I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

          1. Tự nhiên

          - Vị trí địa lý: Huyện Bình Chánh nằm ở tọa độ địa lý giữa 10o40-10o50 vĩ độ Bắc và 106o30-106o40 kinh Đông, thuộc lưu vực sông Sài Gòn -Vàm Cỏ, cửa ngõ Tây Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Bắc giáp huyện Hóc Môn; phía Nam giáp huyện Cần Guộc và Bến Lức (Long An); phía Đông giáp quận Tân Bình, Bình Tân, Quận 6, Quận 8 và huyện Nhà Bè; phía Tây giáp Đức Hòa (Long An)[1].

Diện tích tự nhiên 252,69 km2. Trong những năm gần đây do quá trình đô thị hóa đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp.

Địa hình của Bình Chánh bằng phẳng, không có núi, nhưng với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, khai thác nuôi trồng thủy sản nước ngọt và trồng cây kiểng. Ở Bình Chánh, còn một dạng địa hình cần lưu ý, là lưu vực của hai sông Sài Gòn - Vàm Cỏ, nên gần về phía hạ lưu của hai sông thuộc phía Nam Huyện, có kiểu điạ hình nửa đất, nửa nước (tức là khi thủy triều lên bề mặt bị nước bao phủ)

          - Thổ nhưỡng: Theo tài liệu địa thổ nhưỡng, đất ở huyện Bình Chánh đại thể có 04 loại chính:

1. Đất xám pha cát ở Bình Trị, Tân Tạo, Bình Hưng Hòa, Vĩnh Lộc, dưới tầng sâu có mạch nước ngầm. Đây là vùng phủ phù sa cổ. Ở Bình Trị các nhà khảo cổ đã phát hiện được rìu đá và ở quanh Chầm Lão Nhông đã tìm thấy đồ đồng của người xưa. Vùng này ngoài trồng lúa, có thể trồng cây công nghiệp ngắn ngày và lập vườn.

2. Vùng đất phù sa mới đã thuần ở các xã An Phú Tây, Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Tân Kiên. Vùng này thích hợp với cây lúa nước và nhiều loại cây hoa màu.

3. Vùng đất thấp lầy nhiễm mặn, chịu ảnh hưởng thủy triều. Vùng này chỉ trồng lúa 1 vụ.

4. Vùng đất sét phèn nặng, ít chịu ảnh hưởng thủy triều, cảnh quan  gần giống Đồng Tháp Mười, chỉ trồng được các cây chịu phèn như: mía, thơm, tràm, bạch đàn. Tại đây có nhiều vết lộ than bùn. Sau ngày miền Nam được giải phóng nhờ có các công trình thủy lợi, nên vùng Ba Hầm, Vườn Điều, Vườn Thơm, Bà Vụ đã được khai thác hơn 26.000 ha để cấy lúa, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, cây nguyên liệu.

            - Khí hậu: Nằm trong địa bàn của miền Đông Nam Bộ nên khí hậu của Bình Chánh cũng mang đầy đủ tính chất của vùng này. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 9 dương lịch. Mùa nắng từ tháng 10 đến tháng 4 dương lịch năm sau. Số giờ nắng từ 2.000 đến 2.400 giờ một năm. Sự chênh lệch về nhiệt độ giữa mùa nắng và mùa mưa, giữa ban ngày và ban đêm ở đây cách nhau không lớn.

          Về gió mùa, Bình Chánh cũng chịu ảnh hưởng của gió mùa như các nơi khác trong vùng là gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam. Gió mùa Đông Bắc thổi vào mùa khô nắng và gió Tây Nam thổi vào mùa mưa.

Bản đồ hành chính huyện Bình Chánh sau khi chia tách (2003)

 

- Giao thông: Ai đã một lần từ Thành phố Hồ Chí Minh về Lục Tỉnh hay từ miệt dưới lên Sài Gòn mà không phải đi qua cầu Bình Điền và cầu An Lạc. Bến xe Chợ Lớn, Xa Cảng miền Tây, là những nơi quen thuộc của khách bộ hành ở mọi miền đất nước. Từ Chợ Lớn về Đức Hòa theo con đường Liên tỉnh số 10, ngang qua Bình Trị Đông, Bà Hom. Đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công bằng đường Liên tỉnh số 50 nay là quốc lộ 50), qua Bình Đăng, Phú Lạc, cầu Ông Thìn là thuận tiện hơn cả. Xuống Đồng bằng sông Cửu Long bằng đường thủy, ghe tàu chạy qua sông Chợ Đệm, hay theo sông Cần Giuộc.

 Quốc lộ 1, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và các giao lộ thủy bộ đã tạo cho huyện  Bình Chánh có vị trí hết sức quan trọng ở cửa ngõ Tây Nam Thành phố Hồ Chí Minh.

Sông nước cửa ngõ Tây Nam Sài Gòn

 Điều kiện tự nhiên của huyện Bình Chánh khá phong phú và đa dạng, nhưng để biến mảnh đất này thành vùng nông nghiệp giàu có như ngày nay. Trải qua nhiều thế hệ lâu dài, những lớp cư dân đầu tiên đến đây đã phải đổ không ít mồ hôi, nước mắt, có lúc phải hy sinh để khai khẩn, chống đỡ với thiên nhiên và cầm thú mới có được như ngày hôm nay.

2. Lược sử hình thành huyện Bình Chánh:

Dưới Triều Nguyễn đất đai Bình Chánh nằm trong huyện Tân Long[2], phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định. Trước năm 1956 phần đất chủ yếu của huyện thuộc Trung Quận[3] tỉnh Chợ Lớn.

Ngày 29/4/1957, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 138-BNV/HC/ NĐ về ấn định các đơn vị hành chính của tỉnh Gia Định. Theo nghị định này tỉnh Chợ Lớn bị bãi bỏ, phần lớn diện tích chuyển qua tỉnh Long An. Địa bàn Trung Quận chuyển về tỉnh Gia Định và đổi thành quận Bình Chánh. Trụ sở của quận đóng tại xã Bình Chánh. Quận Bình Chánh có 3 tổng:

- Tổng Long Hưng Trung gồm các xã: Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Túc. Riêng ba xã: Hưng Long. Quy Đức, Tân Quý Tây của tổng Phước Điền Thượng, Cần Giuộc đưa sang năm 1948.

 - Tổng Long Hưng Thượng gồm các xã: Tân Kiên, An Lạc, Bình Trị Đông, Tân Tạo, Tân Nhựt.

- Tổng Tân Phong Hạ gồm các xã: Chánh Hưng, Bình Đăng, Phong Đước, An Phú, Đa Phước.

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo quyết định của Quốc hội khóa VI ngày 2/7/1976, thành lập Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Chánh là một trong 6 huyện ngoại thành của Thành phố. Huyện Bình Chánh gồm có 19 xã và 01 thị trấn: Thị trấn An Lạc, xã Qui Đức, Phong Phú, Đa Phước, Bình Hưng, Hưng Long, Tân Quý Tây, An Phú Tây, Bình Chánh, Tân Túc, Tân Nhựt, Tân Kiên, Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa, Vĩnh LộcA, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Bình Lợi[4]. Nhiều xã ở huyện Bình Chánh ngày nay đã mang tên ngay từ thời Nguyễn như: Bình Trị Đông, Tân Tạo, Tân Kiên, Tân Nhựt, An Phú Tây, Hưng Long, Phú Lạc, Bình Đăng, Bình Chánh. Những nơi như Bà Hom, Chợ Đệm, Ba Cụm, Thị trấn An Lạc dưới triều Gia Long đã là một trung tâm kinh tế và được gọi là “An Lạc Phường”.

            Ngày 13/4/1977, Quyết định số 55-BT của Bộ trưởng Phủ Thủ tướng về việc thành lập một số xã kinh tế mới. Theo quyết định này Bình Chánh thành lập thêm 2 xã mới là Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai.

            Ngày 12/9/1981. Quyết định số 67-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc vạch địa giới thị trấn An Lạc. Theo quyết định này thì giải thể xã An Lạc để thành lập thị trấn An Lạc (huyện lỵ của Bình Chánh), phần đất còn lại của xã An Lạc sáp nhập vào các xã Bình Trị Đông, Tân Kiên và Tân Tạo.

            Ngày 11/7/1986, Quyết định số 70-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân rạch địa giới một số xã, phường của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo quyết định này xã Vĩnh Lộc được chia thành 2 xã là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

             Ngày 5/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 130/2003/NĐ-CP về thành lập các quận Bình Tân, Tân Phú và các phường trực thuộc; điều chỉnh địa giới hành chính phường thuộc quận Tân Bình; thành lập xã thị trấn tại huyện Bình Chánh, Cần Giờ và Hóc Môn Thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện nghị định này, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính thành lập quận Bình Tân, huyện Bình Chánh từ 30.457,23 ha còn lại 25.268,25 ha và 224.165 nhân khẩu, Từ 20 xã thị trấn còn lại 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm các xã: Phong phú, Đa Phước, Quy Đức, Hưng Long, Tân Quý Tây, Bình Chánh, An Phú Tây, Tân Kiên, Tân Nhựt, Bình Lợi, Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai, Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và thị trấn Tân Túc.Từ năm 2003 đến nay Bình Chánh được ổn định về địa giới.

         II. CON NGƯỜI

Quá trình hình xuất hiện con người ở Bình Chánh luôn gắn liền với sự xuất hiện con người ở Sài Gòn - Gia Định vì thế khi nghiên cứu về sự xuất con người ở Bình Chánh chúng ta phải nghiên cứu sự xuất hiện con người ở Sài Gòn - Gia Định. Các cuộc khai quật khảo cổ trên địa phận Sài Gòn - Gia Định và khu vực lân cận cho thấy ở đây đã tồn tại nhiều nền văn hóa từ thời kỳ đồ đá cho tới thời kim khí. Văn hóa Sa Huỳnh từng tồn tại ở vùng này những nét riêng biệt. Thời kỳ Văn hóa Óc Eo, từ đầu công nguyên cho đến thế kỷ thứ VII, vùng Sài Gòn - Gia Định khi đó là vùng có quan hệ  với những vương quốc trong khu vực miền Nam Đông Dương.

`        Những lưu dân người Việt đầu tiên tìm đến Sài Gòn - Gia Định trong đó có Bình Chánh thuở xa xưa là những người từ miền Bắc, miền Trung vào. Phần lớn họ là những nông dân nghèo đói, cơ cực bởi cuộc chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến, một số khác là những quan lại, binh lính được nhà nước phong kiến phái đi đồn trú phía Nam.

Thuở ban đầu, đứng trước thiên nhiên còn hoang dã của vùng đất mới, một vùng đất vừa hào phóng vừa bí ẩn, đầy bất trắc, người lưu dân Việt không khỏi cảm thấy ngại ngùng. Điều này thể hiện qua câu ca dao:

        Tới đây xứ sở lạ lùng.

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh.

Nhưng “Đất lành chim đậu”, Sài Gòn - Gia Định là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em, mỗi dân tộc có tín ngưỡng, sắc thái văn hoá riêng góp phần tạo nên một nền văn hoá đa dạng. Đặc trưng văn hoá của vùng đất này là sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc với những nét văn hoá phương Bắc, phương Tây, góp phần hình thành lối sống, tính cách con người Sài Gòn. Đó là những con người thẳng thắn, bộc trực, phóng khoáng, có bản lĩnh, năng động, dám nghĩ, dám làm.

Trong buổi đầu lập nghiệp, trên vùng đất hoang vu này họ phải chống đỡ với thú dữ như; cọp, beo, voi, rắn, heo rừng, cá sấu để phá hoang dựng nhà lập ấp, tổ chức trồng tỉa chăn nuôi, lập nên những ruộng lúa, ruộng mía, vườn hoa màu, vườn cây ăn trái.

Cùng với những biến động của lịch sử, cư dân sinh sống trên vùng đất này cũng có sự tăng giảm, nhất là trong hai cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Là địa bàn ngoại vi của một đô thị lớn từ hàng trăm năm qua, lại có những điều kiện thuận lợi để sinh sống, nên Bình Chánh cũng là nơi tụ cư của nhiều bộ phận người dân lao động từ nhiều nơi đến đây. Trong những năm chiến tranh, dân số Bình Chánh tăng nhanh vì người ở trong Thành phố chạy ra và người từ các tỉnh lân cận chạy vào. Trong dòng người di chuyển vào Bình Chánh thì phần lớn là người lao động

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975) dân số của huyện khoảng gần 250.000 người; năm 1989 là 201.284 người; sau khi tách huyện (2003) là 224.165 người. Đến cuối năm 2011 có 446.084 người.

Sự phân bố dân cư trên địa bàn không đồng đều, phần lớn tập trung ở thị trấn và thị tứ. Trong khi đó ở các xã có điều kiện sản xuất nông nghiệp không thuận tiện thì mật độ dân số thấp. Tiềm năng lao động của Bình Chánh khá lớn, vì số người trong độ tuổi lao động chiếm 59% dân số.

Thành phần dân tộc của cư dân sinh sống trên địa bàn huyện khá thuần nhất, trên 90% là người Kinh. Ngoài ra còn một số ít người Hoa, người Việt gốc Hoa, người Khơme. Các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện từ lâu đời có truyền thống đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ nhau.

Hầu hết nhân dân trong huyện có phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, ngoài ra cũng có một số ít theo đạo Phật, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài. Toàn huyện có: 51 ngôi chùa, 3 nhà thờ, 3 Hội thánh Tin Lành, 12 Thánh thất Cao Đài. Các cơ sở tôn giáo này thường xuyên được trùng tu, sửa chữa ngày càng khang trang, không chỉ là nơi hành đạo mà còn là nơi hành hương của nhiều bộ phận nhân dân trong những ngày lễ hội.

Cư dân  sinh sống trên địa bàn Bình Chánh từ bao đời nay dù theo đời sống tâm linh nào cũng thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong tình làng nghĩa xóm.

          Điều kiện tự nhiên và con người Bình Chánh là một cơ sở cần thiết, để chúng ta tìm hiểu truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Huyện nhà dưới sự lãnh đạo của Đảng.

          III. PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN BÌNH CHÁNH TRƯỚC KHI ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI

Khi thực dân Pháp đánh thành Gia Định, nhân dân Gia định, Định Tường, Biên Hòa trong đó có nhân dân huyện Tân Long đã sát cánh cùng với quân đội triều đình chống giặc ngoại xâm. Khi thành Gia Định thất thủ, vũ khí, quân nhu, lương thực bị giặc cướp. quân triều đình rơi vào thế khó khăn, cùng với nhân dân các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa, nhân dân Tân Long đã tự nguyện góp lương thực, thực phẩm giúp quân đội triều đình đánh giặc. Ngay từ buổi đầu, trong cảnh mất nước nhà tan, nhân dân Bình Chánh ngày ấy đã nêu cao truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của “Con Rồng cháu Tiên” đã đứng lên chống quân xâm lược bảo vệ quê hương.

Nhân dân Bình Chánh hăng hái xung phong đứng vào quân ngũ, tổ chức thành từng đoàn “dân dũng”. Những đoàn “dân dũng” này phát triển ngày càng đông. Tiêu biểu như quân của Hàn Lân Phụ, Cai tổng Là và Đề đốc Nguyễn Văn Tiến với hơn 5.000 quân hoạt động mạnh ở Bình Chánh suốt thời kỳ Pháp đánh bại Đại đồn Kỳ Hòa làm cho quân giặc thất điên, bát đảo. Đặc biệt ông Hồ Huấn Nghiệp[5] người làng An Định, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định đã tổ chức nhiều toán nghĩa binh ở vòng cung Tây Nam Sài Gòn, từ Bình Đăng đến Bình Điền, Chợ Đệm, Tân Tạo. Trong các toán nghĩa binh này có hai toán gồm các trai làng Bình Chánh. Tân Bửu, An Phú Tây, An Lạc, Tân Túc, Tân Kiên, Tân Nhựt do hai ông Huỳnh Trí Viễn và ông Mạnh chỉ huy đánh địch nhiều trận, nổi tiếng nhất là trận đánh quân giặc do cai tổng Đỗ Kiến Phước và Đỗ Hữu Phương dẫn đường, tại ngã ba Cai Tâm trên sông Chợ Đệm năm 1866, gây cho địch nhiều thiệt hại, mở thông đường cho nghĩa quân Trương Quyền từ miền Đông rút về Bến Lức.

          Các làng Tân Kiên, Tân Nhựt, Tân Túc, Tân Tạo là nơi ông Hồ Huấn Nghiệp thường lui tới trong thời kỳ hoạt động chống Pháp.

         Sau cuộc khởi nghĩa của Quản Hớn ở Hóc Môn ngày 12/9/1885, nhiều nghĩa quân phải tản về Tân Long được bà con Tân Long  đùm bọc che chở, tránh được các cuộc đàn áp trả thù của thực dân Pháp. Cũng từ đây cuộc đấu tranh của nhân dân Gia Định nói chung và nhân dân Tân Long nói riêng tạm thời lắng xuống.

Ý chí kiên cường bất khuất của nhân dân Bình Chánh không bao giờ tắt, người trước ngã xuống, người sau tiếp bước tiến lên. Sau thất bại của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hưởng ứng phong trào đấu tranh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhân dân Bình Chánh tiếp tục tham gia các phong trào yêu nước như “Thiên địa Hội” (1913-1916) do Phan Xích Long lãnh đạo, cuộc khỏi nghĩa tuy không thành nhưng làm cho thực dân Pháp lo sợ. Trên địa bàn tổng Long Hưng Thượng, “Thiên địa Hội” đã gây dựng được nhiều cơ sở, tập hợp được hàng trăm hội viên như: Nguyễn Văn Lúa (Biện Lúa), Nguyễn Văn Yến… (Tân Kiên). Phó Cai tổng Lê Văn Giao, hương tuần Trần Văn Khéo, Trần Văn Huê, Lê Văn Chẩn, Nguyễn Văn Lựu… (Tân Nhựt), Nguyễn Hữu Trí, Nguyễn Nghĩa Hiệp, Nguyễn Bốn, Nguyễn Tư… (Đa Phươc), ông Lớn Cối... (Vinh Lộc).

Cũng trong thời gian này (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) chữ Quốc ngữ dần dần thay thế chữ Hán và chữ Nôm. Nhiều tờ báo in bằng chữ Quốc ngữ ra đời, đáng kể nhất là tờ Nông cổ Min Đàm (1901) và Lục Tỉnh Tân Văn (1907), hai tờ báo này đã cổ động phong trào “Duy Tân” và “Minh Tân” nhằm mở mang dân trí, truyền bá chữ Quốc ngữ, khuyến khích nhân dân ta buôn bán, học làm công nghiệp, cắt tóc ngắn, cải cách y phục. Người có vai trò quan trọng đối với phong trào Minh Tân là ông Trần Chánh Chiếu. Phong trào có quan hệ với Đông Kinh Nghĩa Thục ở ngoài Bắc và phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Bọn thống trị pháp đã đánh giá phong trào Minh Tân là một phong trào chính trị nguy hiểm nên chúng đã ra lệnh đàn áp và bắt ông Trần Chánh Chiếu giam ở Trung Quận. Ông Võ Công Tồn (là Hội đồng địa hạt khu vực Chợ Lớn năm 1935 và năm 1939) đã tham gia tích cực phong trào Minh Tân, đã mở quán sách, phổ biến các sách kỷ thuật nông nghiệp phổ thông.

Đến những năm 20 của thế kỷ XX, ở Sài Gòn - Chợ Lớn, các phong trào yêu nước liên tục nổ ra. Các cuộc đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu (1925), đám tang cụ Phan Chu Trinh (1926). Ở tổng Long Hưng Thượng nhất là khu vục Tam Tân (Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt) có hàng trăm người tham gia. Riêng Tân Nhựt, có hơn 100 nông dân kéo về Sài Gòn dự đám tang cụ Phan Chu Trinh.

Cuối năm 1920, ở Sài Gòn xuất hiện Công hội bí mật, người tổ chức và lãnh đạo là Tôn Đức Thắng. Tôn Đức Thắng sinh ngày 20/8/1888, trong một gia đình nông dân ở xã Mỹ Hoà Hưng tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Thưở nhỏ ông học ở quê nhà. Năm 1906 lên Sài Gòn học ở Trường Bá Nghệ rồi làm ở Ba Son. Năm 1913, ông bị bắt vào lính thợ và đưa sang Pháp làm công nhân ở Toulon. Tại Pháp ông tham gia Công hội Pháp. Ông ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Công hội bí mật ra đời đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào yêu nước và cách mạng ở Nam Kỳ. Nhà máy Ba Son, nhà đèn Chợ Quán, hãng FACI, nhà máy rượu Bình Tây, các nhà máy xay ở Bình Đông, các lò nhuộm ở Chợ Lớn đều có tổ chức Công hội. Năm 1925, nổ ra cuộc bãi công của công nhân Ba Son và thợ nhuộm Chợ Lớn. Hai cuộc bãi công này đã được báo chí đăng tải hàng ngày, có ảnh hưởng chính trị lớn không chỉ ở Thành phố mà cả ở nông thôn ngoại thành. Nông thôn Trung Quận, Gò Vấp, Hóc Môn… bà con tiểu thương ở Chợ Lớn và Sài Gòn, đã quyên góp ủng hộ cuộc đình công của công nhân. Đình Bình Đông nơi diễn ra nhiều cuộc họp của Công hội.

Tiếp theo là sự ra đời của tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên[6], một tổ chức có khuynh hướng Cộng sản do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và huấn luyện ở Quảng Châu (Trung Quốc), đã có Kỳ ủy ở Sài Gòn và ra sức xây dựng cơ sở trong công nhân, nông dân và trí thức.

Những năm 1928-1929, cũng là thời kỳ họat động sôi nổi của nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, ông quê ở làng Phước Lý, Trung Quận, Chợ Lớn, sau chuyển về Hóc Môn. Ông đậu cử nhân luật ở Pháp, về nước ra báo La Cloche Fêléc năm 1923, diễn thuyết giỏi, viết báo hay. Tuy không lập ra một đảng nào, nhưng được đồng bào yêu mến, thanh niên Sài Gòn xem ông như thần tượng, ông là bạn thân của Võ Công Tồn ở Gò Đen, quan hệ thân tình với Nguyễn Văn Trân (Bảy Trân), Trương Văn Bang. Phong trào “Hội kín Nguyễn An Ninh” tại Trung Quận diễn ra rất sôi nổi, tham gia Hội kín có ông Tám Điền, Năm Hời, Tư Huỳnh (Tân Kiên), Nguyễn Văn Chính, Lê Văn Nguyên, Lê Văn Doi, Nguyễn Văn Tiên, Nguyễn Văn Keo, Nguyễn Văn Vẹo (Tân Nhựt), Lại Văn Bời, Phan Văn Tý, Lê Văn Rành, Phạm Văn Truyện, Hồ Văn Diệu, Mai Công Nuôi, Lê Văn Liêu, Hồ Văn Khoa, Nguyễn Văn Tròn, Nguyễn Văn Đông, Trần Văn Hoàng, Nguyễn Văn Khuê… Các xã khác thuộc Trung Quận như Đa Phước, Qui Đức, Hưng Long… cũng có người tham gia. Phong trào Hội kín đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên Trung Quận. Hầu hết các hội viên của Hội kín sau này đều gia nhập Tân Việt cách mạng Đảng rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam như Hồ Văn Long, Nguyễn Văn Tiếp.

Cuối năm 1929, ở Nam Kỳ đã xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên Đoàn.

Ở Trung Quận, một số thanh niên tìm cách ra nước ngoài học tập, tiếp thu được tư tưởng cách mạng tư sản dân quyền và học thuyết Mác-Lênin trở về. Từ Pháp có Nguyễn Văn Kỉnh, Một Thế, Nguyễn Hữu Thọ và từ Liên Xô về có Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Tự Do…

  Tóm lại, từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định,  nhân dân Trung Quận (Bình Chánh), đã liên tục đứng lên chống lại ách đô hộ của chúng, nhưng do thiếu sự lãnh đạo của một chính đảng Mácxít nên các phong trào yêu nước này đều bị thất bại.

Tuy không giành được thắng lợi, nhưng những phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược lúc bấy giờ đã khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc Pháp và bè lũ tay sai bán nước của các tầng lớp nhân dân Trung Quận (Bình Chánh). Đây chính là mảnh đất tốt cho chủ nghĩa Mác - Lênin truyền vào và gieo những hạt giống cách mạng để ra đời các tổ chức cộng sản sau này.

[1] Địa giới hiện nay của huyện Bình Chánh

[2]Huyện  Long có các tổng: Long Hưng Thượng, Long HưngTrung và Long Hưng Hạ. Ranh giới Tân Long gần vớihuyện Bình Chánh ngày nay gồm cả huyện Bến Lức và một số xã đô  thị hóa thuộc quận 5, 6, 8, 11 ngày nay.

[3] Trung Quận thời Pháp thuộc gồm cả Bến Lức và một  số nơi nay thuộc nội thành.

[4] Trung Quận và Bình Chánh trải qua nhiều thay đồi :thời kháng chiến chống Pháp khoảng 1951 ta tách các xã Nam lộ 4 nhập vào liên huyện Nhà Bè-Cần Giuộc. Có thời gian địch lập quận Gò Đen. Thời chống Mỹ ta tách các xã Bắc lộ 4 xáp nhập vào quận Tân Bình gọi là khu Bình Tân. Huyện Bình Chánh ngày nay gồm phần đầt chủ yếu của Trung Quận. Trừ xã Mỹ Yên và Tổng Long Hưng hạ nhập sang tỉnh Long An. Thêm xã Vĩnh Lộc A, B và Bình Hưng Hòa (trước đây thuộc Gò Vấp). Một số xã thuộc Tổng Tân Phong Hạ và Phước Điền Thượng (trước đây thuộc quận Cần Giuộc) .

[5] Có tài liệu ghi là Hồ Huân Nghiệp

[6] Thường gọi là Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Tin tức đọc nhiều
  • Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

    Quyết định công khai kế hoạch sử dụng đất đến năm 2022 của huyện Bình Chánh

  • KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

    KHU DI TÍCH LỊCH SỬ RẠCH GIÀ

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH (ĐỢT 2)

  • Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

    Ông Võ Đức Thanh - Phó Bí thư Huyện ủy Bình Chánh trúng cử chức danh Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhiệm kỳ 2021-2026

  • CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH

    CUỘC THI TRỰC TUYẾN “TÌM HIỂU VỀ CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH” TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN BÌNH CHÁNH