Ngày 2/9/1945, nhân dân Trung Quận hân hoan phấn khởi kéo về quảng trường Nô-rô-đôm (sau nhà thờ Đức Bà) cùng với nhân dân Thành phố và nhân dân các vùng lân cận vui mừng dự cuộc mít tinh mừng lễ Tuyên bố độc lập do Xứ ủy và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ tổ chức. Khi cuộc mít tinh chuyển sang tuần hành biểu dương lực lượng thì bị bọn phản động Pháp từ trên lầu cao lén lút dùng súng bắn vào đoàn tuần hành làm chết một người và bị thương một số người khác. Sau đó liên tiếp từ ngày 5 đến ngày 20/9/1945, được sự hỗ trợ của phái bộ quân Anh, thực dân Pháp liên tục khiêu khích ta. Thế rồi sau nhiều ngày khiêu khích vào lúc 24 giờ đêm 22/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ và các công sở của ta, mở đầu cho cuộc trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai.

Trước tình hình trên, sáng ngày 23/9/1945 Xử ủy và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp tại số 627 -  629 đường Cây Mai thuộc Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi - quận 5) để bàn về chủ trương và biện pháp đối phó với địch, Hội nghị đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã ra lời kêu gọi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn cùng với nhân dân Nam Bộ đứng lên chiến đấu chống lại quân Pháp xâm lược để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa mới giành được.

Tại Trung Quận - Chợ Lớn, Hội nghị củng cố tổ chức được họp tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Trấn ở Tân Nhựt, có đồng chí Phạm Hùng đại diện Xứ ủy về dự. Hội nghị đã bầu đồng chí Hồ Văn Long làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Nguyễn Văn Hoành[1] và đồng chí Trần Trung Tam làm Phó Bí thư Tỉnh ủy. Quận ủy Trung Quận do đồng chí Nguyễn Văn Chí (Sáu Chí) làm Bí thư, đồng chí Huỳnh Ngọc Hay làm Phó Bí thư[2]. Các chi bộ cơ sở đều được tăng cường và củng cố về nhân sự. Ủy ban Nhân dân lâm thời Trung Quận được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Mẹo làm Chủ tịch, đồng chí Thái Văn Sáu và đồng chí Lê Văn Ngà là Ủy viên. Ủy ban Nhân dân lâm thời Trung Quận đóng trụ sở tại Chợ Đệm (Tân Túc).

Mặt trận Việt Minh do đồng chí Nguyễn Văn Kỷ làm Chủ tịch.

 Mỗi xã đều có lực lượng võ trang như ở Chợ Đệm (Tân Túc), Tân Tạo, Hưng Long, Bình Đăng, Chánh Hưng và Quy Đức là tương đối mạnh hơn các xã khác.

Trong những ngày đầu kháng chiến, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Trung Quận đã tranh thủ thời gian khi quân định còn bị giam chân ở nội thành để tổ chức lại các đội tự vệ, chuẩn bị thêm tầm vông vạt nhọn, “tiêu thổ kháng chiến” và giúp đỡ nhân dân ở nội thành  sơ tán về.

Đầu tháng 10/1945, sau khi nhận được thêm viện binh, thực dân Pháp bắt đầu tổ chức đánh ra các vùng xung quanh Thành phố nhằm mở rộng địa bàn hoạt động và tạo hành lang an toàn cho Sài Gòn - Chợ Lớn.

Lúc này Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đóng tại đầu cầu Bình Điền sau đó chuyển về ấp 4 Tân Kiên. Tại làng Tân Túc, tờ báo “Kèn gọi lính” cơ quan của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã ra số báo đầu tiên. Máy móc của đài phát thanh Sài Gòn cũng được tháo gỡ đưa về đây. Lực lượng Quốc gia tự vệ cuộc về đóng quân ở Chợ Đệm. Trung Quận có vinh dự là nơi đứng chân của các cơ quan đầu não của Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Quân dân Trung Quận quyết tâm làm chậm bước tiến của giặc về đồng bằng sông Cửu Long và gây cho chúng nhiều khó khăn trên Lộ 50 đến Gò Công, cũng như Lộ 10 về Đức Hòa. Phía Tây Bắc tại cầu Tham Lương, 100 thanh niên tình nguyện vào lực lượng Quốc gia tự vệ do ông Huỳnh Văn Trí chỉ huy, ra sức chặn giặc không cho chúng qua cầu. Gần một tuần lễ cầm cự, ta rút lui về ngã năm Vinh Lộc, tuyển thêm quân luyện tập hàng ngày, đêm đi đột kích vào nơi đóng quân của chúng làm cho địch mất ăn, mất ngủ.

Để ngăn không cho quân địch tấn công ra ngoại thành, lực lượng vũ trang của ta đã nhanh chóng hình thành nên 4 mặt trận:

1. Mặt trận số 1 (còn gọi là Mặt trận tuyền tuyến Sài Gòn - Gia Định hay Mặt trận miền Đông).

2. Mặt trận số 2 (còn gọi là Mặt trận tiền tuyến phía Bắc hay mặt trận Tham Lương).

3. Mặt trận số 3 (hay còn gọi là Mặt trận tuyền tuyến phía Tây hay Mặt trận Phú Lâm - Chợ Đệm).

4. Mặt trận số 4 (còn gọi là Mặt trận tuyền tuyến Sài Gòn - Chợ Lớn hay mặt trận phía Nam

Mặt trận số 3, chặn địch ra hướng Phú Lâm, Bình Điền do đồng chí Nguyễn Lưu chỉ huy.

Tháng 10/1945, đồng chí Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn), Chỉ huy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc được điều về chỉ huy Mặt trận Bình Điền, với nhiệm vụ quấy rối và chặn giặc không cho chúng mở rộng ra ngoại ô.

Mặt trận Chợ Đệm chỉ trên dưới 300 quân, gồm du kích địa phương An Lạc, Tân Kiên, Tân Túc, Tân Nhựt (bao gồm Quốc gia tự vệ cuộc địa phương), đơn vị Trần Quốc Toản từ Phú Lâm xuống gồm số anh, chị em là nhà giáo, y tá, văn nghệ sĩ như Hà Thị Mai, Khoan Thị Tuyết, Lựu  từ cầu Ông Thìn lên. Đủ mọi thành phần, mọi giới từ đảng viên đến nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ đến các tay anh chị.

Bộ đội Bình Điền  được trang bị súng trường và một cây súng FM do Nguyễn Đình Thấu và Nguyễn Lưu tặng. Bộ đội Bình Điền được biên chế thành 5 đại đội:

1. Đại đội Trần Quốc Toản

2. Đại đội Năm Đen (gồm dân Tân Quí, An Phú Tây)

3. Đại đội Tân Kiên do Nguyễn Văn Thọ làm đại đội trưởng.

4. Đại đội Tân Túc do Mười Ốm chỉ huy.

5. Đại đội An Lạc do Lê Tấn Bê làm đại đội trưởng.

Ngoài ra còn có đơn vị võ trang của Tổng công đoàn do đồng chí Nguyễn Lưu chỉ huy đóng án ngữ ở Tân Túc.

Nhân dân Tân Túc, Chợ Đệm, Tân Nhựt, Tân Kiên đã đóng góp lương thực, thực phẩm và tiền bạc để nuôi bộ đội Bình Điền. Nhờ đó mà bộ đội mới trụ được 100 ngày.

          Có nhiều câu chuyện kể về những trận đánh giặc của quân và dân Trung Quận trong những ngày đầu kháng chiến như:

          - Trận bắn lính Pháp leo cột cờ: Anh em du kích Tân Túc đem cột cờ ra cắm ở mé sông Chợ Đệm. Cột thật chắc vào cây bàng cao. Lính Bình Điền trông thấy kéo vô hạ cờ. Bên kia sông dưới gốc cây vú sữa nhà đồng chí Bảy Trấn ta đào một cái hầm, đồng chí Lê Tấn Bê ngồi sẵn chờ. Thuở ấy sông Chợ Đệm còn hẹp, từ cột cờ tới cây vú sữa khoảng 50m. Bên kia quân địch leo lên cột cờ, bên này Lê Tấn Bê bóp cò đếm “Một thằng”, cứ thế đến năm sáu tên địch nằm dưới cột cờ.

          - Giết tên lính Pháp giữa sông: Có một lần bộ đội rút qua sông đồng chí Lê Tấn Bê là người đi sau cùng. Qua sông rồi Bảy Trấn, Năm Châu, Hai Lê đang ngồi nghỉ. Chừng ngoái lại thấy Lê Tấn Bê đang vật nhau với một tên lính Pháp dưới sông, trông chừng tên lính Pháp bơi khá lại khỏe, chưa biết hậu quả ra sao khi Bê trồi đầu lên, Bảy Trấn hét lớn “Bóp … nó”. Thế là cuộc đọ sức dưới nước đã phân thắng bại, Bê lội vào bờ, mấy hôm sau, một tên lính Pháp to tướng, nổi lình bình trên sông Chợ Đệm theo dòng nước trôi ra cầu Bình Điền.

          - Đánh tập kích sớm nhất ở chiến trường Nam Bộ: Quân Pháp đến đóng ở đồn Bình Điền thành một cụm bốn đồn. Ta quyết đánh cứ điểm này. Theo kế hoạch đại đội Trần Quốc Toản phục kích ở phía Bờ Ngựa, Tân Kiên để chặn địch tiếp viện từ Phú Lâm xuống. Đại đội Lê Tấn Bê, đại đội Năm Đen và đại đội Tân Túc chia nhau đánh vào cả bốn đồn là nhà Một Nguyên, nhà Hội An Phú Tây, nhà Hương giáo Chỉ và đầu cầu xe lửa.

          Trận phục kích căn nhà 5 căn của Hữu Khánh, 3 trung đội Pháp kéo vào, bộ đội Chợ Đệm phục kích sau dãy nhà 5 căn, đợi chúng đếm gần nổ súng diệt địch, trận ác chiến nổ ra địch bị diệt một số.

          Khoảng giữa tháng 1 năm 1946, Bộ đội Bình Điền biên chế thành Quốc vệ đội và rút ra khỏi Trung Quận.

          Để chuẩn bị kháng chiến lâu dài, đồng chí Lại Văn Dưỡng được Tỉnh ủy Chợ Lớn giao nhiệm vụ xây dựng khu Vườn Thơm thành khu căn cứ địa cách mạng. Chi bộ Vườn Thơm có 5 đảng viên do đồng chí Lê Văn Cậy làm Bí thư.

          Mặt trận số 4 (Mặt trận Nam Trung Quận) bao gồm Hộ 16 (Phú Định), Hộ 18 (cầu Chữ Y), Hộ 17 (Tân Phong Hạ), Hố Bần đến Cần Giuộc do các đồng chí Nguyễn Văn Trân và Trần Đình Trọng (Tư Phú) và Nguyễn Mạnh Hoan (Hồng Châu) chỉ huy. Lực lượng tại đây gồm: Bộ đội Trương Văn Bang (Ba Bang), bộ đội Tám Mạnh (Bình Xuyên)[3]. Ngoài ra còn có bộ đội Nguyễn Trung Ân (Ba Cân) với trên 200 tay súng. Mặt trận số 4 cầm giặc được khá lâu làm cho chúng không thể xuống Gò Công bằng tỉnh lộ 50 mà phải đến Gò Công bằng cách đổ bộ từ đường biển vào. Đặc biệt bộ đội Ba Cân hoạt động mạnh ở Bình Chánh, Tân Bửu, Tân Quý Tây, Đa Phước. Đánh thiệt hại nặng 1 đại đội giặc có xe thiết giáp đi kèm tại ngã tư cầu Tân Quý.

          Sau khi Mặt trận số 4 bị vỡ, lực lượng Bình Xuyên đã rút vào Rừng Sác (Nhà Bè), cũng bị phân hóa nghiêm trọng. Ta tranh thủ lôi kéo một số chỉ huy và binh sĩ có tinh thần yêu nước thật sự đúng đắn về phía cách mạng, đáng chú ý nhất là ông Dương Văn Dương[4]

          Cuối năm 1945 đầu năm 1946, hầu hết các làng Trung Quận đều bị địch đóng đồn bót. Song cũng chính vào thời gian này cán bộ, đảng viên ta được trưởng thành nhờ trải qua chiến đấu, cơ sở Đảng, chính quyền cách mạng được củng cố.

Ngày 6/1/1946, lần đầu tiên trong lịch sử các tầng lớp nhân dân Trung Quận đã hòa cùng nhân dân Thành phố, bất chấp bom đạn của kẻ thù hăng hái tham gia cuộc bầu cử đại biểu vào Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

          Ở Trung Quận cử tri đi bầu gần 100.000 người, chiếm ¼ số phiếu bầu trong toàn tỉnh Chợ Lớn

          Thắng lợi của cuộc bầu cử Quốc hội biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ độc lập của dân tộc, quyết tâm tham gia kháng chiến củng cố chính quyền cách mạng của nhân dân ta

          Tình hình kháng chiến đến đầu tháng giêng năm 1946, có thể khẳng định quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, trong đó có Trung Quận chúng ta đã hoàn thành cơ bản được nhiệm vụ của trên giao là giam chân địch không cho chúng mở rộng địa bàn ra vùng ngoại ô. Làm cho âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp bị thất bại.

          Qua được những tháng đầu kháng chiến, cán bộ, chiến sĩ có thêm nhiều kinh nghiệm vững bước đi lên. Dù chiến tranh tàn phá, tài sản tiêu tan, con em mình phải hy sinh, bà con Trung Quận không hề nao núng. Ngay những tháng đầu kháng chiến chỉ riêng Chợ Đệm và các làng xung quanh đã đóng góp 1.000 con heo, bò, 100 tấn lương thực, chưa kể thuốc men, ghe thuyền và phương tiện khác để nuôi bộ đội và cán bộ, đảm bảo nơi ăn, chổ ở cho các chiến sĩ. Có Thể nói bà con không tiếc gì “Tất cả cho kháng chiến”, sự đóng góp nuôi quân, nuôi cán bộ trở thành truyền thống của nhân dân. Nhiều bà con cô bác ở Trung Quận là cơ sở cách mạng như: Gia đình bà Trần Thị Hai (Tân Nhựt), Nguyễn Văn Hinh (Tân Túc), má Tám Dần (Tân Túc), má Tám Long (Quy Đức), má Tám Tường (Hưng Long), Võ Lợi Trinh (Tân Túc), Võ Công Tồn (Gò Đen).

          Thực hiện chính sách mặt trận của Đảng, đoàn kết tất cả các lực lượng chính trị cũng như các nhân sĩ trí thức để kháng chiến thắng lợi. Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam gọi tắt là Mặt trận Liên Việt ra đời.

           Ủy ban Kháng chiến Hành chính[5] được củng cố vững mạnh. Các đoàn thể cứu quốc hoạt động sôi nổi có nề nếp.

          Tại Long Hưng Thượng, Mặt trận Việt Minh, Trung Quận xuất bản tờ báo “Chiến thắng” in tại ấp Mỹ Phú, sau trở thành cơ quan của Mặt trận Việt Minh tỉnh Chợ Lớn, đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ kháng chiến.

          Khoảng tháng 4/1946, vòng cung Tây NamThành phố Sài Gòn (từ Vinh Lộc đến Trung Quận, Hưng Long) địch đóng nhiều đồn bót kiểm soát hầu hết các giao lộ, một số làng không đóng đồn được chúng luôn lùng sục, bố ráp.

Nhiều chợ như: Chợ Đệm, chợ Tân Tạo, chợ Tân Bửu bị đốt, nhiều nhà dọc ở lộ 10, lộ 4 bị đốt, nhiều nơi dân không ra đồng cấy được.

Ngày 25/6/1946, một lực lượng lớn lính Âu-Phi có xe thiết giáp mở đường chia làm 3 cánh: Từ lộ 10 - Cầu Xáng, từ lộ Đá Đỏ và từ Bình Hưng Hòa kéo vào ấp 4 Vinh Lộc nhằm tiêu diệt một đơn vị bộ đội ta đang dừng chân ở đây. Các mũi tiến công của địch đều bị các đơn vị thuộc bộ đội An Điền[6], chi đội 4 chặn đánh quyết liệt, nhiều tên giặc bị giết. Đồng chí Lê Tấn Bê (An Lạc) và Nguyễn Văn Ngự (Tân Tạo) hy sinh. Bộ đội An Điền là lực lượng chủ công trong trận đánh này. Ta hy sinh 43 cán bộ và chiến sĩ, địch chết 100. Mấy ngày sau địch lại tổ chức trận càn ấp 4 để trả thù, chúng bắn chết 380 đồng bào vô tội.

              

Khu tưởng niệm bộ đội An Điền – xã Vĩnh Lộc A- huyện Bình Chánh

 

Đến giữa năm 1946, phong trào kháng chiến ở Chợ Lớn và Trung Quận đã phát triển và được cũng cố các mặt. Đầu tháng 5/1946, Hội nghị Tỉnh ủy Chợ Lớn họp tại miếu Ông Lão, xã Hựu Thạnh Hạ (Đức Hòa). Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Thập và Hoàng Dư Khương đại diện cho Xứ ủy và đại diện của Quân khu 7. Đồng chí Hồ Văn Long - Bí thư Tỉnh ủy đọc báo cáo tình hình, nêu vấn đề củng cố chính quyền và mặt trận bảo đảm sự thống nhất lãnh đạo của Đảng bổ sung một số cán bộ cho các ban ngành.

Quận ủy Trung Quận, có thay đổi về nhân sự đồng chí Sáu Chí về Tỉnh phụ trách Thanh niên, đồng chí Huỳnh Ngọc Hay - Bí thư, đồng chí Lê Ngọc Hồ (Hồng Vũ) - Phó Bí thư. Quận ủy chú ý đến việc củng cố chính quyền cách mạng ở cơ sở, mở rộng sự đoàn kết toàn dân để: “Kháng chiến kiến quốc”. Vận động phong trào nhường cơm xẻ áo trong nhân dân. Phong trào “quỹ kháng chiến”, “hũ gạo nuôi quân”, 80% gia đình trong 4 tổng điều có hũ gạo nuôi quân. Nhân dân tích cực gửi gạo ra mặt trận, mỗi gia đình gửi nửa giạ hoặc cả giạ. Ở Hưng Long và Tân Tạo, có gia đình tự  nguyện tặng 300 giạ lúa và hàng trăm đồng cho quỹ kháng chiến. Đồng bào ta cũng đã góp nhiều nguyên liệu để chế tạo vũ khí, máy tiện, khoan, đồng, thau, thuốc súng, thu gom đạn dược giúp bộ đội. Phong trào tòng quân giết giặc được thanh niên tích cực hưởng ứng.

Từ tháng 6/1946 trở đi, liên tiếp xảy ra nhiều trận đánh lớn ở Trung Quận.

Đầu tháng 6/1946, bộ đội do đồng chí Ba Cân tổ chức địch vận được 2 lính ở đồn Hưng Long cùng với một số quần chúng tốt do ta đưa vào đồn làm lính. Tới giờ hẹn bên ngoài đánh vào, bên trong nội ứng bắt toàn bộ lính trong đồn, diệt 4 tên chỉ huy người Pháp, thu được 1 máy truyền tin, 44 súng các loại, lựu đạn và nhiều đạn dược, 20 anh em binh sĩ giác ngộ được bổ sung vào hàng ngũ ta. Chiến  thắng vang dội này làm địch hoảng sợ bỏ luôn không đóng đồn Hưng Long trong một thời gian dài.

Ngày 14 tháng 9 năm 1946, ta và Pháp ký “Tạm ước 14/9”, trong thời gian này ta tranh thủ  củng cố lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.

Ngày 26/9/1946, bọn giặc đánh hơi biết căn cứ Vườn Thơm đang có bộ đội đóng, chúng đã huy động một lực lượng lớn có không quân hỗ trợ kéo vào càn quét. Đến kinh số 2 bị chi đội 4 phối hợp với du kích chặn đánh, bắn rơi một máy bay do thám “đầm già”, diệt được 2 tên giặc Pháp thu được 1 cây súng ngắn và trung liên. Phía ta một chiến sĩ đã hy sinh, 1 bị thương. Nhiều nhà đồng bào bị đốt cháy.

Thực hiện chủ trương củng cố chính quyền cách mạng và Mặt trận. Tháng 11/1946, tại căn cứ Vườn Thơm, Ủy ban Nhân dân lâm thời Trung Quận tổ chức Hội nghị đại biểu bầu ra Ủy ban Kháng chiến Hành chánh và cơ quan Mặt trận của quận:

- Ủy ban Kháng chiến Hành chính: Do đồng chí Nguyễn Văn Mẹo làm Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Văn Tuôi làm Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên Tài chính, đồng chí Nguyễn Văn Thậm làm Tổng Thư ký, đồng chí Bùi Xuân Đượm là Ủy viên Chính trị, đồng chí Nguyễn Văn Sanh là Ủy viên Xã hội kiêm Quân sự, Lê Công Học là Ủy viên phụ trách Công an (sau thoái hóa bị kỷ luật)

- Ủy ban Mặt trận Việt Minh Quận: Do đồng chí Nguyễn Văn Kỷ làm Chủ nhiệm, đồng chi Lê Văn Bảy làm Phó Chủ nhiệm và một số ủy viên

Đến cuối năm 1946 lực lượng kháng chiến Trung Quận đã trưởng thành nhiều mặt, kinh nghiệm xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng võ trang được nâng cao, bộ đội từ tầm vông, giáo mác nay đã có súng.

Trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương đã họp Hội nghị mở rộng ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhận xét về việc thực dân Pháp đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, khiêu khích quân ta ở Thủ đô, nhất là vụ thảm sát ở phố Hàng Bún (Hà Nội). Hội nghị nhận định thực dân Pháp đã cắt đứt mọi con đường đàm phán và cố tình gây ra cuộc chiến tranh xâm lược cả nước ta. Vì hòa bình mà nhân dân ta phải nhân nhượng. Nhưng càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Rõ ràng là chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Trước tình hình đó, nhân dân ta không còn con đường nào khác hơn là cả nước phải đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 20/12/1946, Hồ Chủ tịch đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên kháng chiến, Người nói: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”

“Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”

Ngày 22/12/1946, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân kháng chiến”, chỉ thị khẳng định đây là “Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”.

Chấp hành chỉ thị của Trung ương Đảng và lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ Tịch, quân và nhân dân Trung Quận đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược lần thứ hai với một khí thế quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

[1] Có tài liệu ghi là đồng chí Vũ Thiện Tân là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Hồ Văn Long là Phó Bí thư, đồng chí Trần Trung Tam là Ủy viên Thường vụ.

[2] Sau khi đồng chí Nguyễn Văn Chí lên tỉnh, đồng chí Huỳnh Ngọc Hay lên thay một thời gian ngắn rồi đồng chí Hồng Vũ làm Bí thư

[3] Sau cách mạng Tháng 8, ta chưa có đủ thời gian xây dựng lực lượng vũ trang nên khi thực dân Pháp quay lại xâm lược ta sử dụng một số lực lượng cũ như Đệ Nhị sư đoàn của Vũ Tam Anh, Đệ Tam sư đoàn của Nguyễn Hòa Hiệp, Đệ Tam sư đoàn của Lý Huệ Vinh,… các lực lượng này sau bị phân hóa. Bộ đội Bình Xuyên là một lực lượng anh chị của Bảy Viễn. 

[4] Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Tập I (1930-1954), Sơ thảo, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995, tr 225.

[5] Sau ngày 23/9/1945, ta chuyển Ủy ban hành chính thành Ủy ban Kháng chiến Hành chinh.

[6] Bộ đội An Điền được thành lập tại tổng An Điền, Thủ Đức, Gia Định.

Tin tức đọc nhiều
  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH