí Cự vẫn xông lên hô to: “Đồng bào mạnh dạn tiến lên, nhà cầm quyền không giải quyết nguyện vọng cho chúng ta, thì thà hy sinh chứ không giải tán”. Lập tức già, trẻ, trai, gái đồng loạt xông lên chống bọn đàn áp. Bà Tư Huề, Hai Niên, Tư Cự, Tư Mỹ dùng chổi chà đập bọn lính, một số người khác hốt bùn nén vào mặt bọn chúng.

Theo kế hoạch định trước, một số nòng cốt của Đảng là ông Ba Khải, Bảy Chí, Chín Dã và đông đảo bà con đã đạp đổ hàng rào nhà việc Tân Tạo xông vào giải thoát đồng chí Hồ Văn Bỉnh bị bọn lính bắt giam tại đây từ trước. Ông Ba Khải, Bảy Chí, Chín Dã, cướp luôn trống chầu của nhà việc, bọn lính rượt theo, anh em liệng trống xuống sông rồi nhảy theo, ôm trống bơi theo dòng nước vừa đánh trống vừa lặn hụp tránh đạn, bọn lính cố sức bám theo, tiếng trống vẫn vang lên làm cho bọn làng lính tức giận. Bọn giặc hung hăng nhưng không làm gì được. Ông Ba Khải, Bảy Chí, Chín Dã bơi ra vàm sông an toàn.

Cuộc biểu tình ở Bà Hom đã bị kẻ thù đàn áp dã man, đồng chí Cự và bà Cẩm bị thương, Ba Khải và ông Vạn hy sinh tại chỗ, bà Tư Tỏ và nhiều người khác bị bắt. Kẻ thù xảo trá, ngoan cố, hung hăng song cũng một phen bở vía. Đây chỉ là khúc dạo đầu báo hiệu những cơn giông bão sắp tới, máu của đồng bào, đồng chí đổ xuống ngày 4/6/1930 là món nợ mà bọn thực dân, bọn tay sai nhất định phải trả.

Ngày 11/6/1930, nghĩa là chỉ sau cuộc đấu tranh ở Bà Hom 7 ngày, một cuộc biểu tình lớn của nông dân các làng Tân Nhựt, Tân Túc,Tân Bửu, Bình Chánh do các đồng chí Hồ Văn Long, Nguyễn Văn Thế (Một Thế), Lê Văn Bảy (Bảy Vồ), Nguyễn Văn Keo (Hai Keo), lãnh đạo đã nổ ra. Đoàn biểu tình tập hợp lực lượng ở đình làng Tân Túc, trương cờ đỏ, khẩu hiệu rồi kéo ra quốc lộ 4 lên Chợ Lớn tới An Lạc thì bị Phủ Giáp dẫn lính chặn lại. Đồng chí Một Thế đứng ra đại diện cho đoàn biểu tình đưa đơn cho Phủ Giáp, lập tức tên này ra lệnh còng tay Một Thế và đàn áp cuộc biểu tình. Cùng bị bắt với đồng chí Một Thế có Hai Keo, Ba Chơi, Tám Tiển, Hai Kiên, Bảy Vẹo… Ngày hôm sau báo chí đăng tin có ảnh đồng chí Một Thế và họ gọi là “Cuộc biểu tình ở An Lạc”. Thời gian này, báo Đuốc Nhà Nam, Điện Tín là những tờ báo hay tường thuật và thông tin về các cuộc đấu tranh của nhân dân ta.

 

 

Bia truyền thống (Gò cây Da) Tân Tạo nơi nổ ra cuộc biểu tình

của nhân dân Trung Quận đấu tranh đòi giảm thuế ngày 4/6/1930

 

Sau cuộc biểu tình 4/6/1930, phong trào đấu tranh của nhân dân Trung Quận dưới sự lãnh đạo của Đảng còn duy trì được khá lâu. Lực lượng trung kiên của Đảng được bảo vệ qua các cuộc khủng bố trắng vẫn tiếp tục hoạt động. Cơ sở Đảng ở Vinh Lộc và các nơi khác phối hợp với Bình Trị Đông tập trung quần chúng ở Gò Xoài vào đầu tháng 7 năm 1930 để nghe đồng chí Tư Lành nói về ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười Nga.

Khoảng tháng 8 năm 1930, chi bộ Bình Trị Đông tập hợp quần chúng tổ chức mít tinh ở Đồng Mã (Nhị Hòa), để nghe đồng chí Nguyễn Chí Diểu nói chuyện. Ngày 1/8/1930, chi bộ Đảng vận động nhân dân đánh mõ dồn dập suốt mấy đêm liền làm bọn làng lính hoang mang lo sợ, khí thế quần chúng lên cao.

Đầu tháng 9 năm 1930, hàng trăm đồng bào xã Vinh Lộc lại biểu tình kéo về nhà việc Xuân Hòa, trương biểu ngữ đòi giảm thuế thân, thuế thuốc, đồng bào hô vang khẩu hiệu “Đả đảo khủng bố trắng, đả đảo bọn đế quốc Pháp”, Hương quản Song và bọn lính bỏ chạy ra Bà Điểm cầu cứu bọn lính Pháp kéo vào đàn áp, địch bắn bị thương một số đồng bào. Sau đó ít lâu, nhân dân Vinh Lộc phối hợp với nhân dân Tân Thới Nhất, Xuân Thới Thượng bao vây nhà việc Xuân Thới Tây, tìm bắt tên Phó Tổng Chỉnh gian ác và đòi hủy bỏ sổ bộ làng.

Tháng 10 năm 1930, nhân dân Trung Quận lại tổ chức nhiều cuộc mit tinh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga.

Tháng 11 năm 1930, Đại hội Đảng bộ tỉnh Chợ Lớn được tổ chức tại làng Long Hiệp. Tham dự Đại hội có đồng chí Ung Văn Khiêm đại diện Xứ ủy Nam Kỳ. Đại hội đã bầu ra Tỉnh ủy Chợ Lớn gồm các đồng chí:

          - Lê Văn Sung                                              Bí thư

          - Nguyễn Thị Nhỏ (Sáu Điếc)                        Phó bí thư

          - Nguyễn Văn Tuôi                                        Ủy viên

          - Nguyễn Văn Tốt                                          Ủy viên

          - Phạm Khương                                             Ủy viên

          - Đồng chí Hảo                                              Ủy viên

          - 1 Đồng chí người ở Cần Đước                     Ủy viên

          - 1 Đồng chí người ở Đức Hòa                      Ủy viên

Những tháng cuối năm 1930, địch càng khủng bố mạnh, tiếp theo những năm 1931-1932 là thời kỳ địch tăng cường khủng bố trắng, nhiều đồng chí lãnh đạo từ Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh, Thành phố và đảng viên bị thực dân Pháp bắt, cơ sở Đảng ở nhiều nơi bị vỡ.

Tháng 5 năm 1931, đồng chí Lê Quang Sung bị mật thám bắt trên đường từ Sài Gòn về Đức Hòa, đồng chí Hồ Văn Long lên làm Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn thay cho đồng chí Lê Quang Sung.

Cuối năm 1931, Xứ ủy lâm thời được thành lập lại do đồng chí Phước làm Bí thư, được ít ngày đồng chí Phước bị bắt.

Tháng 4 năm 1932, đồng chí Hồ Văn Long đứng ra khôi phục lại Xứ ủy Nam Kỳ, sau đó đồng chí Hồ Văn Long bị bắt đày đi Côn Đảo.

Tại Trung Quận, Chi bộ Tân Tạo, đồng chí Lê Công Sử bị tên Hương trưởng Nguyễn Văn Hượt bắn chết, các đồng chí Lại Văn Đầy, Lại Thành Lễ và một số quần chúng trung kiên lần lượt bị địch bắt.

Chi bộ Bình Trị Đông, đồng chí Mười Nhung - Bí thư chi bộ và các đảng viên cũng lần lượt bị địch bắt.

Các đảng viên ở làng Tân Nhựt bị địch truy lùng gắt gao. Bọn giặc ngày đêm rình rập để bắt được đồng chí Lê Văn Doi, chưa bắt được chúng hè nhau dỡ nhà đồng chí ném xuống rạch Bà Tỵ. Mấy ngày sau do Phó Ba chỉ điểm và dẫn đường, Hương quản Nguyễn Văn Lang và cai Xuân vô lục soát vàm Bà Tỵ, đồng chí Doi chạy thoát.

Ở Vinh Lộc, tuy có thiệt hại, song chi bộ kịp thời rút vào hoạt động bí mật, tránh được các cuộc vây bắt của quân thù.

Vùng Long Hưng Hạ, lính ở đồn Gò Đen và đồn Bến Lức cùng với Hương quản làng ngày đêm rình rập, tìm bắt các đảng viên. Đồng chí Ba Cương, Ba Giải…phải tránh khỏi Long Hiệp. Đồng chí Nguyễn Văn Hay (Sáu Hay) bị lính làng bắt rồi chúng đưa đồng chí đi sát hại. Chi bộ Long Hiệp tuy bị địch đánh phá nhưng không vỡ. Sau khi vụ Lưu Đình Tứ bị bắt khai báo, các Tỉnh ủy viên lần lượt bị bắt, song hai đồng chí Nguyễn Văn Tuôi và Phan Khương nhờ nhân dân địa phương đùm bọc che chở nên địch không bắt được. Ông Mười Công một cố nông ở Long Phú, nhà nghèo làm mướn không đủ ăn phải đi đánh bông vụ kiếm tiền, thế mà vẫn một lòng một dạ nuôi giấu cán bộ và Xứ ủy suốt mấy mùa. Gia đình hội đồng Tồn (Võ Công Tồn) ở Gò Đen, ủng hộ cách mạng không tiếc tài sản của mình suốt từ thời Nguyễn An Ninh cho tới phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Trong những ngày cách mạng gặp khó khăn, xuất hiện nhiều người có lòng yêu nước như anh Tư Chí một lính kín ở bót Pô Lô đã tìm mọi cách giúp đỡ cán bộ lúc bị địch bắt. Anh đã mang thư của đồng chí Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) về Phú Lạc báo cho đồng chí Nguyễn Văn Trân biết là đồng chí Nguyễn Văn Tây đã bị bắt và báo cho chị Sáu Điếc rời Văn phòng Tỉnh ủy Chợ Lớn đi chỗ khác. Được tin này, đồng chí Trân đã chạy xuống Cần Giuộc. Anh Tư Chí cũng là người tháo lỏng còng chân giúp đồng chí Hà Huy Giáp và Ung Văn Khiêm vượt khỏi nhà giam.

Địch khủng bố ác liệt với ý đồ tiêu diệt Đảng ta, song đảng viên cơ sở vẫn tồn tại, nhiều cán bộ đảng viên len lỏi hoạt động. Nhà đồng chí Nguyễn Văn Trân, bị địch rình rập ngày đêm nhưng vẫn là nơi in truyền đơn và tài liệu của Đảng. Tài liệu tuyên huấn của đồng chí Hà Huy Giáp được đưa xuống nhà đồng chí Trân để in xong lại đem về Xứ ủy… Đồng chí Trương Văn Bang - Quận ủy quận Cần Giuộc, đồng chí Nguyễn Văn Tốt - Quận ủy quận Cần Đước vẫn tiếp tục bí mật hoạt động.

Vùng Tân Phong Hạ, Cần Giuộc, Cần Đước duy trì được nông hội, hội cứu tế. Lợi dụng lúc cấy lúa, các đồng chí nói chuyện giải thích đường lối của Đảng, tổ chức đấu tranh đòi công gặt 12 bó ăn 1 bó xuống còn 10 bó ăn 1 bó, nếu gánh lúa về sân phải trả công gánh còn 9 bó ăn 1 bó. Nơi nào lính làng áp bức, cán bộ ta hướng dẫn nông dân làm đơn thưa kiện. Các gia đình có người chết không có hòm chôn được tổ chức cứu tế góp tiền giúp đỡ, lúc đau ốm bà con vận động tương trợ giúp thuốc men. Truyền đơn của Đảng tiếp tục đến tay người nông dân không phải như trước mà gói trong lá chuối mang đến để ở ngõ vào nhà hay trao tận tay. Ngay những năm khủng bố này, nhiều thanh niên được giác ngộ, sau trở thành đảng viên, cán bộ của Đảng như Nguyễn Văn Trấn, Ngô Văn Sáu, Dương Minh Châu.

Một số đảng viên cộng sản ở Chợ Lớn, Long Hưng Hạ tránh khủng bố đã lánh về Vườn Thơm. Tại đây họ bí mật hoạt động xây dựng cơ sở như các đồng chí Lại Văn Dưỡng,  Mười Hộ, Ba Đạt…

Trước sự tàn bạo của làng lính, tuy Đảng không chủ trương nhưng quần chúng trung kiên và một số đảng viên cơ sở phẫn uất tự động trừng trị bọn tay sai. Hương trưởng Hượt đã bị trừng trị, Hương hào Ba cũng bị ông Phạm Văn Khải đánh cho một trận nhừ tử vì tội dẫn đường bắt đồng chí Doi, cai tổng Chỉnh, Hương quản Son chết hụt vài lần, Phủ Cương, Hương quản Kiên đêm nào ở nhà cũng cửa đóng then cài nơm nớp lo sợ.

Ở Vinh Lộc, nhiều tổ chức biến tướng do chi bộ lãnh đạo, hoạt động công khai như Hội âm công, Hội ái hữu tương tế, Hội đá banh, các nhóm đàn ca tài tử. Lúc địch cấm đoán lúc để có cớ tập hợp quần chúng nên ta lập ra “Hội ăn thịt heo”. Bị theo dõi, rình rập ngày đêm, đồng chí Nguyễn Văn Bường ở Bình Trị Đông vẫn khôn khéo bí mật vận động quần chúng treo cờ Đảng, rải truyền đơn nhân ngày kỷ niệm ngày 1/5/1932. Các đồng chí ở làng Tân Quý Tây tìm mọi cách vận động quần chúng rải truyền đơn trên quốc lộ 4, đánh mõ, treo cờ trong những ngày lễ. Nhờ những hoạt động khôn khéo, kiên trì không sợ hy sinh gian khổ của các đảng viên và quần chúng. Được sự đùm bọc nuôi nấng của bà con nông dân nên cơ sở của Đảng ở Trung Quận vẫn tồn tại. Trải qua đấu tranh chịu đựng các cuộc khủng bố tàn bạo của bọn thống trị, các đảng viên và quần chúng cách mạng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, càng trưởng thành.

Từ năm 1933 trở đi, cơ sở Đảng ở Trung Quận dần dần được khôi phục, trong hàng ngũ của Đảng có thêm nhiều cán bộ mới.

Trong những ngày khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Tạo một đảng viên  từ Pháp về hoạt động ở Thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Trân làm cầu nối giữa Xứ ủy và đồng chí Nguyễn Văn Tạo.

Sang năm 1933, các đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai ra ứng cử Hội đồng Thành phố, nhân dân Trung Quận đã phối hợp với các nơi ra sức vận động để hai đồng chí trúng cử.

Năm 1934, Ban Lãnh đạo hải ngoại của Đảng được thành lập với nhiệm vụ là khôi phục và thống nhất Đảng, các cơ sở Đảng đã được gây dựng lại trong nước, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ nhất.

Ở Trung Quận Chợ Lớn, cơ sở Đảng được phục hồi nhờ sự ra sức hoạt động của các đảng viên thoát khỏi sự khủng bố của giặc, một số đảng viên vừa mới ra tù, kết nạp thêm đảng viên mới. Những cán bộ cốt cán có công duy trì và dựng lại phong trào ở Trung Quận như Nguyễn Văn Tiếp, Nguyễn Văn Tuôi, Nguyễn Văn Nhâm, Phan Khương, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Văn Thế (Một Thế), Nguyễn Văn Cự, Lại Văn Đầy, Lại Thành Lễ, Phạm Văn Bốn, Nguyễn Văn Keo, Tám Tiểng. Ở Vinh Lộc, cơ sở đảng sau 1930 không thiệt hại nhiều

 Lúc này Trung Quận xuất hiện thêm nhiều quần chúng trung kiên và đảng viên mới, họ là thanh niên mới trưởng thành. Một số là quần chúng tích cực từ phong trào 1930-1931 như Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn), Ngô Văn Sáu (Sáu Quăn), Dương Minh Châu, Nguyễn Văn Thức (Mười Hội), Nguyễn Văn Thọ (Bảy Lùn), Phạm Văn Lữ, Thừa Khắc Cứ (Bảy Cứ), Sáu Xâu, Bộ Chấn, Võ Công Tồn, Lê Văn Ngà, Bảy Vồ, Ba Quảng, Đỗ Văn Huệ, Bộ Hanh. Bấy giờ ở Trung Quận từ Long Hưng Thượng, Long Hưng Trung, Long Hưng Hạ đến Tân Phong, Vinh Lộc đều có chi bộ đảng, kết nạp thêm đảng viên trẻ. Nhờ lực lượng cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm nên phong trào cách mạng ở Trung Quận luôn được giữ vững. Ngoài ra Trung Quận còn là cơ sở giúp cho việc khôi phục Tỉnh ủy Chợ Lớn và Thành ủy Sài Gòn.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng - Toàn tập (1924-1930), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tập 1, tr 614.

[2] Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960) đã quyết định lấy ngày 3 tháng 2 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Đảng.

[3]  Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Tập I (1930-1954) Sơ thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr 37.

[4] Trụ sở làm việc của bọn hội tề làng.

Tin tức đọc nhiều
  • Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

    Sự ra đời các chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam và phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân trung quận (1930-1935)

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục  và đào tạo năm học  2022 - 2023

    Thông tin tuyển dụng viên chức ngành giáo dục và đào tạo năm học 2022 - 2023